(Báo Quảng Ngãi)- Quy hoạch làm cơ sở, định hướng cho việc lập kế hoạch dài hạn theo định hướng phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, vì “vênh” với nhu cầu, nguồn lực, nên không ít quy hoạch bị “treo”, gây nên nhiều hệ lụy.
Giai đoạn 2011-2015, nhiều quy hoạch trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế... đã được HĐND tỉnh thông qua. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, một số quy hoạch không thể thực hiện, hoặc thực hiện cầm chừng. Nguyên nhân là do nguồn vốn hạn hẹp, quy hoạch không phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, vì chưa dự lường được tốc độ phát triển kinh tế-xã hội.
Vừa thực hiện, vừa... đợi
Theo Chi cục Thủy lợi, từ năm 2016 đến nay, đã có 16 công trình thủy lợi được xây dựng, sửa chữa và nâng cấp, với tổng vốn đầu tư trên 132 tỷ đồng. Tuy vậy, đến cuối năm 2016, năng lực tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp của 708 công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh cũng chỉ đạt gần 65,7%, nuôi trồng thủy sản đạt 64%... so với thiết kế. Nguyên nhân là trên 61% tuyến kênh mương chưa được kiên cố hóa, đường ống dẫn nước bị hư hỏng, công trình thủy lợi xuống cấp, nên lượng nước bị thất thoát lớn.
Kinh phí hạn hẹp nên hồ chứa nước An Phong (Bình Sơn) chưa được kiên cố hóa, năng lực tích nước chỉ đáp ứng tưới cho 120/320ha. |
Khắc phục tình trạng trên, cũng như để đạt mục tiêu và nhiệm vụ theo Quy hoạch thủy lợi đã được phê duyệt, giai đoạn từ nay đến năm 2020, nhu cầu kinh phí đầu tư, sửa chữa, nâng cấp và xây mới các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh lên đến 4.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế tổng kinh phí đã, đang thực hiện đầu tư và kinh phí theo kế hoạch đầu tư trung hạn từ nay đến năm 2020 chỉ đáp ứng 55% nhu cầu, bởi nguồn vốn đầu tư của Trung ương, ngân sách tỉnh và địa phương còn hạn chế. Trong khi đó, việc kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa cũng gặp nhiều khó khăn vì doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào thủy lợi, lĩnh vực nhiều rủi ro, nhưng khả năng sinh lời thấp.
“Thực tế nhiều hệ thống kênh mương, công trình thủy lợi cấp phát nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp... thuộc diện quy hoạch đã bị hư hỏng, xuống cấp, người dân phản ánh, nhưng ngành nông nghiệp cũng chỉ biết đợi vốn từ ngân sách, chứ không tìm đâu ra nguồn kinh phí để đầu tư kiên cố!”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mậu Văn cho biết.
Trong khi đó, theo Quy hoạch phát triển hệ thống y tế và mạng lưới khám, chữa bệnh tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 (Quy hoạch phát triển), ngành y tế cần trên 1.000 tỷ đồng. Số tiền này để đầu tư củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, phát triển mạng lưới y tế dự phòng; sắp xếp lại mạng lưới khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng; khuyến khích đầu tư thành lập các bệnh viện tư nhân và các loại hình y tế ngoài công lập... Qua đó, góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân. Tuy nhiên, giai đoạn 2012-2016, ngành y tế chỉ được bố trí trên 582 tỷ đồng, nên phải “chia đều” cho việc thực hiện các nội dung của quy hoạch.
Do đó, thay vì tập trung xây mới và nâng cấp 13 công trình để phát triển hệ thống y tế thì chỉ có 3 công trình được thực hiện đầu tư, số còn lại phải... chờ vốn! Chính vì vậy, mạng lưới y tế trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hoàn chỉnh. Nguồn lực y tế thiếu cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh và mạng lưới y tế dự phòng tuyến huyện còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.
Về thực trạng trên, lãnh đạo Sở Y tế cho rằng, ngoài năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của chủ đầu tư một số dự án thì nguyên nhân chính vẫn là do nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, bố trí chậm và nhỏ giọt.
Chật vật cụ thể hóa
Không chỉ thiếu vốn, một số quy hoạch cũng chưa dự lường hết tốc độ phát triển kinh tế-xã hội. Đơn cử như Quy hoạch thủy lợi. Không chỉ chồng lấn quy hoạch tại một số vùng giáp ranh (như tại huyện Đức Phổ tập trung các công trình, hồ chứa lớn là Thạch Nham, hồ chứa nước Núi Ngang và Liệt Sơn) mà một số công trình được quy hoạch, triển khai đầu tư, nhưng lại bị đánh giá là “không phù hợp với điều kiện thực tế”. Đã thế, quy hoạch còn “vênh” với điều kiện sử dụng, nên gây lãng phí.
Theo quy hoạch, có 89.000ha đất sản xuất nông nghiệp cần tưới tiêu, nhưng thực tế có chưa đến 65.000ha. “Nguyên nhân là do diện tích đất nông nghiệp bị biến động, cộng với diện tích tưới của công trình thủy lợi Thạch Nham thu hẹp từ 50.000ha xuống còn 35.000ha”, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi Võ Quốc Hùng lý giải.
Trong khi đó, Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 cũng chật vật khi được cụ thể hóa. Ngoài khó khăn về nguồn vốn, thì việc triển khai thực hiện lại vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Thậm chí, một số dự án phải kéo dài thời gian thực hiện do người dân phản đối như: Khu xử lý chất thải rắn Bình Nguyên (Bình Sơn); Khu chôn lấp Đồng Nà (TP.Quảng Ngãi). Ngoài lý do người dân e ngại những tác động xấu từ các khu xử lý chất thải rắn gây ra, thì tâm lý “vừa làm, vừa đợ... hiệu quả” của nhà đầu tư cũng khiến nhiều dự án... vỡ quy hoạch.
Theo Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Phương Thảo, một trong những nguyên nhân gây ra thực trạng quy hoạch “treo” là do quy hoạch đề xuất quá nhiều danh mục, vốn đầu tư lớn, trong khi ngân sách hạn hẹp.
Còn các địa phương và đơn vị lại không kêu gọi được các nguồn lực xã hội hóa. Hơn nữa, quy hoạch được thực hiện giai đoạn 2011-2015 khi chưa có Luật Đầu tư công, nên vốn đầu tư phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách. “Chính vì vậy, giai đoạn 2016 trở về sau, các quy hoạch sẽ bám vào Luật Đầu tư công để tránh bị “treo” do thiếu vốn. Đồng thời các địa phương, đơn vị cũng cần nâng cao năng lực quản lý, điều hành trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch. Bởi, có nhiều quy hoạch rất “đẹp”, rất đầy đủ, nhưng khi thực tế hóa lại thiếu tính khả thi, vì không dự lường được tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, thậm chí “vênh” với nhu cầu thực tế”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết.
Bài, ảnh: MỸ HOA
Danh mục quy hoạch phải bám sát thực tế
PV: Ông có thể cho biết những bất cập và khó khăn khi triển khai công tác quy hoạch? Ông Nguyễn Công Hoàng: Quy hoạch cũng giống như một bức tranh, được vẽ sao cho đẹp và hài hòa, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội chung. Tuy nhiên, quy hoạch cũng chỉ mang tính định hướng, nên có lúc rơi vào tình trạng lo quá xa hoặc lo chưa tới. Vì vậy, ngoài nguồn vốn, hiệu quả thực hiện quy hoạch còn phụ thuộc vào tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, tốc độ đô thị hóa, năng lực kêu gọi đầu tư của các địa phương và đơn vị, thái độ của nhà đầu tư... Nhiều quy hoạch đáp ứng đầy đủ các điều kiện, nhưng khi nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu thì lại e ngại.
Đơn cử như bãi chôn lấp rác thải Nghĩa Kỳ. UBND tỉnh đã có chủ trương cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển xây dựng miền Bắc đầu tư Nhà máy xử lý rác thải tại bãi rác Nghĩa Kỳ. Kế hoạch đến giữa năm 2018, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động với khối lượng tiếp nhận 255 tấn rác/ngày đêm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án vẫn chưa hoàn thành các thủ tục cần thiết.
Một khó khăn nữa là sự bất hợp tác của người dân. Mặc dù khi thực hiện quy hoạch, các địa phương và đơn vị đã tiến hành khảo sát, đánh giá các yếu tố tác động cũng như lấy ý kiến cộng đồng dân cư, nhưng khi triển khai thực hiện thì người dân lại phản đối, cản trở. PV: Giải pháp nào để hạn chế tình trạng quy hoạch “treo”, thưa ông?
Ông Nguyễn Công Hoàng: Lập và thực hiện quy hoạch là bài toán khó, đòi hỏi sự năng động và tích cực của hệ thống chính quyền, nhất là việc kêu gọi đầu tư. Cũng lập và thực hiện quy hoạch cùng một nội dung nhưng có địa phương thu hút được nhà đầu tư, có nơi thì nhà đầu tư đến rồi đi. Do đó, để hạn chế tình trạng quy hoạch “treo”, trước hết chính quyền địa phương và đơn vị cần nâng cao năng lực quản lý, điều hành. Ngoài ra, các danh mục đầu tư trong quy hoạch phải bám sát thực tế, nhu cầu và nguồn lực thực hiện, tránh đề xuất dàn trải theo kiểu “không được cái này cũng được cái kia”.
|