Làm gì để thăng hạng PCI?

10:04, 23/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Ngãi không ổn định và thường...“rớt hạng”. Vậy đâu là nguyên nhân?

TIN LIÊN QUAN

Kết quả không như mong đợi

Sau kết quả không mấy hài lòng về vị trí trên bảng xếp hạng PCI năm 2017, cuối tháng 4.2018, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị phân tích đánh giá và tìm giải pháp cải thiện vị trí xếp hạng PCI. Hàng loạt ý kiến được lãnh đạo các sở, ban ngành, doanh nghiệp (DN) chỉ ra những "điểm nghẽn" về năng lực cạnh tranh. Ngay sau đó, UBND tỉnh thể hiện quyết tâm lớn trong việc cải thiện vị trí xếp hạng PCI. Song, kết quả xếp hạng PCI trong năm 2018 lại không như kỳ vọng, khi Quảng Ngãi từ vị trí thứ 25 (năm 2017), rớt xuống vị trí thứ 41. Điểm số trung bình của 10 chỉ số thành phần giảm 0,76 điểm. Vậy phải chăng việc phối hợp giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của các sở, ngành, địa phương đối với DN, người dân trong thời gian qua chưa tốt?

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đang xử lý công việc cho công dân.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đang xử lý công việc cho công dân.


Để làm rõ hơn các điểm số thành phần và kết quả xếp hạng PCI của Quảng Ngãi mà Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, phóng viên đã liên lạc đến nhiều cơ quan chuyên môn, sở, ban ngành của tỉnh. Song nhiều cơ quan, đơn vị né tránh việc trả lời. Còn với cộng đồng DN, phóng viên cũng đã liên hệ khoảng 10 DN để phỏng vấn xoay quanh việc góp ý, hiến kế cho tỉnh để cải thiện chỉ số PCI, nhưng lãnh đạo các DN cũng đều cáo bận. Có DN trả lời thẳng là không thể góp ý vì những chuyện "tế nhị"!

Ngày 1.4 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh ký Công văn 1528, chấn chỉnh hoạt động phối hợp giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Qua đó, phê bình lãnh đạo các sở: Xây dựng, Y tế, TN&MT, LĐ-TB&XH, NN&PTNT, Giám đốc Công an tỉnh (liên quan đến thẩm định phương án PCCC) và các huyện Đức Phổ, Nghĩa Hành và nhất là TP.Quảng Ngãi trong việc chậm trễ, thiếu trách nhiệm trong việc phối hợp có ý kiến đối với những hồ sơ liên thông khi cơ quan chuyên ngành gửi lấy ý kiến. Tình trạng này đã được Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở, chấn chỉnh bằng văn bản nhiều lần, nhưng vẫn chưa khắc phục. Điều này cho thấy kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa được thực thi một cách nghiêm túc.

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Theo nhiều chuyên gia, PCI nhằm đánh giá hiệu quả điều hành của từng địa phương. Báo cáo phân tích đánh giá của VCCI về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành trong những năm qua được xem là “cẩm nang” chung để các Bộ, ngành và địa phương có cái nhìn thực tế và điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn trong điều hành, quản lý nhà nước. Vì thế, với thứ hạng trên bảng xếp hạng PCI mà Quảng Ngãi đang đứng (41/63 tỉnh, thành), lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc, để năm 2019 và những năm tiếp theo có thứ hạng tốt hơn. Bởi trên con đường trở thành tỉnh công nghiệp, thì ngoài nỗ lực của tỉnh, sự đồng hành của DN chính là “chìa khóa” mở cửa đi đến thành công.

Để cải thiện thứ hạng PCI, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Theo đó, giải pháp được đưa ra là thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, thực thi đầy đủ điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, những nội dung được đơn giản hóa của các quy định về điều kiện kinh doanh; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định của pháp luật; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định mới về điều kiện kinh doanh. Cùng với đó là thực thi đầy đủ các quy định về cắt giảm danh mục mặt hàng và cải cách TTHC về kiểm tra chuyên ngành; cung cấp 30% số dịch vụ công trực tuyến...

 

Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nguyễn Thanh Hoài: "Việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa tốt"

Qua theo dõi việc giải quyết TTHC đối với lĩnh vực đầu tư tại Trung tâm Phục vụ hành chính công thời gian qua, tôi thấy rằng, việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan để hoàn thiện hồ sơ, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho DN chưa tốt, thậm chí, khi đơn vị đầu mối gửi công văn lấy ý kiến theo quy trình phối hợp thì các đơn vị liên quan không mấy tích cực để trả lời.

Theo quy trình, để hoàn thiện các TTHC đủ điều kiện ban đầu, thì DN phải nộp hồ sơ qua Sở KH&ĐT, sau đó Sở này sẽ gửi văn bản lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương liên quan để hoàn thiện hồ sơ. Việc này theo quy định có thời gian cụ thể. Tuy nhiên, việc phối hợp thực hiện chưa được tốt, dẫn đến kéo dài thời gian hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho DN, khiến nhiều nhà đầu tư không hài lòng. Bằng chứng là mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh ra văn bản phê bình lãnh đạo Công an tỉnh liên quan đến thẩm định phương án PCCC; phê bình Giám đốc Sở TN&MT, Sở Công thương, Chủ tịch UBND các huyện: Tư Nghĩa, Đức Phổ, Nghĩa Hành và nhất là TP.Quảng Ngãi trong việc chậm trễ, thiếu trách nhiệm trong việc phối hợp có ý kiến đối với những hồ sơ liên thông khi cơ quan chuyên ngành gửi lấy ý kiến trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai... dẫn đến làm chậm tiến độ, gián đoạn việc giải quyết thủ tục cho tổ chức, doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công.

 

Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Nghiêm (Trường Đại học Tài chính kế toán): "Đứng yên có nghĩa là đang thụt lùi"

Theo bảng xếp hạng PCI 2018, thì điểm số của Quảng Ngãi vẫn duy trì ở mức trên 60 điểm. Điều này cho thấy gần như chúng ta đang dậm chân tại chỗ, trong khi các tỉnh, thành khác đã bứt phá khá mạnh. Điểm số này cũng nói lên rằng Quảng Ngãi chưa tạo được đột phá trong CCHC. Thiếu giải pháp đột phá chính là rào cản lớn để cải thiện năng lực cạnh tranh. Về nguyên tắc, đứng yên có nghĩa là chúng ta đang đi thụt lùi.

Xin nêu một câu chuyện là chúng ta đào tạo lao động dư thừa, nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu của DN, nên sau tuyển dụng DN phải đào tạo lại. Vậy làm sao DN chấm điểm cao được. Ngoài ra, công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh môi trường đầu tư, những việc Quảng Ngãi làm được chưa được cộng đồng DN biết đến nhiều, trong khi những tồn tại, hạn chế thì qua truyền miệng, mạng xã hội... khiến DN “chùn bước”.

Riêng đối với chỉ số tiếp cận đất đai, hiện nay chúng ta chưa thực sự minh bạch. Đơn cử như quy hoạch, hỏi ý kiến cộng đồng cần phải công khai. Nếu không công khai thì chỉ số minh bạch sẽ giảm, chỉ số tiếp cận đất đai sẽ giảm...

Rõ ràng, Quảng Ngãi hiện còn nhiều việc cần phải làm mà để thay đổi thì cần sự đồng tâm, đồng thuận và nêu cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu ở các sở, ngành, địa phương.


L.ĐỨC - X.THIÊN
(thực hiện)


 


.