Để Lý Sơn mãi đẹp trong lòng du khách

09:05, 17/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Con người chân chất, thật thà cộng với cảnh đẹp hoang sơ là nét lôi cuốn bước chân du khách tìm về với đảo. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là trong dịp đón hơn 7.000 lượt khách du lịch ra thăm đảo trong dịp lễ 30.4 và 1.5 vừa qua, tại đảo đã xuất hiện một vài cách ứng xử khiến du khách chưa hài lòng, ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp, thân thiện vốn có của hòn đảo ngọc Lý Sơn.

TIN LIÊN QUAN

Nơi có nhiều hấp lực

Cảm nhận của du khách khi đến Lý Sơn là được đến miền biển xanh, cát trắng, nắng vàng, con người thân thiện, mến khách. Hơn thế, Lý Sơn còn là nơi lưu giữ những bằng chứng sống về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Một góc huyện đảo Lý Sơn hôm nay.
Một góc huyện đảo Lý Sơn hôm nay.


Lý Sơn có những điểm nhấn du lịch hấp dẫn như Nhà trưng bày lưu niệm Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, giếng Vua, chùa Hang, đình làng An Hải, hang Câu, miệng núi lửa cổ, vịnh Mù Cu… Và mới đây, tuổi trẻ cả nước đã chung tay góp sức dựng cột cờ Lý Sơn. Cột cờ này đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến đảo Lý Sơn.

Đặc biệt, nếu du khách đến với đảo Lý Sơn vào dịp lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, sẽ được thưởng thức nét độc đáo của lễ hội truyền thống này. Lễ hội như một lời nhắc nhớ về tinh thần yêu nước, lòng can đảm của những người con đất đảo. Đến với lễ hội, dù chỉ nghe một lần câu hát: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa” du khách sẽ khắc vào tâm khảm lòng biết ơn binh phu Hoàng Sa ngày ấy quyết hy sinh thân mình gìn giữ biên hải của Tổ quốc…

Du khách Nguyễn Phi Nga ở Đầm Trấu, Hà Nội khi đến Lý Sơn đã phải thốt lên rằng: “Lý Sơn tuyệt đẹp và còn hoang sơ như một nàng tiên chưa được đánh thức. Đến Lý Sơn thấy lòng mình thanh thản theo từng bước chân. Vãn cảnh chùa, viếng những ngôi mộ gió, đặt chân lên những ngôi cổ tự, hang núi do thời gian kiến tạo; ngắm những khối đá được sóng biển bào mòn tạc thành những bức tượng biết nói… Tôi thật sự thích thú và không thể quên được những ngày ở đảo Lý Sơn”.

Ra đảo Lý Sơn du khách còn được tận hưởng khung cảnh hối hả của những nông dân cần cù chăm sóc hành, tỏi, đậu, bắp. Nếu thích, du khách cũng có thể trò chuyện và cùng thu hoạch hành, tỏi với những nông dân này. Chiều tà hay sáng sớm thả bộ ra bến cá, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những tàu cá của ngư dân cập cảng, với hình ảnh loang loáng, tươi ngon của những mẻ cá vừa đánh bắt từ biển.

Sự thân thiện của Lý Sơn còn thể hiện qua hành động mở cửa cho du khách nghỉ nhờ qua đêm. Thậm chí trong những ngày lễ 30.4 và 1.5 vừa qua, khi lượng khách ra đảo quá đông, một số cơ quan, trường học đã hết sức tạo điều kiện về chỗ nghỉ cho khách. Việc làm này được du khách đánh giá cao, lưu lại trong lòng họ và hứa hẹn sự quay trở lại của du khách… Tựu chung lại là có quá nhiều hấp lực đối với du khách khi đến với Lý Sơn!

Còn lắm điều du khách chưa hài lòng

Dịp lễ 30.4 vừa qua, du khách phản ánh, lợi dụng lượng người đến Lý Sơn đông, đã có một số hàng quán “chặt chém” khách du lịch.

Kiểm chứng thông tin trên, chúng tôi đến quán cơm bình dân “Phước nè!” gọi 3 dĩa cơm. Ngoài cơm trắng có rau muống xào, 3 lát sườn cốc-lếc và một dĩa hành tây xào mực, chủ quán tính tổng tiền 180 nghìn đồng. Vị chi là 60 nghìn đồng/dĩa. Nếu ở đất liền, giá 3 dĩa cơm ấy chỉ khoảng 60 nghìn đồng. Hay tại quán bún chả cá đối diện với phòng bán vé cảng Sa Kỳ. Một tô bún nhỏ với vài lát chả, chủ quán đòi 30 nghìn đồng, trong khi các quán ở gần đấy giá chỉ 20 nghìn đồng mà chất lượng có phần “nhỉnh” hơn.

Về giá phòng nghỉ, nhiều du khách than phiền có một số phòng khách sạn, nhà nghỉ ở Lý Sơn đã tăng giá trong dịp lễ vừa qua từ 100 đến 150 nghìn đồng/phòng. Ngoài ra một số hộ dân kinh doanh dịch vụ cho thuê xe máy, xe ô tô đưa đón khách cũng “hét” giá cao hơn ngày thường từ 20 - 40%.

Làm thế nào để “giữ một hình ảnh đẹp?”   

Nhiều khách du lịch đến Lý Sơn cho biết, họ mong muốn gìn giữ những nét đẹp hiện hữu của hòn đảo này. Du khách Nguyễn Thị Hồng, đến từ huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình nói: “Tôi muốn hòn đảo mãi giữ được vẻ đẹp hoang sơ. Việt Nam có rất nhiều hòn đảo đẹp, nhưng hầu hết đều đã bê tông hóa. Còn với du khách Nguyễn Thị Sao Mai, cán bộ hưu trí ở quận Long Biên, Hà Nội thì cho rằng: “Cư dân ở đảo và cách ứng xử mộc mạc, chân tình của họ là dấu ấn đẹp trong lòng tôi. Tôi sẽ quay lại đảo một ngày không xa nữa”.

Tuy nhiên, điều du khách phiền lòng nhất là phương thức di chuyển từ đất liền ra đảo và ngược lại. Dù chặng đường trên biển không xa bằng một số đảo khác, nhưng quả thực từ cách đặt mua vé, ra cảng, lên tàu khá là vất vả. Vào những dịp cao điểm, du khách ra đảo đông thì việc phục vụ của nhân viên bán vé, nhân viên hướng dẫn ra vào cảng, lên xuống tàu không được cởi mở, thân thiện, chu đáo, khiến du khách chưa hài lòng. Rồi tình trạng một số hàng quán, dịch vụ xe ô tô, xe máy tại đảo Lý Sơn, nhà nghỉ, khách sạn đôi lúc tự ý tăng giá đã làm phiền lòng du khách, ảnh hưởng đến hình ảnh về một hòn đảo xinh đẹp, thân thiện, mến khách trong lòng du khách.

 “Tôi nghĩ chính quyền phải chấn chỉnh ngay dịch vụ kinh doanh chụp giật này để du khách an tâm khi đến đảo. Đồng thời mời gọi họ tiếp tục trở lại thăm đảo khi có điều kiện, thời gian” – ông Nguyễn Song Duy, du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh nêu ý kiến.
         

*Ông Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phát triển Lý Sơn:  Mỗi người dân phải chủ động nâng cao nhận thức về làm du lịch
Phát triển du lịch Lý Sơn được xác định là một trong những lĩnh vực mũi nhọn, đột phá về phát triển kinh tế-xã hội huyện đảo. Vì thế, tỉnh và huyện luôn mong muốn mỗi người dân hãy chủ động nâng cao nhận thức để góp phần xây dựng hình ảnh Lý Sơn thân thiện, an toàn, mến khách trong lòng du khách. Lý Sơn dù có là một hòn đảo cảnh quan tuyệt đẹp, nhưng nếu con người nơi đây thiếu đi sự thân thiện, cởi mở thì cũng không thể thu hút khách du lịch.

*Bà Phạm Thị Hương-Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn: Rất mong nhận được ý kiến đóng góp chân tình của du khách
Mặc dù hết sức nỗ lực trong việc tạo ra một hình ảnh Lý Sơn đẹp trong mắt du khách, song chắc chắn khi du lịch tại đảo du khách cũng có những điều chưa hài lòng. Người dân Lý Sơn chân tình, thật thà song cung cách ứng xử đôi khi chưa làm hài lòng khách. Chính vì vậy, huyện mong muốn khi có những điều chưa hài lòng du khách hãy mạnh dạn đóng góp chân tình để chúng tôi kịp thời khắc phục.  

*Ông Nguyễn Hữu Trí-du khách Hà Nội:  Ngăn chặn kịp thời tình trạng “chặt chém” khách du lịch
Khách du lịch cảm giác rất sợ tình trạng bị “chặt chém”. Vì thế huyện đảo cần tổ chức tập huấn cho tất cả những người dân làm du lịch trên đảo. Những người từ đất liền ra đảo kinh doanh dịch vụ cũng cần thiết phải được mời lên nhắc nhở về việc này. Đồng thời huyện cần có cơ chế tổ chức cho các hộ dân tham gia giám sát lẫn nhau, phát hiện thông tin chặt chém khách, cung cấp cho huyện xác minh, xử lý. Tôi thấy hiện tại giá cả dịch vụ tại đảo Lý Sơn vẫn chưa được niêm yết và bán theo giá niêm yết. Huyện cần phải làm triệt để vấn đề này để du khách thực sự an tâm khi đến với Lý Sơn.

*Ông Phạm Bá Chiểu-du khách TP.Hồ Chí Minh: Chúng tôi mong muốn được khám phá nghề biển của ngư dân Lý Sơn
Với những người yêu biển, khi ra đảo Lý Sơn mong muốn không chỉ là nhìn, ngắm, tắm mát mà còn mong được khám phá, tận hưởng những giây phút cùng ngư dân lênh đênh trên biển câu cá, câu mực. Dĩ nhiên dịch vụ này phải đảm bảo an toàn cho du khách trong cả hành trình khám phá này. Tôi nghĩ nếu huyện đảo tổ chức được dịch vụ này thì sẽ giữ chân du khách lưu lại trên đảo. Đó cũng là cách giúp du khách hiểu được thực tế một phần nghề biển của những ngư dân Lý Sơn can trường.

*Bà Phan Thị Kim Ngọc-du khách Đà Lạt: Huyện đảo cần xây dựng nghề hành, tỏi là một sản phẩm du lịch
Khi ra đảo, nhiều du khách muốn ở lại vài ngày tham quan, nghỉ dưỡng nhưng quả thực với chỉ trong một ngày đã hết điểm đi. Chúng tôi mong muốn huyện sớm đưa nghề trồng hành, tỏi thành một sản phẩm du lịch để du khách có cơ hội tiếp cận, khám phá nhiều hơn nữa những điều thú vị khi đến đảo. Có thể sau một ngày cùng nông dân thu hoạch hành, tỏi, du khách sẽ mua lại số hành tỏi mà họ đã thu hoạch đó. Đây chắc chắn là món quà ý nghĩa, là kỷ niệm tuyệt vời không thể quên với du khách.                                   

 

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.