Quy hoạch có, nhưng khó tạo đột phá

09:07, 28/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- HĐND tỉnh đã thông qua Đề án Bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 (Đề án), nhưng nếu không được bố trí nguồn lực đầu tư tương xứng, ngành thủy sản vẫn khó tạo đột phá trong thời gian tới.
 

TIN LIÊN QUAN


Theo Đề án, giá trị sản xuất thủy sản đã tăng từ 3.200 tỷ đồng năm 2010 lên gần 5.100 tỷ đồng vào cuối năm 2016. Đến cuối năm 2020, giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 6.840 tỷ đồng, chiếm 30% giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy sản; đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7,6%/năm.

Vẫn còn nhiều bất cập

Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2016 đã được ban hành, nhưng công tác quản lý thực hiện còn nhiều bất cập. Nhất là vấn đề bảo vệ nguồn lợi thủy sản; sản xuất giống và cơ cấu nghề khai thác thủy sản... chưa phù hợp, kém hiệu quả. Với 5.600 chiếc tàu, trong đó tàu công suất từ 90CV trở lên có trên 3.200 chiếc, nhưng toàn tỉnh chỉ có 6 công trình cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão.

Cửa biển Sa Huỳnh (Đức Phổ) thường xuyên bồi lấp, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của ngư dân.
Cửa biển Sa Huỳnh (Đức Phổ) thường xuyên bồi lấp, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của ngư dân.


Các công trình cảng này đầu tư chưa hoàn chỉnh và thiếu đồng bộ; mặt bằng khu dịch vụ hậu cần nghề cá còn ít và chưa được đầu tư đồng bộ; cộng với tình trạng luồng lạch cửa biển bị bồi lấp, khiến tàu công suất lớn không thể về tiêu thụ sản phẩm tại địa phương. Vì vậy, dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển chậm, manh mún, dù sản lượng thủy sản được chế biến đạt và vượt kế hoạch. Đơn cử như cuối năm 2016, có 18.600 tấn sản lượng thủy sản được chế biến, đạt 100%. Tuy nhiên, hầu hết sản lượng thủy sản chế biến chỉ dừng lại ở sơ chế, lại do thương lái và đầu nậu đảm nhận, nên giá cả vẫn bấp bênh, hiệu quả thấp.

Đối với lĩnh vực sản xuất giống thủy sản, toàn tỉnh có 4 cơ sở. Tuy đáp ứng các điều kiện sản xuất kinh doanh, nhưng quy mô và năng lực sản xuất của các cơ sở này còn nhỏ, chỉ đáp ứng 50% nhu cầu sản xuất trong tỉnh. Theo Chi cục Thủy sản, hạ tầng phục vụ nuôi trồng và sản xuất giống thủy sản vừa thiếu, vừa yếu. Đó là hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi phục vụ sản xuất và xử lý nước thải, chất thải chưa có; hệ thống điện chỉ mới đáp ứng 30% nhu cầu sản xuất.

Cần nguồn lực tương xứng

Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trong phát triển thủy sản là do vốn đầu tư còn rất hạn chế. Điều này khiến cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản được xây dựng theo kiểu “chắp vá”, hiệu quả sử dụng thấp. Thậm chí, một số cảng cá, khu neo đậu hiện đã lạc hậu, không “đón” được tàu có công suất từ 500CV trở lên.

Khắc phục tình trạng này, Đề án sẽ tập trung khắc phục những khiếm khuyết về mặt hạ tầng và quản lý quy hoạch, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của ngư dân. Bởi đến cuối năm 2020, số lượng tàu thuyền còn 5.300 chiếc (giảm 300 chiếc), nhưng tổng công suất đạt 1.600.000CV (tăng trên 300.000CV). Vì vậy, ngoài việc nâng cấp và mở rộng 6 cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền hiện có (Sa Huỳnh, Mỹ Á, Lý Sơn, Sa Kỳ, Tịnh Hòa và sông Trà Bồng), sẽ xây dựng 2 cảng cá, khu neo đậu trú bão tàu cá và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá là Sa Cần (Bình Sơn) và Cổ Lũy (TP.Quảng Ngãi). Ngoài ra, sẽ nâng cấp 4 cơ sở đóng, sửa tàu thuyền và xây dựng mới 3 cơ sở có khả năng sửa được tàu vỏ thép, đóng mới tàu composite.

Cùng với đó, ngành thủy sản sẽ điều tra, đánh giá ngư trường và nguồn lợi thủy sản trong tỉnh; hình thành chuỗi liên kết từ khâu khai thác, sản xuất đến tiêu thụ; tổ chức quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản ở địa phương, gắn với việc xây dựng các vùng nguyên liệu thủy sản phục vụ cho các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ thủy sản.

Nhưng để ngành thủy sản bứt phá, nguồn vốn đầu tư cần trên 11 nghìn tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2016-2020 cần 4 nghìn tỷ đồng. Đây được xem là “nút thắt” đối với ngành thủy sản. Bởi theo quy hoạch, nguồn vốn đầu tư vào sản xuất và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, cơ sở đóng tàu... sẽ được huy động từ người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc xã hội hóa sẽ phải phụ thuộc vào... vốn ngân sách trong việc thực hiện đầu tư xây dựng cơ sơ hạ tầng, kỹ thuật và quy trình sản xuất, tổ chức quản lý. “Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của ngành nông nghiệp, tỉnh cần quan tâm bố trí nguồn lực tương xứng và kịp thời, để cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ và hoàn chỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa đầu tư vào thủy sản”, ông Dương Văn Tô kiến nghị.

Bài, ảnh: THANH PHONG

 


.