"Chưa năm nào thoát được nghèo"

07:10, 29/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngồi trước cửa nhà sửa chiếc xe đạp, anh Trịnh Công Lý (47 tuổi) ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) vẫn dõi mắt ra ngõ ngóng vợ về. Anh cười buồn bảo: “Vợ mình phải đi buôn chuối kiếm thêm ít đồng chứ cả nhà có sào ruộng mà tới 5 miệng ăn. Chưa năm nào gia đình thoát được nghèo cả”. Cơn mưa cuối ngày kéo dài làm cho ngôi nhà của vợ chồng anh thêm ảm đạm.

TIN LIÊN QUAN

 Anh Lý là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai. Nhà có 5 anh em nhưng có mình anh bị di chứng của chất độc quái ác này. Hai chân anh bị teo rút từ khi mới lọt lòng, đi lại khó khăn cũng chẳng làm được công việc gì. Nhưng để không là gánh nặng cho gia đình, anh Lý quyết tâm học nghề sửa xe đạp. Ra nghề, anh mở quán sửa xe nhỏ ngay trong thôn. Cũng nhờ đó mà anh quen được cô thôn nữ Phạm Thị Duyên - vợ anh bây giờ.

Công việc hằng ngày của anh Lý là làm việc nhà và chăm mẹ vợ đang nằm liệt giường.
Công việc hằng ngày của anh Lý là làm việc nhà và chăm mẹ vợ đang nằm liệt giường.


Năm 1999, sau khi kết hôn, anh chuyển về sống với mẹ vợ trong căn nhà tranh vách đất của bà. Mãi đến năm 2004, căn nhà không thể ở được nên vợ chồng anh gom góp được ít tiền cùng sự giúp đỡ của anh chị em mới xây được căn nhà gạch… Nói là nhà, nhưng tường chỉ trơ gạch, nền nhà bằng đất, là nơi trú ngụ của 5 con người hơn 10 năm nay, giờ cũng đã xuống cấp, dột tứ bề mỗi khi có mưa. Bà Tiêu Thị Kim Cúc (mẹ vợ anh Lý) cho biết: “Con Duyên nó chịu thương chịu khó làm lụng lắm, nhưng không tiết kiệm được mấy vì còn phải nuôi mẹ già đau yếu, nuôi chồng, nuôi hai đứa con đang tuổi ăn học, nên không lấy đâu ra tiền để sửa nhà”.

Bà Cúc nay đã 80 tuổi. Ba năm trước, bà bị tai biến nên nằm một chỗ đến giờ. Hằng ngày, khi vợ đi làm đồng hay đi buôn chuối, công việc của anh Lý là dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc mẹ. “Vợ mình là lao động chính trong nhà, mình không làm được gì ra tiền thì cũng phải phụ giúp công việc trong nhà cho vợ đỡ vất vả”, anh Lý bày tỏ. Trước đây, nhờ nghề sửa xe đạp cũng giúp anh Lý có thêm đồng ra đồng vào, nhưng giờ người đi xe đạp cũng thưa vắng nên thu nhập cũng ít dần. Anh Lý bảo: “Gần Tết, mình nhận đánh bóng lư đồng cho người dân trong thôn mới có chút đỉnh phụ thêm cho vợ sắm sửa ba ngày Tết thôi. Còn bình thường, bà con có thương thì chạy qua nhờ bơm dùm chiếc xe cũng chẳng đủ thiếu là bao”.

Mình chị Duyên làm một sào ruộng, nếu được mùa thì có được 7, 8 bao lúa/mùa, đủ ăn giáp vụ. Thế nên, ngày rằm, mùng một chị phải đi mua chuối của người dân trong xã rồi chở xuống tận TP. Quảng Ngãi để bán kiếm thêm thu nhập. Chi tiêu hàng tháng của vợ chồng anh chị chỉ gói gọn trong khoảng 500.000 – 700.000 đồng. Anh Lý tâm sự trong nỗi buồn: “Gia đình nghèo từ hồi giờ. Chưa có năm nào được thoát nghèo cả. Cũng nhờ có sổ hộ nghèo nên mấy đứa nhỏ đi học mới được cấp thẻ BHYT miễn phí, chứ không thì vợ chồng không biết lấy tiền đâu mà đóng cho con”.

Chia tay anh Lý lúc màn đêm buông xuống, cơn mưa dai dẳng cuối ngày vẫn chưa ngớt, nhưng chị Duyên vẫn chưa về đến nhà. Anh Lý thở dài bảo: “Mùa mưa đến rồi. Giờ trước mắt chỉ mong có ít tiền sửa lại cái mái ngói cho đỡ dột, vậy mà sao thấy khó quá!”.
 

Mọi sự giúp đỡ của quý bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Anh Trịnh Công Lý, thôn Bình Thành, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ssố điện thoại 01668.474.058 hoặc Báo Quảng Ngãi, số 02 Cao Bá Quát, TP. Quảng Ngãi, hoặc qua số tài khoản Báo Quảng Ngãi: 5701 0000 479377 tại Ngân hàng Đầu tư- Phát triển, Chi nhánh Quảng Ngãi.

 

 

Bài, ảnh: VŨ YẾN


 


.