Nỗi lo mất an toàn đối với trẻ em

10:05, 11/05/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Qua nhiều vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục, nhiều bậc cha mẹ cảm thấy lo lắng cho sự an toàn của con trẻ, nhất là đối với trẻ em gái.  

TIN LIÊN QUAN

Giữ con trong tầm mắt

Thời gian qua, ở nhiều địa phương trong cả nước đã phát hiện nhiều vụ trẻ em bị xâm hại tình dục. Những đứa trẻ là nạn nhân của xâm hại tình dục đã phải gánh chịu nỗi đau cả về thể xác lẫn tâm hồn. Điều này khiến các bậc cha mẹ cảm thấy lo lắng cho sự an toàn của con trẻ.

Chị N.T.Đ, quê huyện Đức Phổ, cho biết: “Gần đây, có nhiều trẻ em bị xâm hại, nên mình không yên tâm khi để con gái đi lại một mình. Đến trường thì lúc nào cũng phải đưa đón, ở nhà luôn có người trông, không dám để con dạo chơi một mình như lúc trước”. Một phụ huynh khác thì cho biết: “Có nhiều trường hợp đối tượng xâm hại trẻ em là người thân quen, vậy nên giờ đây không dám gửi con cho bất kỳ ai”.

Các trường học cần trang bị cho học sinh kiến thức nhận biết, tố giác hành vi xâm hại tình dục trẻ em.  (Ảnh minh họa)
Các trường học cần trang bị cho học sinh kiến thức nhận biết, tố giác hành vi xâm hại tình dục trẻ em. (Ảnh minh họa)


Theo TS.Ngô Thị Kim Ngọc, Giảng viên Khoa Sư phạm xã hội (Trường ĐH Phạm Văn Đồng): Đối tượng gây ra tổn thương cho trẻ 93% là người thân quen với gia đình, trong đó 47% là họ hàng. Chính điều này đã khiến cho nhiều người có cảm giác nghi ngại.

Để đảm bảo an toàn cho con, không ít cha mẹ đã lựa chọn cách giữ con trong tầm mắt. Chị N.T.N, quê huyện Nghĩa Hành, tâm sự: “Mỗi lần về quê tôi thường cho con gái đi cùng với anh chị họ hàng ra đồng thả diều, đạp xe trên đường làng... Nhưng đó là lúc trước, còn bây giờ tụi nhỏ đi đâu cũng có người lớn trong nhà đi cùng để quan sát, chứ lỡ có chuyện không hay thì ân hận cả đời”.

Giữ con trong tầm mắt cũng là một cách để phòng tránh nguy cơ trẻ bị xâm hại, tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện để luôn giữ con bên mình. Mặt khác, vấn đề đặt ra là trẻ cần có môi trường sống an toàn, thoải mái mà không phải lúc nào cũng chịu sự giám sát, quản lý chặt chẽ của người lớn.

Đâu là giải pháp phòng tránh?  

Theo TS.Ngô Thị Kim Ngọc: Để phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em cần phải thực hiện đồng loạt các biện pháp từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Trước hết, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người hiểu rằng xâm hại tình dục trẻ em là tội ác. Pháp luật cần phải trừng trị nghiêm minh, mạnh tay đối với đối tượng xâm hại tình dục trẻ em.

Điều đặc biệt lưu ý là, mỗi gia đình phải biết cách giáo dục trẻ. Đôi khi chính sự không tinh ý, kín đáo của người lớn trong gia đình, dẫn đến kích thích sự tò mò của trẻ ở lứa tuổi dậy thì. Vì thế, gia đình và nhà trường cần phải giáo dục cho trẻ nhận biết về các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể, dạy cho trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân và tùy theo lứa tuổi sẽ dạy cho trẻ các quy tắc ứng xử khác nhau.

Trẻ cần phải biết người nào thì được ôm, bắt tay, khoác tay, chơi đùa; người nào thì chỉ vòng tay chào... Dạy trẻ nhận biết đâu là ứng xử đúng, đâu là hành vi sai trái cần phải tố cáo... Cha mẹ phải là những người tinh ý để phát hiện đối tượng thân quen có ý đồ xâm hại con trẻ. Đối tượng thường quan tâm quá mức tới đứa trẻ, chiều chuộng, tạo không gian riêng để gặp gỡ trẻ...

Trưởng phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi, TS.Nguyễn Văn Hưng cho rằng: Phần lớn trẻ em chưa được trang bị kiến thức để nhận biết nguy cơ và hành vi xâm hại tình dục đáng phải lên án. Trong khi đó nhiều bậc cha mẹ có con bị xâm hại, sợ ảnh hưởng đến đời sống tâm lý của trẻ trong tương lai, nên ngại việc công bố, tố cáo đối tượng vi phạm. Để phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, cần phải quản lý bằng hệ thống pháp luật, trừng trị nghiêm đối tượng vi phạm để răn đe, giáo dục. Đặc biệt, ngành giáo dục phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề này vì đối tượng trẻ em nằm trong độ tuổi đến trường.

Bài, ảnh: MINH ANH


.