Dạy và học môn tiếng Anh: Giải pháp nào để nâng cao chất lượng?

10:10, 16/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chất lượng dạy và học môn tiếng Anh ở tỉnh ta trong những năm qua còn nhiều hạn chế. Điều này thể hiện rõ qua kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, tiếng Anh là môn có phổ điểm thấp nhất trong tất cả các môn. Không những thế, Quảng Ngãi còn nằm trong tốp thấp nhất cả nước. Vậy làm thế nào để nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh?
TIN LIÊN QUAN

Các trường đang  dần tăng cường cho học sinh rèn luyện kỹ năng nói tiếng Anh.
Các trường đang dần tăng cường cho học sinh rèn luyện kỹ năng nói tiếng Anh.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Kiên: “Bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy của giáo viên tiếng Anh"

Tỉnh ta đang thực hiện Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020. Bộ GD&ĐT hiện đang tiếp tục điều chỉnh đề án để phù hợp với thực tiễn. Thời gian qua, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên (GV).
 
Sắp tới, Sở sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá thực trạng chất lượng dạy và học môn tiếng Anh, từ đó sẽ có giải pháp phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn này. Sở cũng sẽ tăng cường tổ chức các sân chơi, tạo điều kiện cho học sinh nâng cao kỹ năng học tiếng Anh như: Thi hùng biện, phát triển các câu lạc bộ, hoạt động trải nghiệm... Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giảng dạy môn tiếng Anh phù hợp với điều kiện ở địa phương. Theo đó, GV phải có kế hoạch giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh.

 
Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) Nguyễn Phúc Lộc: “Kỹ năng nghe, nói của GV tiếng Anh còn hạn chế...”

Hiện nay, đội ngũ GV chưa đáp ứng với chương trình đào tạo tiếng Anh hệ 10 năm. Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy tiếng Anh còn thiếu. Kỹ năng giao tiếp của học sinh còn hạn chế. Nhiều em không có cơ hội để giao tiếp với người nước ngoài. Đối với các trường phổ thông, GV chỉ mới thực hiện tốt kỹ năng đọc, viết; đối với kỹ năng nghe, nói vẫn còn hạn chế. Một số GV đổi mới phương pháp giảng dạy, chưa khai thác triệt để các thiết bị phục vụ cho việc dạy học môn tiếng Anh.

Muốn nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh, trong thời gian tới, các trường cần tăng cường công tác quản lý, chăm lo phát triển đội ngũ GV đạt trình độ chuẩn theo quy định, đồng thời tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu; có giải pháp thu hút sự quan tâm, đầu tư của các tầng lớp xã hội, nhất là phụ huynh học sinh tham gia vào việc hỗ trợ con em học tốt môn tiếng Anh.

Giám đốc Trung tâm Anh ngữ AMA Quảng Ngãi Võ Tiến Dũng: “Đưa GV bản ngữ về giảng dạy tại các trường"

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều trung tâm dạy tiếng Anh nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và học sinh. Theo quy luật, trung tâm nào không đảm bảo chất lượng sẽ tự đào thải. Vì vậy, các trung tâm phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy.

 Thế mạnh của các trung tâm ngoại ngữ là học sinh được tiếp xúc với GV người nước ngoài và phương pháp giảng dạy chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, các trung tâm còn sử dụng giáo trình được các nước tiên tiến  áp dụng. Nhờ vậy, các em được rèn luyện 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Theo tôi, các trường cần có sự liên kết với các trung tâm để đưa GV bản ngữ về giảng dạy tại trường, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh.

Cô Nguyễn Thị Hữu Vương, giáo viên tiếng Anh Trường THPT chuyên Lê Khiết: “Để học tốt tiếng Anh đòi hỏi phải có một quá trình rèn luyện"

Trình độ ngoại ngữ của học sinh trên toàn tỉnh không đồng đều. Để nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng anh ở các trường đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của GV. Nhiều trường bước đầu đưa GV bản ngữ về giảng dạy nhằm tăng kỹ năng nghe, nói cho học sinh. Về cấu trúc ngữ pháp, thì GV bản ngữ còn những hạn chế nhất định.

 Trong khi đó, ngữ pháp lại là thế mạnh của GV người Việt, nhưng một số thầy, cô giáo phát âm chưa chuẩn. Vì vậy, trước khi lên lớp, GV cần tra lại từ điển để phát âm chuẩn hơn, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Bên cạnh đó, học sinh cần được học một cách căn bản từ nhỏ. Học ngoại ngữ là một quá trình, không thể lên THPT các em mới có thể học tốt, nếu cấp dưới không được đào tạo, rèn luyện. Dù GV có giỏi đến đâu, nhưng học sinh không đam mê ngoại ngữ, thì không thể nâng cao chất lượng.

Em Võ Thị Diên Quỳnh, lớp 9A Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (Nghĩa Hành): “Học sinh cần thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Anh"

Để học tốt môn tiếng Anh, ngoài việc học ở trường, em thường xuyên nghe những bản tin bằng tiếng Anh trên truyền hình, đọc sách và xem phim có phụ đề bằng tiếng Anh để luyện khả năng nghe, nói, đọc. Sở dĩ các bạn còn hạn chế về kỹ năng giao tiếp vì không có điều kiện để tiếp cận với người nước ngoài; thời gian học tiếng Anh trong trường quá ít, chỉ 2 tiết/tuần.

Mỗi học sinh cần được giao tiếp bằng tiếng Anh thường xuyên với thầy, cô giáo để chỉnh sửa cách phát âm, tăng cường  vốn từ vựng. Bên cạnh đó, các bạn phải có ý thức tự học, tự rèn luyện để nắm vững vốn ngữ pháp của mình.
Học sinh học tiếng anh tại Trung tâm Anh ngữ AMA Quảng Ngãi.
Học sinh học tiếng anh tại Trung tâm Anh ngữ AMA Quảng Ngãi.

Nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2019 - 2020

Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, nhất là môn tiếng Anh là 1 trong 9 nhiệm vụ trọng tâm được Bộ GD&ĐT chỉ đạo thực hiện trong năm học 2019 - 2020. Theo đó, các cơ sở giáo dục cần đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ. Đối với miền núi, việc học tiếng Anh càng thêm khó khăn hơn. Bên cạnh đó, GV dạy tiếng Anh ở miền núi ít có cơ hội để tiếp cận, học hỏi lẫn nhau dẫn đến chất lượng giảng dạy chưa đảm bảo. Đây là "bài toán" khó đối với ngành giáo dục.

Trịnh Phương
(thực hiện)


 


.