Nan giải rác thải ven biển

09:11, 25/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đất chật, người đông, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều, trong khi đó lại thiếu điểm tập kết rác, không có xe thu gom rác thải tận nhà; nhà cửa lại san sát nhau, nên rất khó xử lý rác tại hộ gia đình, khiến người dân phải xả rác bừa bãi ra môi trường. Đó là thực trạng chung của nhiều địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Tại xã Bình Châu (Bình Sơn), từ nhiều năm nay, người dân sống ở khu vực chân cầu Tân Đức phải "sống chung" với ô nhiễm, khi rác thải từ cảng cá, tàu thuyền, từ sinh hoạt khu dân cư đều trôi dạt vào khu vực này. Rác thải, nước thải không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn gây thiệt hại về kinh tế cho người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Năm, một người dân sống ngay khu vực cầu Tân Đức than thở: “Nước cá từ tàu thuyền xả xuống, bao nilon, xác cá chết... do nhiều người ném xuống sông thì tôm cá nào sống nổi. Hai năm trở lại đây, chúng tôi ngừng nuôi tôm vì tôm là loài nhạy cảm với môi trường, nên cứ chết hàng loạt và chuyển sang nuôi cá mú. Cá mú khỏe vậy đấy mà gặp rác thải, nước thải thỉnh thoảng nó vẫn chết”.

Bãi tập kết rác của hai thôn Thanh Thủy và Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn) luôn trong tình trạng quá tải.
Bãi tập kết rác của hai thôn Thanh Thủy và Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn) luôn trong tình trạng quá tải.


Tại xã Bình Hải (Bình Sơn), mặc dù địa phương có hợp đồng xử lý rác thải với Công ty CP Cơ điện môi trường Lilama EME, nhưng người dân thôn Phước Thiện và Thanh Thủy vẫn phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường. “Bình quân mỗi ngày, toàn thôn Phước Thiện xả ra đến 5 tấn rác sinh hoạt, nhưng Công ty Lilama lại chỉ đặt có 5 - 6 thùng rác và mỗi tuần chỉ thu gom 3 lần, nên việc thu gom chẳng thấm tháp vào đâu so với nhu cầu thực tế”, ông Nguyễn Ngọc Thu - Trưởng thôn Phước Thiện cho biết.

Lượng rác thải quá lớn so với năng lực thu gom, nên rác thải tại điểm tập kết rác chung cho hai thôn Phước Thiện, Thanh Thủy lúc nào cũng rơi vào tình trạng quá tải. Điều đáng nói là, điểm tập kết rác này lại được đặt ngay gần cổng chào thôn Thanh Thủy, nên người dân ở đây mỗi khi ra vào khu vực trên đều phải “che tay, bịt mũi”, bởi mùi rác thải bốc lên nồng nặc. “Rác thải không bỏ hết vào thùng nên tràn lan ra lối đi. Phải 2 - 3 ngày mới được thu gom, khiến chúng tôi phải nín thở, hoặc bịt mũi mỗi lần đi qua cổng chào”, bà Phạm Thị Lan, sống tại thôn Thanh Thủy ngán ngẩm.

Nói về giải pháp để giải quyết tình trạng quá tải rác thải tại địa phương, ông Phạm Cầu - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết: Hiện, địa phương đã xây dựng xong đề án thu gom rác thải, đi đến thành lập tổ, đội thu gom, kết hợp với Công ty Lilama tỏa về tận thôn, xóm thu gom rác thải tận nhà cho người dân. Song, để thực hiện được điều này, cần phải có sự đồng thuận của người dân về vấn đề đóng phí vệ sinh môi trường. Thuyết phục được 100% hộ dân đóng phí là một vấn đề nan giải với địa phương.

Ông Lê Văn Minh - Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT cho biết: “Khó khăn lớn nhất hiện nay mà các địa phương gặp phải đó là kinh phí thực hiện thu gom rác thải. Bởi để thực hiện được, cần có nguồn đầu tư về hạ tầng gồm xe, phương tiện thu gom và kinh phí trả lương cho người phụ trách thu gom. Vì vậy, tỉnh, huyện cũng nên có hướng điều tiết, ưu tiên phân bổ kinh phí để hỗ trợ một phần cho các địa phương ven biển trong công tác thu gom, xử lý rác thải, nhằm giảm tải rác thải tại các khu vực này.

Bài, ảnh: Ý THU
 


.