Hơn 90% nguồn lợi thủy sản chảy ra ngoài tỉnh

01:01, 08/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi có lượng tàu thuyền khá lớn, đa số là đánh bắt xa bờ. Trong khi đó, hạ tầng nghề cá, dịch vụ hậu cần trên biển, trên bờ chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, một lượng lớn hải sản đánh bắt phải tiêu thụ ở các tỉnh khác. Điều này khiến trong tỉnh thiếu nguồn nguyên liệu, dẫn đến ngành chế biến thủy sản khó phát triển.

TIN LIÊN QUAN


Doanh nghiệp trong tỉnh “đói” nguyên liệu

Trong năm 2017, sản lượng thủy sản khai thác toàn tỉnh ước đạt 185.000 tấn, tăng khoảng 11.000 tấn so với năm 2016. Tuy nhiên, điều đáng nói là số lượng hải sản bán trong tỉnh chỉ chừng 17.000 tấn.

Trong năm 2017, số lượng  tàu cập cảng bán sản phẩm ở tỉnh ta chỉ vọn vẹn chừng 17.000 tấn.
Trong năm 2017, số lượng tàu cập cảng bán sản phẩm ở tỉnh ta chỉ vọn vẹn chừng 17.000 tấn.


Theo bà Nguyễn Thị Diễm, một doanh nghiệp chuyên thu mua chế biến hải sản tại xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), từ tháng 8 đến cuối năm thường thiếu hụt nguyên liệu do tàu thuyền ít cập cảng, dẫn đến việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp phải chạy vạy khắp nơi tìm nguyên liệu để sản xuất...
 

Trên địa bàn Quảng Ngãi có 13 doanh nghiệp chế biến thủy sản, tổng công suất thiết kế trên 20.070 tấn. Trong số này có 5 doanh nghiệp chế biến đạt chuẩn xuất khẩu vào thị trường Châu Âu, còn lại chủ yếu là gia công. Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đang gặp khó khăn về vốn, nguyên liệu và thị trường.

Về nguyên nhân ngư dân không cập cảng trong tỉnh để bán thủy sản, nhiều ngư dân cho biết, thường thì đánh bắt ở đâu sẽ bán ở khu vực đấy. Tức là thuận đường thì bán, chứ không nhất thiết phải về các cảng trong tỉnh để bán hải sản. Tuy nhiên, có một lý do khiến các tàu cá ngại về “sân nhà” là vì, luồng lạch dẫn vào các khu bán hải sản trong tỉnh bị bồi lấp.

Chuyển dịch cơ cấu tàu thuyền ở Quảng Ngãi đang đúng định hướng, là giảm dần tàu công suất 90CV, tăng dần tàu có công suất lớn. Đến năm 2017, toàn tỉnh có 5.552 chiếc, trong đó tàu trên 90CV chiếm 58%. Tàu công suất lớn ngày càng nhiều, giúp ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác. Đồng thời, số lượng tàu to máy lớn tăng lên, đòi hỏi dịch vụ hậu cần nghề cá phải phát triển tương xứng để yêu cầu, từ đó sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế biển phát triển. Song, hiện nay các cảng và khu neo đậu tàu trú bão tàu cá... vẫn chưa đáp ứng nhu cầu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền trên địa bàn tỉnh.

Có giải được bài toán nguyên liệu?

Việc các tàu cá của ngư dân trong tỉnh ngại quay về “sân nhà”, khiến các doanh nghiệp chế biến thủy sản thường rơi vào tình trạng khát nguyên liệu.

Hiện nay, Quảng Ngãi đã và đang đầu tư 5 cảng cá là Sa Huỳnh, Sa Kỳ, cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn, Mỹ Á, Tịnh Hòa. Qua quá trình đưa vào khai thác, sử dụng thì các công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, nên chưa thu hút tàu thuyền về cảng. Tuy nhiên, việc bố trí kinh phí đầu tư hằng năm rất hạn hẹp, vốn đầu tư phân nhiều giai đoạn dẫn đến kéo dài.

Cửa biển Mỹ Á bị bồi lấp, gây khó khăn cho việc vào cảng trú ẩn, bán hải sản của ngư dân, việc tàu cá bị sóng đánh chìm thường xuyên xảy ra.
Cửa biển Mỹ Á bị bồi lấp, gây khó khăn cho việc vào cảng trú ẩn, bán hải sản của ngư dân, việc tàu cá bị sóng đánh chìm thường xuyên xảy ra.


Phó Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Nguyễn Bữu Gioãn cho biết, luồng vào các cảng Sa Huỳnh, Mỹ Á đang bị bồi lấp dần, cần nguồn kinh phí lớn để khơi thông. Thế nhưng, trong năm 2017 tỉnh chỉ bố trí 698 triệu đồng để thông luồng cảng cá Sa Huỳnh, hiện chỉ làm được khoảng 453m trên tổng số 1.950m cần được thông luồng. Xuống cấp và thiếu thốn trong việc nâng cấp đang là thực trạng chung tại các cảng cá. Riêng cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á thì chỉ mới đầu tư giai đoạn 1, chưa có hệ thống cấp điện, nước, nhà điều hành... Cảng cá Sa Huỳnh thì vũng neo đậu cũng bồi lấp, chưa có hệ thống điện, xử lý nước thải...

Để thu hút nguồn nguyên liệu thủy sản về địa phương, tỉnh định hướng đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng, hoàn thành các cảng cá, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại các cửa biển, gồm: Khu neo đậu trú bão tàu cá Sa Huỳnh, cảng cá và khu neo đậu trú bão tàu cá Tịnh Hòa giai đoạn 1, cảng cá khu neo đậu trú bão tàu cá và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Cần, khu dịch vụ hậu cần nghề cá Lý Sơn và bến cá Đức Lợi.

Cùng với những định hướng nêu trên, tỉnh cũng đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá theo hình thức xã hội hóa. Tiếp tục kiến nghị các cấp, ngành bố trí ngân sách để đầu tư hoàn thiện các cảng cá, khu neo đậu trú bão trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hy vọng trong tương lai "bài toán" thu hút nguyên liệu mới được giải, còn với thực trạng đầu tư vốn quá ít so với nhu cầu như hiện nay thì chuyện “chảy máu” nguyên liệu hải sản là điều khó tránh khỏi.
 

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 

Phó Giám đốc BQL các cảng cá tỉnh Nguyễn Bữu Gioãn:

Tổng năng lực thiết kế cho tàu thuyền neo đậu tại các cảng do đơn vị quản lý là 1.750 chiếc. Cụ thể, cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa là 350 chiếc, Lý Sơn 500 chiếc, Mỹ Á 400 chiếc, Sa Huỳnh 500 chiếc, còn thấp so với số tàu thuyền đăng ký, đăng kiểm trên địa bàn tỉnh là 5.500 chiếc. Vì vậy, việc tiếp nhận nguyên liệu, bốc dỡ hải sản để tiêu thụ trở nên rất khó khăn. Cùng với đó, thực trạng nguồn lợi thủy sản ven bờ đang ngày càng giảm sút, nhiều tàu công suất lớn trong tỉnh vươn khơi đánh bắt xa bờ, song dịch vụ hậu cần nghề cá không đáp ứng so với yêu cầu, là một phần nguyên nhân dẫn đến thất thoát một nguồn thu hải sản lớn.

Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phổ Quang Võ Xuân Cẩm:

Cửa biển Mỹ Á bị bồi lấp rất nặng lại có nhiều đá ngầm, gây khó khăn cho ngư dân ra vào cảng. Mới đây đã có một tàu cá khi vào cửa biển đã bị sóng lớn đánh chìm. Phổ Quang là xã biển có đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu, nhưng do cửa biển bồi lấp, tàu không dám vào. Bởi vậy nguồn lợi thủy sản mang về tiêu thụ ở quê hương quá ít ỏi. Nói đúng hơn là chúng ta đang "thua ngay trên sân nhà". Nếu bến bãi thuận lợi sẽ thành lập các chuỗi liên kết thu mua, chế biến hải sản giữa ngư dân và doanh nghiệp trong xã, rộng hơn là trong tỉnh, góp phần giảm thất thoát hải sản ra các tỉnh bạn. Hiệu quả kinh tế mang lại cho ngư dân và doanh nghiệp trong tỉnh vì thế cũng sẽ nhiều, bền vững hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế biển phát triển.

Ngư dân Trần Văn Vậy (thôn Cổ Lũy Nam, xã Nghĩa Phú, TP.Quảng Ngãi):

Trung bình mỗi năm tàu của tôi ra khơi đánh bắt 10 chuyến, nhưng chỉ có khoảng 3 chuyến là vào bán hải sản trong tỉnh, còn lại bán ở các tỉnh khác như Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, hoặc bán cho các tàu thu mua hải sản ngay trên biển... Việc bán cá ngay trên biển, thuận tiện rất nhiều cho ngư dân, vì không phải mất công bảo quản, ướp cá... giúp ngư dân bám biển dài ngày hơn. Các tàu dịch vụ hậu cần thường là của Đà Nẵng, Quảng Ninh, chứ Quảng Ngãi thì không thấy.


NGỌC VIÊN
(thực hiện)

 


 


.