Xây dựng Công viên Thiên Bút: Cần thiết, nhưng phải cẩn trọng

09:08, 27/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong điều kiện còn thiếu những khu vui chơi giải trí, du lịch... thì việc xây dựng Công viên Thiên Bút (TP. Quảng Ngãi) là cần thiết và hợp lý. Núi Thiên Bút là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, vì vậy, Công viên Thiên Bút khi hoàn thành sẽ phát huy được giá trị to lớn này, trở thành biểu tượng mới không chỉ riêng TP. Quảng Ngãi mà là của tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ: Phải giữ gìn, tôn tạo, phát huy thắng cảnh núi Thiên Bút

Núi Thiên Bút là một trong những thắng cảnh quý báu mà thiên nhiên ban tặng cho quê hương và con người Quảng Ngãi. Trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau là phải giữ gìn, tôn tạo, phát huy để trở thành điểm nhấn trong phát triển đô thị, tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong quá trình thực hiện dự án cần lưu ý: Đối với Tháp Bút, cần nghiên cứu xây dựng biểu tượng Tháp Bút với phương án kiến trúc phù hợp, đúng với ý nghĩa “Thiên Bút phê vân”, chứ không phải “Thạch Bút phê vân”. Đồng thời xây dựng, quy hoạch trồng cây xanh theo hướng phù hợp thổ nhưỡng, địa hình; duy trì, phát triển các loại cây bản địa hợp lý; đa dạng các loại cây trồng, vừa tạo cảnh quan, vừa tạo bóng mát; phân vùng trồng hợp lý, bảo đảm phát huy hiệu quả trước mắt và lâu dài.
     
Bên cạnh đó là phải tôn tạo cao độ tự nhiên mặt đất của Núi Bút theo nguyên trạng, cao độ cây xanh phù hợp, bảo đảm ít nhất phải bằng cao độ hiện tại. Hạn chế đến mức thấp nhất các hạng mục xây lắp bằng bê tông, sắt thép trên núi; giảm quy mô đường ô tô, ưu tiên đường đi bộ, ô tô điện phục vụ người cao tuổi, người khuyết tật. Nghiên cứu cao độ, phương án kiến trúc để đảm bảo tính hài hòa kiến trúc giữa Công viên Thiên Bút và Khu đô thị sinh thái Thiên Tân, theo hướng có thể dễ dàng quan sát núi Thiên Bút từ nhiều hướng. Ngoài ra, cải tạo cục bộ, chỉnh trang, nâng cấp Nghĩa trang Thiên Bút trở thành công viên nghĩa trang xanh, sạch, đẹp, trang nghiêm.

PHẠM DANH

Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 công viên Thiên Bút, với diện tích hơn 19ha. Dự án do Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Thiên Tân làm chủ đầu tư (theo hình thức xây dựng - chuyển giao), với tổng vốn gần 400 tỷ đồng; dự kiến đến năm 2018 sẽ hoàn thành.
 
Cần có một công viên xứng tầm

 Sau 27 năm tái lập tỉnh, Quảng Ngãi chỉ mới có một số vườn hoa và công viên Ba Tơ nhỏ hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Do đó, việc UBND tỉnh cho phép Công ty CP Đầu tư-Xây dựng Thiên Tân triển khai dự án Công viên Thiên Bút là một quyết định hợp lý, đáp ứng sự mong muốn của nhân dân trong tỉnh.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Hiệu - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh, nói: Trong giai đoạn phát triển mới của tỉnh, đời sống về vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Do đó, việc đầu tư, hoàn thiện Công viên Thiên Bút là nhu cầu cấp thiết. Công trình cần hướng đến đa mục tiêu, đặc biệt là tạo cảnh quan môi trường sống tốt hơn cho người dân TP. Quảng Ngãi. Hơn nữa, Công viên Thiên Bút không đơn giản là công trình để vui chơi, giải trí mà còn phải là công trình xứng tầm, là biểu tượng mới của TP. Quảng Ngãi, của tỉnh.

 Theo quy hoạch, Công viên Thiên Bút có diện tích hơn 19ha, với “hạt nhân” là núi Thiên Bút, bao gồm các không gian như: Quảng trường, công viên nước, khu thể dục thể thao... Đường lên đỉnh núi được thiết kế bằng đường đi bộ, có bố trí các trạm dừng chân. Xen kẽ trong những thảm cây xanh sẽ là vườn tượng danh nhân đất Việt và có sự kết hợp mô hình 12 thắng cảnh đẹp nổi tiếng ở Quảng Ngãi một thời.

Bên cạnh đó, trong khuôn viên công viên sẽ có công viên nước. Đặc biệt là, công trình Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Quảng Ngãi được tôn tạo thành Công viên Nghĩa trang. Trên đỉnh núi sẽ được nghiên cứu thiết kế tháp Bút.

 Ông Huỳnh Kim Lập - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư- Xây dựng Thiên Tân, cam kết: Việc đầu tư Công viên Thiên Bút được thực hiện theo hình thức phục hồi lại nguyên trạng núi Bút. Đó là, giữ nguyên về quy mô, diện tích, tỷ lệ vườn hoa cây xanh và các công trình công cộng theo đúng quy hoạch công viên đã được tỉnh phê duyệt.

“Dù đã được công nhận là đô thị loại 2, nhưng TP.Quảng Ngãi vẫn chưa có một công viên nào có quy mô lớn, thật sự là biểu tượng, điểm vui chơi, giải trí cho người dân, du khách. Do đó, việc đầu tư Công viên Thiên Bút là chúng tôi muốn góp phần mang lại cuộc sống tốt hơn cho cư dân thành phố”, ông Lập bày tỏ.
 
Phát huy giá trị di tích

 Núi Thiên Bút từ lâu đã được xếp vào 10 cảnh đẹp của Quảng Ngãi. Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên, thì núi Thiên Bút còn là biểu tượng thiêng liêng, có giá trị tâm linh khi người ta nghĩ đến với văn mạch, truyền thống học hành, khoa cử của vùng đất Cẩm Thành xưa nay. Năm 1993, núi Thiên Bút được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Phối cảnh một góc công viên Thiên Bút.                                                                                                                                                                    Ảnh:  N.T
Phối cảnh một góc công viên Thiên Bút. Ảnh: N.T


Theo ông Cao Văn Chư - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh, núi Thiên Bút là một di sản văn hóa trong tâm thức người dân Quảng Ngãi. Xét giá trị di sản của núi Thiên Bút thì khi xây dựng công viên nơi đây cần tôn trọng tự nhiên, phù hợp với sinh thái, tránh xây dựng các công trình nhân tạo (quá nhiều bê tông cốt thép), nhất là những công trình không hài hòa với nét tự nhiên vốn có của núi.

“Có một hòn núi như Thiên Bút trong đô thị là rất quý. Chính vì vậy, khi xây dựng công viên Thiên Bút cần phải thận trọng. Nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương cũng như du khách từ xa tới là có thật. Nhưng Công viên Thiên Bút có trở thành biểu tượng của tỉnh, thu hút được mọi người đến thăm hay không, phụ thuộc vào cách thức chúng ta cải tạo núi Thiên Bút”, ông Chư nêu quan điểm.

 Đồng quan điểm trên, nhà nghiên cứu văn hóa Lê Hồng Khánh - Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho rằng: Núi Thiên Bút từ xa xưa đã được giới tao nhân mặc khách và cả người bình dân xem như một thắng cảnh thiên nhiên mang đậm ý nghĩa tâm linh. Nơi đây có cái hữu thể là ngọn núi, cây cối, hoa lá... và cái vô thể là giai thoại, thi ca, truyền thuyết...

Đối với một di tích vừa mang ý nghĩa vật thể, vừa mang ý nghĩa tâm linh như núi Thiên Bút thì khi biến đổi, cải hoán nhất thiết phải hết sức thận trọng. “Một không gian gần gũi với thiên nhiên, gợi mở những ý tưởng khai phóng, giao hòa, chắp cánh cho những ước mơ chân, thiện, mỹ, mang đến cho con người những phút giây bình lặng, thảnh thơi. Đó là giá trị mà công viên giải trí và tâm linh Thiên Bút cần hướng đến”, ông Khánh gợi mở.

PHÚ ĐỨC - NG.TRIỀU

 


.