(Báo Quảng Ngãi)- Đã 20 năm kể từ ngày Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất hình thành, quả ngọt gặt hái được là đã thu hút đầu tư hàng tỷ USD, với những công trình, dự án đồ sộ mang lại một diện mạo mới cho vùng đất cát bạc màu, từng một thời gian khó. Tuy nhiên, để KKT Dung Quất trở thành động lực phát triển cho cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên, đã đến lúc Quảng Ngãi cần đổi mới trong thu hút đầu tư.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhanh chóng rà soát lại quy hoạch và có chính sách đặc thù để phát triển KKT Dung Quất Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây. Phó Thủ tướng cho rằng: “Quảng Ngãi đã rất nỗ lực trong thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất và các khu công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất hiện nay vẫn chưa đạt như mong muốn. Thực tế đó đòi hỏi, tỉnh phải nhanh chóng rà soát lại, trên cơ sở đó cập nhật, điều chỉnh quy hoạch hoặc lập quy hoạch mới các ngành, lĩnh vực, sản phẩm, gắn với tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả, năng suất, tính cạnh tranh. Trong quy hoạch phải luôn gắn với bảo vệ môi trường và phải gắn phát triển công nghiệp với đô thị, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại các cơ sở công nghiệp. Cùng với đó, tập trung huy động nguồn lực, có cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù của địa phương để thu hút mạnh dòng vốn đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; phát triển các ngành sản xuất, tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao ở KKT Dung Quất”. |
Những bài học...
Từ khi KKT Dung Quất hình thành, có rất nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài được mời gọi, ồ ạt “đổ” vào Dung Quất, với hàng loạt giấy chứng nhận đầu tư được cấp để các nhà đầu tư triển khai xây dựng dự án. Nhất là giai đoạn từ năm 2005 - 2010, KKT Dung Quất như một đại công trường, khi hàng loạt dự án lớn được triển khai rầm rộ. Từ "bệ đỡ" Dung Quất, không chỉ làm đổi thay diện mạo vùng "đất lửa' Vạn Tường, mà còn tạo đà cho Quảng Ngãi vươn mình phát triển. Đặc biệt, nguồn thu từ KKT Dung Quất đã đưa Quảng Ngãi lọt vào tốp đầu của những tỉnh thành thu ngân sách cao nhất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công trong thu hút đầu tư ở KKT Dung Quất vẫn còn đó những “hạt sạn”. Điển hình như Dự án Nhà máy xi măng Đại Việt, một công trình nằm giữa khu dân cư đã gây ra nhiều hệ lụy về môi trường và ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.
Nhưng không chỉ có Dự án Nhà máy xi măng Đại Việt, đi vòng quanh KKT rộng 45 nghìn ha chúng ta dễ dàng nhìn thấy cảnh hoang tàn, trơ trọi của rất nhiều công trình, dự án dang dở nằm dầm mưa phơi nắng, nhiều nhà đầu tư “tháo chạy” khỏi Dung Quất. Trong đó, phải kể đến một số dự án như: Trung tâm khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí Vạn Tường; Nhà máy công nghiệp nặng Kumwoo- Dung Quất; Nhà máy EASTAR KIC Việt Nam... Đặc biệt là dự án Nhà máy thép Quảng Liên, một dự án có vốn đăng ký đầu tư lớn nhất ở KKT Dung Quất, nhưng rồi sau hơn 10 năm “chiếm” đất, đến nay dự án vẫn chỉ là một bãi đất hoang hóa.
Cần chú trọng chất lượng
Tính đến giữa tháng 7.2016, KKT Dung Quất có 130 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 182 nghìn tỷ đồng. Hiện có 84 doanh nghiệp đi vào hoạt động, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong số này chỉ có một vài dự án ghi đậm dấu ấn trong phát triển công nghiệp. Cụ thể như: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Công ty Doosan Vina, Công ty TNHH MTV Dịch vụ dầu khí (PTSC)... Đặc biệt là Dự án Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP, đây là một bước đột phá trong thu hút đầu tư của tỉnh, góp phần quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm cho người lao động của Quảng Ngãi.
Để thu hút được một dự án lớn vào KKT Dung Quất không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, chúng ta không nên lấy số lượng làm lợi thế, mà hãy “chấm điểm” nhà đầu tư, trước khi cấp giấy phép đầu tư. Cũng không nên thu hút nhà đầu tư bằng mọi giá, mà cần phải thay đổi cách làm trong thu hút đầu tư, trong đó cần sẵn sàng “loại” những nhà đầu tư yếu kém, để không phải “khó xử” về sau.
Khu đất cấp cho Dự án thép Quảng Liên sau nhiều năm bỏ hoang, lãng phí quỹ đất. |
Vấn đề đặt ra hiện nay là, cần xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích để thu hút các dự án đầu tư, hình thành mạng lưới liên kết sản xuất, kinh doanh, các ngành công nghiệp hỗ trợ để hình thành chuỗi giá trị. Xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính. Có chính sách thu hút và ưu đãi đối với các công ty đa quốc gia có kế hoạch liên kết với các doanh nghiệp trong nước về tiêu thụ, cung ứng sản phẩm để hình thành các cụm công nghiệp - dịch vụ. Và yêu cầu bắt buộc nhà đầu tư về công nghệ, chuyển giao công nghệ, thu hút, đào tạo kỹ năng cho người lao động.
Ngoài ra, không tiếp nhận hoặc hạn chế tối đa những dự án sử dụng công nghệ thấp, có khả năng tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường sinh thái. Khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất, chế biến sử dụng đầu vào trong nước, thay vì nhập khẩu, gia công, lắp ráp, chú trọng vào kinh doanh thương mại, nhất là tại thị trường nội địa. Có như vậy, chúng ta mới sử dụng quỹ đất ở KKT Dung Quất hiệu quả, đúng mục đích và phát triển công nghiệp bền vững.
Bài, ảnh: L.ĐỨC - P. DANH
Nhiều nhà đầu tư lớn đang tìm về Dung Quất
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ngãi, ông Lê Văn Dũng - Phó Trưởng Ban Quản lý (BQL) KKT Dung Quất cho biết, từ đầu năm đến nay, BQL KKT Dung Quất đã có nhiều thay đổi trong thu hút đầu tư, cũng như mạnh tay thu hồi đất đối với những dự án (DA) chậm tiến độ. L.ĐỨC - P. DANH |