Sau 3 năm thực hiện Nghị định 67: Cần sửa đổi bất cập

02:08, 07/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tuy góp phần rất lớn vào việc hiện đại hóa đội tàu, thúc đẩy ngành thủy sản phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, nhưng sau 3 năm thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, chính sách phát triển thủy sản vẫn còn một số bất cập.

TIN LIÊN QUAN


Ngày 1.8, tại trụ sở Bộ NN&PTNT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, để đánh giá những kết quả và một số hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách này.

 Tàu vỏ thép Hoàng Anh 01 của ông Mai Thành Văn, ở xã Bình Chánh (Bình Sơn), tàu cá vỏ thép đầu tiên của ngư dân Quảng Ngãi được hạ thủy, từng là niềm tự hào của ngư dân, nhưng khi đưa vào khai thác liên tục gặp sự cố.       Ảnh: TL
Tàu vỏ thép Hoàng Anh 01 của ông Mai Thành Văn, ở xã Bình Chánh (Bình Sơn), tàu cá vỏ thép đầu tiên của ngư dân Quảng Ngãi được hạ thủy, từng là niềm tự hào của ngư dân, nhưng khi đưa vào khai thác liên tục gặp sự cố. Ảnh: TL


Tại Quảng Ngãi, thực hiện Nghị định 67, UBND tỉnh đã phê duyệt đóng mới 27 tàu vỏ thép, 44 tàu vỏ gỗ và 7 tàu vỏ composite. Đến thời điểm này, đã có 31 chiếc vỏ gỗ và 9 tàu vỏ thép hoàn thành, đưa vào khai thác; đang đóng 2 tàu vỏ thép, 3 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ composite. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng phê duyệt nâng cấp 25 tàu đánh cá.
 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ: Sẽ kiến nghị Chính phủ nghiên cứu hoàn thiện chính sách, điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp trong Nghị định 67” .

Tại buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Sở NN&PTNT mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ yêu cầu Sở NN&PTNT tập trung rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của tất cả các tàu được đóng mới theo Nghị định 67, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tồn tại và bất cập trong quá trình thực hiện. Nếu tàu vỏ thép chưa phát huy hiệu quả, cần báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh nghiên cứu kiến nghị với Bộ NN&PTNT trình Chính phủ xem xét hoàn thiện chính sách, đồng thời điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp. Như loại vật liệu đóng tàu, cần để ngư dân tự chọn sao cho phù hợp với năng lực, ngành nghề, kinh nghiệm cũng như khả năng vận hành.
 
 
Quá trình đóng mới tàu, các đơn vị chuyên môn phải tích cực hỗ trợ ngư dân thực hiện việc kiểm tra, giám sát, để kịp thời phát hiện và xử lý những khiếm khuyết, hạn chế thiệt hại. Ngoài ra, việc quy hoạch phát triển đội tàu cá, ngành nghề khai thác cũng phải gắn với chiến lược và quy hoạch phát triển thủy sản theo hướng bền vững.
 
M.H (lược ghi)

Nâng cao hiệu quả khai thác hải sản

Nhận xét chiếc tàu vỏ gỗ công suất 811CV, ngư dân Âu Xuân Tiên, xã Bình Hải (Bình Sơn) nói gọn: “Chạy ngon”. Sau gần một năm hạ thủy, chiếc tàu của ông Tiên chưa một lần bị hư hỏng hay trục trặc kỹ thuật. Vì vậy, những chuyến vươn khơi của ông Tiên cũng thuận lợi hơn.

Điều này giúp ông Tiên có điều kiện trả nợ cho ngân hàng đúng hạn, đồng thời tính chuyện đầu tư hiện đại hóa ngư lưới cụ, để nâng cao hiệu quả khai thác hải sản. “Dù được Nhà nước cho vay ưu đãi nhưng với khoản nợ trên 6 tỷ đồng, ai mà không lo. Mình phải cố gắng làm ăn, chứ không thì chẳng những gia đình bị thiệt hại, mà còn ảnh hưởng đến chính sách của Nhà nước”, ông Tiên lý giải.

Còn ngư dân Nguyễn Văn Trung, ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) cũng rất phấn khởi khi chiếc tàu vỏ gỗ công suất 811CV hoạt động tốt, thường xuyên cập cảng với khoang đầy hải sản. Ông Trung chia sẻ: "Dù đã quen với việc sử dụng tàu công suất lớn, nhưng khi vận hành chiếc “tàu 67” có tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng, tôi cũng rất lo, vì tàu to, máy lớn, ngư lưới cụ hiện đại, cộng với khoản tiền vay nợ ngân hàng nhiều. Lỡ có gì trục trặc thì cả gia đình sẽ trắng tay". Chính vì vậy, sau khi hạ thủy chiếc tàu, bên cạnh việc tích cực vươn khơi, ông Trung cũng khá cẩn trọng trong việc vận hành, bảo dưỡng và sử dụng.

Theo kết quả rà soát, đánh giá của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh chỉ có một chiếc tàu vỏ gỗ của ngư dân Phan Văn Thái, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) là hoạt động chưa hiệu quả, dù đảm bảo chất lượng. Nguyên nhân là khi được phê duyệt đóng mới tàu theo Nghị định 67, ông Thái đăng ký hành nghề vây, nhưng khi hạ thủy đưa vào sử dụng, ông Thái lại đưa vào hoạt động nghề lưới kéo (nghề không được Nghị định 67 hỗ trợ).

Còn 30 chiếc tàu vỏ gỗ còn lại đều hoạt động ổn định, hiệu quả và chưa có chiếc nào bị hư hỏng, trục trặc. “Điều này thể hiện qua hiệu quả khai thác hải sản cũng như ý thức trả nợ cho ngân hàng của ngư dân”, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Lê Văn Sơn khẳng định. Theo ông Sơn, tàu vỏ gỗ phát huy hiệu quả phần vì đây là loại vật liệu truyền thống, phù hợp với tay nghề, kỹ thuật vận hành, kinh nghiệm khai thác lâu nay của ngư dân.

Băn khoăn với tàu vỏ thép

Trái với tàu vỏ gỗ, tàu vỏ thép lại khiến nhiều ngư dân chật vật, vì thường xuyên bị hư hỏng. Trong số 9 tàu vỏ thép thì cả 9 chiếc đều xảy ra trục trặc kỹ thuật. Trong đó có 7 chiếc ngư dân tự khắc phục, 2 chiếc do các cơ sở đóng tàu thực hiện công tác bảo hành. Những sự cố xảy ra với tàu vỏ thép thường là gỉ sắt ở một số vị trí, trục trặc hộp số và hệ thống làm lạnh...

Gần đây nhất là chiếc tàu vỏ thép công suất 940CV của ngư dân Nguyễn Xiêm, xã An Hải (Lý Sơn) thường xuyên xuất hiện khói đen mỗi khi khởi động. Để đảm bảo an toàn cho người và chiếc tàu, ông Xiêm đã báo cáo với ngành chức năng và Nhà máy đóng tàu Nam Triệu (Hải Phòng) để kiểm tra, khắc phục.

Hầu hết tàu vỏ thép chưa phát huy hiệu quả. Trong ảnh: Tàu vỏ thép của ngư dân Trương Văn Chín (Đức Phổ ) thường xuyên bị trục trặc, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác.                                                           ẢNH: TL
Hầu hết tàu vỏ thép chưa phát huy hiệu quả. Trong ảnh: Tàu vỏ thép của ngư dân Trương Văn Chín (Đức Phổ ) thường xuyên bị trục trặc, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác. ẢNH: TL


Trong khi đó, ngư dân Võ Văn Hân, xã Bình Châu (Bình Sơn) cũng nhiều lần lao đao với chiếc tàu vỏ thép công suất 605CV, có tổng mức đầu tư gần 14 tỷ đồng. Sau gần hai năm đưa vào khai thác, chiếc tàu của ông Hân liên tục gặp sự cố ở bộ phận máy lưới kéo và bộ phận làm mát bị hỏng, khiến tàu chết máy. Mỗi lần tàu trục trặc, ông Hân tốn rất nhiều thời gian và chi phí sửa chữa. Hiện nay, dù chiếc tàu vỏ thép đã được khắc phục những sự cố và trở lại vươn khơi, nhưng ông Hân vẫn thấp thỏm âu lo, nhất là sau khi chiếc tàu xảy ra tình trạng chết máy giữa biển vào đầu năm 2017.

Theo kết quả đánh giá của Chi cục Thủy sản thì hầu hết tàu vỏ thép chưa phát huy hiệu quả. “Kinh phí đầu tư lớn, quy trình vận hành đòi hỏi kỹ thuật cao, nhưng hầu hết ngư dân đã quen với tàu vỏ gỗ, nên quá trình sử dụng còn bỡ ngỡ; lực lượng lao động thiếu chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn thấp vì thường xuyên “nhảy” tàu”, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Lê Văn Sơn lý giải.

Ngoài ra, một số chính sách hỗ trợ “tàu 67” đến thời điểm này vẫn chưa được thực thi. Đơn cử như việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Sau thời gian chờ đợi, giữa tháng 2.2017, chính sách hoàn thuế GTGT cho tàu công suất từ 400CV trở lên được đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 đã bị bãi bỏ. Điều này khiến nhiều ngư dân sở hữu tàu 67, đặc biệt là chủ tàu vỏ thép gặp rất nhiều khó khăn, vì đã nộp thuế GTGT với số tiền quá lớn.

Ngư dân Trương Văn Chín, ở xã Phổ Quang (Đức Phổ), chủ con tàu vỏ thép có công suất 1.000CV, với vốn đầu tư gần 16 tỷ đồng bộc bạch: “Trừ phần máy chính và máy điện, số tiền thuế GTGT mà tôi đã nộp gần cả tỷ đồng. Cứ ngỡ sẽ được hoàn trả, nhưng đợi gần hai năm rồi mà chẳng thấy đâu. Trong khi hiện nay tôi đang có nguy cơ bị ngân hàng phạt vì trả nợ không đúng hạn”.

Sau 3 năm triển khai thực hiện, Nghị định 67 đã góp phần quan trọng vào việc hiện đại hóa đội tàu, tổ chức lại sản xuất trên các vùng biển khai thác, nâng cao đời sống của ngư dân. Tuy nhiên, với những tồn tại trong quá trình thực hiện chính sách cũng như những “trục trặc” của tàu vỏ thép, ngành chuyên môn và ngư dân mong muốn các cơ quan chức năng nghiên cứu, điều chỉnh, để bà con mạnh dạn đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu công suất lớn, yên tâm bám biển.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 

                                                                      


.