(Báo Quảng Ngãi)- Xa khu dân cư, không có người quản lý nên ở những điểm giáp ranh giữa các xã trở thành nơi chứa rác thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ô nhiễm nghiêm trọng
Người dân xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) trồng trọt ở cánh đồng ven tuyến đường đi Tịnh Thọ - Tịnh Bình ngao ngán vì mùi hôi thối bốc lên từ xác heo, gà chết... do một số người vứt bỏ ven đường. Đây là nơi giáp ranh của hai xã Tịnh Bình và Tịnh Thọ, cách trung tâm xã Tịnh Thọ khoảng 5km và trung tâm xã Tịnh Bình khoảng hơn 3km.
Theo những người làm đồng ở đây, khoảng từ 5 giờ 30 đến 6 giờ 30 phút thì nơi đây hình thành một đống rác thải, dẫu hôm trước được đốt, dọn. Bà Thủy, ở thôn Thọ Tây, xã Tịnh Thọ than vãn: "Chúng tôi làm đồng ở đây phải đeo hai, ba cái khẩu trang, nhưng vẫn không ngăn nổi mùi hôi của rác. Những ngày nắng nóng, rác thải chất đống khiến không khí tại đây ô nhiễm nặng. Họ đi xe máy rất nhanh đến đó vứt bao rác rồi vội chạy đi".
Rác thải tràn ra đường ở vùng giáp ranh của hai xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) và Bình Châu (Bình Sơn). |
Thực trạng trên cũng là nỗi niềm chung của nhiều xã, phường trên địa bàn tỉnh. Ở điểm giáp ranh giữa Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) và Bình Châu (Bình Sơn) lượng rác thải tập trung rất nhiều, cao điểm lên đến khoảng 4 tấn rác. Trong khi đây là tuyến đường dẫn xuống cảng Sa Kỳ đi Lý Sơn, khiến nhiều du khách rất ái ngại.
"Vì rác thải nằm ở diện tích xã Tịnh Thọ nên địa phương đã vận động thanh niên lên dọn dẹp. Mới đây, xã trích kinh phí đóng tấm biển cấm xả rác, nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan". Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) TỪ THANH ĐÔNG |
Chính quyền "bó tay"
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu Phùng Bá Vương thở dài, cho biết: Địa phương thường xuyên tuyên truyền đến bà con về vấn đề rác thải vùng giáp ranh. Nhưng đặc điểm ở xã Bình Châu đất chật người đông, lại xa các nơi xử lý rác thải nên người dân cứ "vô tư" vứt rác ở vùng giáp ranh (gần chợ Bình Châu). Năm 2016, xã lập phương án hợp đồng với Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi thu gom rác, nhưng chưa tới hai tháng đành chấm dứt hợp đồng, vì chi phí thu gom, vận chuyển quá cao.
Rác thải tại vùng giáp ranh ngày một nhiều, xã Bình Châu phân công cán bộ, đoàn viên thanh niên canh giữ ở điểm xả rác, nhưng vẫn "không cản được" người dân vứt rác bừa bãi. "Nếu trông coi buổi sáng, buổi chiều thì họ đổ rác 3, 4 giờ sáng. Bắt được cũng rất khó xử lý. Khi thấy rác quá nhiều, chúng tôi thuê xe xử lý, 1 tháng thuê 4 xe, với giá 2 triệu đồng/xe. Về lâu dài, địa phương đang làm đề án trình lên huyện, tỉnh xin xây dựng lò đốt rác ngay tại thôn Châu Bình, đất địa phương chịu, còn kinh phí mong được cấp trên hỗ trợ, để môi trường đỡ ô nhiễm", ông Phùng Bá Vương chia sẻ.
Lãnh đạo xã Tịnh Thọ và Tịnh Bình cũng đã nhiều lần trao đổi, phối hợp tuyên truyền để người dân đổ rác đúng nơi quy định, nhưng rồi người dân vẫn không chấp hành. Tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải đổ không đúng quy định ngày một tăng. Như xã Tịnh Bình có đến hơn 5.200 hộ dân mà chỉ có 143 hộ nằm ở các trục đường chính được xe của Công ty CP điện và môi trường Sơn Tịnh thu gom rác. Còn xã Tịnh Thọ, chỉ thu gom rác cho khoảng 184 hộ trong tổng số hơn 3.500 hộ dân.
Bài, ảnh: Đ.SƯƠNG
Rác tràn ra đường
Tin, ảnh: N.V |