(Báo Quảng Ngãi)- Tai nạn dẫn đến chết người tại bến đò thôn Ân Phú, xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) vào đầu tháng 11 vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn tính mạng của người dân ở những vùng bị chia cắt bởi nước lớn trong mùa mưa lũ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trên địa bàn Quảng Ngãi hiện nay có nhiều khu vực dân cư bị chia cắt mỗi khi có mưa lũ. Chính quyền các địa phương hoặc là chờ cấp trên, hoặc không có giải pháp nào để giải quyết căn cơ việc đi lại của người dân. Bởi vậy, việc đảm bảo an toàn cho người dân đi lại ở những vùng bị chia cắt vào mùa mưa lũ đang là vấn đề nan giải.
Chiếc cầu tạm mà người dân xóm Đồng Min, thôn Đông Yên 3, xã Bình Dương (Bình Sơn) thường xuyên qua lại đã bị sập vào tháng 10 vừa qua. Ảnh: Đ.S |
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) Trần Kỹ: "Chúng tôi thực sự bị sức ép rất lớn từ người dân Ân Phú. Thực tế tại thôn Ân Phú không phải là bến đò ngang theo quy định. Bởi mỗi năm số ngày đi lại bằng ghe không nhiều, chủ yếu vào những ngày nước lớn. Không cho phương tiện đưa người qua lại thì người dân bức xúc, còn làm ngơ cho phương tiện tự phát của người dân qua lại thì khi có sự cố xảy ra, chúng tôi phải chịu trách nhiệm. Do đó, địa phương rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan".
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Võ Quang thì cho rằng: Xã phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người dân đi lại. Hằng năm, UBND thành phố đều bố trí kinh phí để sửa chữa tuyến đường qua thôn Ân Phú vào mùa nắng và hỗ trợ kinh phí để địa phương bố trí phương tiện cho người dân đi lại vào mùa nước lớn. Còn việc đảm bảo an toàn cho người dân đi lại hằng ngày trong mùa lũ thì chính quyền xã phải thực hiện. Thành phố chỉ vào cuộc khi có tình huống khẩn cấp cần cứu nạn, cứu hộ.
Cũng chung cảnh ngộ như hàng trăm hộ dân ở Ân Phú, tại thôn Đông Yên 3, xã Bình Dương (Bình Sơn), cứ vào mùa mưa lũ là hơn 250 hộ dân ở thôn này gặp khó khăn trong việc đi lại và bị chia cắt với trung tâm xã.
Nguyên nhân là cây cầu tạm làm bằng tre, ván qua lại của người dân luôn bị cuốn trôi. Lâu nay, không những người dân ở thôn Đông Yên 3 mà còn rất nhiều hộ dân nơi khác qua lại sản xuất tại cánh đồng Đồng Min có diện tích hơn 150ha luôn "bí" đường đi trong mùa mưa lũ...
Tại thôn Ân Phú xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi ) đã xảy ra một vụ chết đuối, vì không có đò qua lại. Ảnh: X.T |
Bức xúc vì không có phương tiện đi lại trong mùa mưa lũ, một người dân ở thôn Ân Phú nói: "Vì cuộc sống, chúng tôi phải ra bên ngoài đi làm ăn. Con em chúng tôi phải đi làm ở các nhà máy, công ty, rồi học sinh phải đến trường.
Khi có mưa lũ lớn phải nghỉ học, nghỉ làm, nhưng cũng chỉ một vài ngày, trong khi nước sông lớn có khi đến cả tuần. Làm công nhân trong công ty mà nghỉ quá số ngày quy định thì bị trừ lương, trừ điểm chuyên cần".
Những thực trạng trên cho thấy, giải quyết một cách căn cơ việc đi lại của người dân vùng trũng thấp, bị cô lập trong mùa mưa lũ đang đặt ra một cách cấp thiết...
Phó Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Võ Quang: "Phải đảm bảo lương thực, thực phẩm ít nhất một tuần"
Việc chính quyền xã Tịnh An cấm không cho ghe của người dân đưa người qua lại là vì hiện tại không có phương tiện đảm bảo an toàn theo quy định. Trong phương án phòng, chống lụt bão thì địa phương phải tuyên truyền cho người dân thực hiện phương châm “4 tại chỗ” là dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men đối với vùng bị cô lập như thôn Ân Phú đảm bảo số lượng sử dụng trong thời gian ít nhất một tuần.
Chủ tịch UBND xã Bình Dương (Bình Sơn) Đỗ Minh Huấn: "Xây cầu kiên cố là nhu cầu bức thiết"
Khi mùa mưa đến, chiếc cầu tạm bị cuốn trôi và địa phương phải bố trí ghe để đưa đón người dân qua lại. Sau đó là đầu tư kinh phí sửa chữa, làm lại cầu để bà con qua lại, vận chuyển hàng hóa. Chính quyền địa phương đã nhiều lần đề nghị lên cấp trên hỗ trợ xây cầu kiên cố để việc đi lại an toàn vào mùa mưa lũ, nhưng chưa được đáp ứng.
Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) Trần Kỹ: "Cần được thành phố hỗ trợ"
Theo yêu cầu của UBND TP.Quảng Ngãi, xã phải hợp đồng với chủ phương tiện đảm bảo đủ điều kiện về an toàn, đăng ký đăng kiểm, nhưng tại địa phương cũng như những xã lận cận vẫn không có người đủ điều kiện. Thậm chí những ngày qua, chúng tôi đã hợp đồng được với người và phương tiện, nhưng đò lại không có đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển thì không có chứng chỉ theo quy định. Thực sự chúng tôi đã hết cách. Để đảm bảo việc đi lại cho người dân Ân Phú vào mùa nước lớn trong thời gian đến, xã đã đề nghị với UBND TP.Quảng Ngãi hỗ trợ cho địa phương một chiếc ghe khoảng 25 mã lực có đăng ký đăng kiểm, đồng thời mở lớp bồi dưỡng về điều khiển phương tiện thuỷ để chúng tôi cử người theo học, qua đó được cấp chứng chỉ phục vụ cho việc điều khiển ghe theo quy định.
Bà Lê Thị Cảnh, ở xóm Đồng Min, thôn Đông Yên 3, xã Bình Dương (Bình Sơn): "Chờ xây cầu mấy chục năm nay"
Hàng chục năm trời, chúng tôi vẫn luôn chờ mong một cây cầu kiên cố để đi lại an toàn. Chúng tôi tựa như sinh sống trên “ốc đảo”, nhất là vào mùa mưa lũ. Mùa nắng thì dân chúng tôi đi lại bằng cây cầu tạm làm bằng tre, ván. Mùa mưa phải đi lại bằng đò, hoặc qua chiếc cầu máng chỉ rộng chưa tới nửa mét. Mỗi lần đi qua, người đứng ở bờ bên này, nhường cho người bờ bên kia đi theo một đường thẳng, không ai dám chen lấn. Vì không có đường thuận tiện, nên các cháu học sinh phải thức dậy đi học, đi làm thật sớm để không bị trễ giờ. Cứ đến giờ, ba mẹ, ông bà lại ra đón, dắt xe qua cầu Máng.
Ông Phan Tự, thôn Ân Phú, xã Tịnh An (TP. Quảng Ngãi): "Đôi co với chính quyền vì chuyện đi lại"
Vì cuộc sống, dân chúng tôi phải ra bên ngoài để đi làm ăn. Khi xã cấm đò, thì phải bố trí ghe cho chúng tôi đi lại chứ. Bao nhiêu năm nay, cứ đến mùa nước lớn là dân chúng tôi lại phải đôi co với chính quyền vì chuyện đi lại. Hàng trăm hộ dân ở Ân Phú cần một chiếc đò đảm bảo an toàn để đi lại trong những ngày nước lớn mà cũng không có được thì bảo sao chúng tôi không bức xúc.
X.Thiên - Đ.Sương
(thực hiện)