(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, số thu từ khai thác quỹ đất của các địa phương liên tục tăng, bổ sung vào nguồn thu ngân sách các cấp. Tuy nhiên, một vài địa phương xem đây là nguồn thu dễ dàng, nên triệt để khai thác; thậm chí có dấu hiệu lợi dụng khai thác quỹ đất để tư lợi, cần phải có biện pháp giám sát, chấn chỉnh kịp thời.
Toàn tỉnh hiện có 12/14 huyện, thành phố thực hiện khai thác nguồn thu từ quỹ đất (trừ Sơn Tây và Tây Trà). Trong đó, TP.Quảng Ngãi nhiều nhất, với dự toán thu năm 2017 là 390 tỷ đồng, chiếm hơn 70% dự toán nguồn thu này của cả tỉnh; tiếp đến là các huyện Tư Nghĩa (dự toán 63 tỷ đồng), Đức Phổ (45 tỷ đồng).
“Nở rộ” các dự án khu dân cư
Việc lấy đất để xây dựng các khu dân cư (KDC) để bán đấu giá thu tiền của các huyện, thành phố trên địa bàn Quảng Ngãi gần đây đang gia tăng. Năm 2016, toàn tỉnh thu hơn 410 tỷ đồng; năm 2017, dự toán tỉnh giao cho các huyện, thành phố thu 550 tỷ đồng; thực thu 6 tháng đầu năm 2017 hơn 211 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để tăng nguồn thu, các huyện, thành phố còn đặt ra chỉ tiêu phấn đấu của địa phương mình gấp từ 2 đến 3,5 lần dự toán tỉnh giao.
Với mục tiêu đó, huyện Tư Nghĩa không ngừng phê duyệt, đưa vào thực hiện các KDC, thậm chí ngay trên địa bàn trung tâm thị trấn La Hà trong phạm vi vài cây số vuông đã mọc lên nhiều KDC. Diện tích đất huyện thu hồi để làm KDC này chủ yếu là đất lúa.
Cụ thể, KDC phía nam thị trấn La Hà diện tích 2,4ha, tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng, quy mô 77 lô; KDC phía bắc UBND huyện rộng 4,07ha, tổng mức đầu tư 43 tỷ đồng, quy mô 138 lô; KDC dọc trục đường chính phía tây trung tâm thị trấn La Hà 5,5ha, tổng mức đầu tư hơn 55 tỷ đồng, quy mô 182 lô; KDC phía nam Trường Đại học Tài chính- Kế toán rộng 2,96ha, quy mô 68 lô. Hiện nay huyện Tư Nghĩa đang tiếp tục thực hiện thêm 3 – 4 KDC tại địa bàn thị trấn La Hà và thị trấn Sông Vệ, quy mô khoảng 3ha/KDC.
Ông Nguyễn Văn Tiếp- Trưởng phòng Tổng hợp – Nghiệp vụ - Dự toán (Cục Thuế tỉnh): “Cần khai thác quỹ đất một cách khoa học, hiệu quả” TN (ghi) |
Lợi bất cập hại
Chỉ tính riêng huyện Tư Nghĩa, để đầu tư các KDC nói trên, UBND huyện đã phải thu hồi của nông dân đến 20ha đất trồng lúa. Đó là chưa kể các xã trên địa bàn huyện cũng tăng nguồn thu cho ngân sách bằng giải pháp như UBND huyện là thu hồi đất lúa, để làm KDC, rồi phân lô bán.
Năm 2017, huyện Đức Phổ đăng ký và được tỉnh duyệt dự toán thu tiền sử dụng đất là 45 tỷ đồng. Tuy nhiên, huyện này đã thu đến 47 tỷ đồng, đạt 219% so cùng kỳ năm 2016.
Nếu xét về con số thì nguồn thu này là niềm vui. Song, thực tế, để xây dựng các KDC đưa vào bán đấu giá thu tiền đã có không ít nông dân mất ruộng, mất đất trồng hoa màu, tức là mất sinh kế từ nghề nông. Trong khi đó, rất nhiều nông dân chưa sẵn sàng để chuyển đổi nghề nghiệp, tìm nguồn thu nhập khác ổn định cuộc sống.
Mặt khác, việc triển khai ồ ạt các KDC để bán đấu giá, thu ngân sách đã khiến công việc của các ngành chức năng ở địa phương trở nên quá tải. Hiện tại, một số huyện như Tư Nghĩa, Bình Sơn, Đức Phổ... UBND huyện không chỉ là chủ đầu tư của các dự án, công trình từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách Trung ương mà còn phải phối hợp thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho những công trình trọng điểm như đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1... với số vốn hàng nghìn tỷ đồng và hàng nghìn hộ dân cần bố trí nơi ở mới.
Có thời điểm huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa đã báo cáo với UBND tỉnh về việc phòng, ban chuyên môn “không đủ nhân lực”, để thực hiện nhiệm vụ. Vì thế, khi phải gánh thêm nhiều dự án xây dựng KDC theo chủ trương “khai thác quỹ đất” công việc càng trở nên quá tải.
Nhiều dự án KDC vì thế chậm trễ, kéo dài, gây ra sự nhếch nhác, ảnh hướng xấu đến cuộc sống của người dân trong vùng. Mặt khác, dự án KDC ít nhiều đã làm phát sinh thêm thắc mắc, khiếu kiện về đất đai, khiến cả hệ thống chính trị phải tập trung thời gian cho công tác vận động, thuyết phục, xử lý...
Cần điều chỉnh kịp thời
Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh Phạm Vinh cho biết, mục tiêu khai thác quỹ đất bằng cách xây dựng KDC, rồi phân lô bán đấu giá được huyện xác định ưu tiên theo thứ tự: Đáp ứng nhu cầu có thật của người dân về đất ở; chỉnh trang đô thị rồi mới đến thu ngân sách.
Vì thế, việc định giá các lô đất cũng khá sát thị trường, tạo điều kiện cho dân có nhu cầu thật sự mua làm nhà. Ông Vinh khẳng định: “Khi xác định rõ mục tiêu, thì việc đầu tư xây dựng KDC sẽ thuận lợi. Làm xong khu nào, bán hết khu ấy, không có chuyện tồn đọng".
UBND huyện Tư Nghĩa xây dựng KDC phía bắc huyện, để bán đấu giá, tăng nguồn thu ngân sách. |
Tuy nhiên, nhìn chung, việc bán đấu giá đất trong KDC ở nhiều địa phương hiện đang xảy ra tồn đọng, do cung vượt cầu. Hiện có một số địa phương chủ trương “lồng ghép” việc thực hiện dự án KDC tạo nguồn thu cho ngân sách với “bán nền giá nội bộ”. Dù "không thành văn", nhưng có huyện chủ trương để lại 15% tổng số lô nền của các KDC bán nội bộ với giá ưu đãi. Việc này không những gây thất thoát nguồn thu ngân sách mà còn gây bức xúc trong nhân dân, cần phải kịp thời chấn chỉnh.
Việc tạo nguồn thu từ quỹ đất là cần thiết. Song ồ ạt gia tăng sẽ làm cạn kiệt quỹ đất và khó kiểm soát việc tuân thủ pháp luật về đất đai. Hơn nữa, hiện tại cùng là một nguồn thu, nhưng các địa phương lại có cách làm không thống nhất. Vì thế, cần phải có cuộc “tổng rà soát, chấn chỉnh” để nguồn thu này phát triển đúng pháp luật, đúng định hướng và mục tiêu đề ra, đặc biệt là góp phần thực hiện tốt chính sách bảo vệ đất trồng lúa theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bài, ảnh: THANH NHỊ