Đôi điều về việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết

02:11, 14/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 11 hằng năm là thời điểm các địa phương, thôn, tổ dân phố tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.

TIN LIÊN QUAN

Hoạt động này đã trở thành một nét văn hóa mới trong cộng đồng dân cư, là dịp để tổng kết một năm thực hiện nếp sống văn hóa ở khu dân cư, ghi nhận những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được trong năm, ôn lại những truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương, khơi dậy các trò chơi dân gian cần lưu giữ; gặp gỡ, chia sẻ với nhau cách làm ăn, nuôi dạy con ngoan, học giỏi... Khi xã hội càng phát triển thì việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc cũng ngày càng được chú trọng hơn cả về phần lễ, lẫn phần hội.

Biểu diễn văn nghệ tại Ngày hội đại đoàn kết  ở xã Sơn Bao (Sơn Hà).                                                 Ảnh: TL
Biểu diễn văn nghệ tại Ngày hội đại đoàn kết ở xã Sơn Bao (Sơn Hà). Ảnh: TL


Về phần lễ, nhiều nơi có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt khang trang thì việc tổ chức được thuận lợi, ngược lại, những nơi không có địa điểm tổ chức thì phải dựng nhà bạt, trại... Dù ở điều kiện nào thì khung cảnh tổ chức cũng phải trang trọng, đảm bảo các yêu cầu chính yếu...

Về việc tổng kết báo cáo cần ngắn gọn, tế nhị, nêu rõ các nội dung một cách cụ thể. Ví dụ: Bao nhiêu hộ đã đóng tiền làm đường giao thông, bao nhiêu hộ chưa thực hiện, những hộ nào tích cực trong các phong trào; hộ nào đăng ký đổ rác, hộ nào chưa làm... Biểu dương những gia đình văn hóa tiêu biểu, con cái học hành tích cực... Tránh báo cáo tổng kết kiểu lý thuyết dài dòng, chung chung. Phần phương hướng cho năm tới cũng cần nêu rõ những việc mà cộng đồng dân cư cần làm, mỗi hộ, mỗi người cần thực hiện, những biện pháp thực hiện, những chỉ tiêu cần đạt...

Quan trọng ở phần này là kêu gọi mọi người đóng góp ý kiến, nhất là những người có uy tín trong khu dân cư. Bộ phận điều hành, người có trách nhiệm cần chú ý lắng nghe, tổng hợp, giải thích, kết luận, hướng ý kiến đóng góp của công dân vào trọng tâm cần bàn. Làm sao biến phương hướng từ văn bản trở thành việc làm của mọi người trong cộng đồng thì hiệu quả cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở  khu dân cư mới đạt hiệu quả.

Về phần hội, nên chọn một số trò chơi dân gian phù hợp như biểu diễn những bài võ cổ truyền; hát hố đối đáp; kể chuyện về quê hương từ khi dựng làng mở đất, về những người tốt đã đi vào lịch sử quê hương; thi khéo tay làm bánh, gói bánh, chế biến thức ăn... Phần này sẽ làm cho ngày hội vui nhộn, ý nghĩa và gìn giữ những nét cổ xưa có giá trị văn hóa cao. Phần hội không nên làm chiếu lệ cho có, nhiều nơi phần hội chỉ một ít người đẩy gậy, kéo co tẻ nhạt.

 Phần liên hoan cũng là một phần của ngày hội để giao lưu, kết chặt tình làng nghĩa xóm. Tuy nhiên, việc này cần tổ chức thật sự tiết kiệm. Nhiều nơi ăn uống quá tốn kém, tổ chức linh đình, phô trương, lãng phí... trong khi ở khu dân cư còn nhiều gia đình nghèo, nhiều cháu học sinh cần được giúp đỡ.

BÙI VĂN TẠO



 


.