(Báo Quảng Ngãi)- Hỗ trợ cây trồng, vật nuôi cho đồng bào miền núi theo Nghị quyết 30a của Chính phủ nhằm cải thiện đời sống cho người dân là một chương trình mang tính nhân văn rất lớn của Đảng và Nhà nước ta. Ấy vậy mà khi được giao nhiệm vụ, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Minh Long lại không làm hết trách nhiệm, để xảy ra thiếu sót nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, nhân dân...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Làm trái hợp đồng kinh tế
Ngày 7.11.2012, UBND huyện Minh Long có Quyết định số 1372 giao cho Ban quản lý rừng (gọi tắt là BQL rừng) phòng hộ huyện thực hiện việc hỗ trợ cây trồng sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện từ nguồn vốn Chương trình 30a. Đến ngày 21.11.2012, BQL rừng huyện Minh Long tiến hành ký Hợp đồng số 02 với Doanh nghiệp tư nhân Tài Nguyên để cung cấp cây. Theo đó, tổng giá trị hợp đồng là 765.548.000đ (gồm: Cây sa nhân: 79.816 cây, tương ứng với số tiền 438.988.000đ; cây mây nước: 81.640 cây, tương ứng số tiền 326.560.000đ). Hợp đồng hai bên cam kết, khi nhận đủ hàng sẽ thanh toán toàn bộ số tiền theo hợp đồng.
Cây mây nước bị vứt bỏ lăn lóc dẫn đến chết khô. |
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, BQL rừng, mà trực tiếp là ông Lê Chí Khanh-Giám đốc BQL rừng đã không thực hiện đúng nguyên tắc tài chính và nhiệm vụ được giao. Cụ thể là, đến tháng 2.2013 mới tiến hành cấp cây mây nước cho người dân, nhưng BQL rừng đã chuyển gần hết số tiền ghi trong hợp đồng cho Doanh nghiệp Tài Nguyên. Điều này thể hiện qua hóa đơn đỏ ghi ngày 17.12.2012 với số tiền 765.548.000đ, song thực chất chỉ chuyển 660.930.000đ. Đến ngày 7.8.2013, BQL rừng mới chuyển tiếp số tiền 104.618.000đ cho doanh nghiệp này. Vấn đề nghiêm trọng ở đây là, mặc dù doanh nghiệp chỉ cung cấp cây mây nước, giá trị 326.560.000đ, nhưng BQL rừng đã quyết định chuyển đủ số tiền như đã ký trong Hợp đồng số 02 cho doanh nghiệp. Nghĩa là, BQL rừng đã chuyển thừa cho Doanh nghiệp Tài Nguyên 438.988.000đ.
Đầu tháng 12.2014, Chủ tịch UBND huyện Minh Long Nguyễn Văn Thuần đã ban hành Quyết định số 1439/QĐ-UBND yêu cầu Giám đốc BQL rừng thu hồi 1,2 tỷ đồng (lấy tròn số) để nộp vào ngân sách huyện trước ngày 15.12.2014. Trong đó, khoản kinh phí quyết toán khống trên 1 tỷ đồng và kinh phí chênh lệch giá keo giâm hom gần 183 triệu đồng. Tuy nhiên, đến đầu tháng 4.2015, việc thu hồi số tiền trên để nộp vào ngân sách vẫn chưa thực hiện. |
Tình trạng này được BQL rừng tiếp tục lặp lại trong năm 2013. Sau khi UBND huyện ra quyết định 1360 (26.12.2013) giao nhiệm vụ, ngày 29.12.2013, BQL rừng ký Hợp đồng số 13 với Doanh nghiệp Tài Nguyên để mua cây giống. Tổng giá trị hợp đồng 1.299.289.200đ (cây sa nhân 71.148 cây, tương ứng số tiền 348.199.200đ; mây nước 174.900 cây, tương ứng số tiền 717.090.000đ; bời lời đỏ 66.000 cây, tương ứng số tiền 198.000.000đ). Hai bên cam kết khi giao đủ số lượng cây thì chuyển hết tiền, nhưng thực tế BQL rừng chỉ mới nhận của Doanh nghiệp Tài Nguyên cây mây nước trị giá 717.090.000đ nhưng đã chuyển hết tiền cho doanh nghiệp 1.299.289.200đ (giấy ủy nhiệm chi 24.1.2014, nhưng hóa đơn đỏ ghi ngày 31.12.2013).
Quyết toán khống?
Điều không thể chấp nhận ở đây là, dù biết chưa nhận đủ số lượng cây theo hợp đồng đã ký và chuyển dư tiền cho doanh nghiệp là sai, nhưng ông Lê Chí Khanh vẫn chỉ đạo làm thủ tục quyết toán sử dụng ngân sách năm 2012 và 2013. Trong biên bản kiểm tra xét duyệt quyết toán cũng không thể hiện số cây nợ cần tiếp tục nhận về cấp cho dân. Sau đó hồ sơ quyết toán này đã được lãnh đạo UBND huyện Minh Long phê duyệt. Như vậy, BQL rừng đã quyết toán khống số tiền 1.021.187.200đ.
Không dừng lại ở những sai phạm đó, BQL rừng còn tham mưu để lãnh đạo UBND huyện cho mua cây keo lai con với giá cao. Cụ thể là, UBND huyện Minh Long đã đồng ý cho BQL rừng ký hợp đồng với Doanh nghiệp Tài Nguyên mua cây keo lai với giá 1.150 đ/cây (14.11.2013). Trong khi đó, đầu tháng 10.2013, UBND huyện Minh Long lại đồng ý cho UBND xã Long Mai mua cây keo lai với giá thấp hơn (chỉ có 800đ/cây). Và cũng chính Doanh nghiệp Tài Nguyên ký hợp đồng bán cho UBND xã Long Mai keo lai với giá 800đ/cây. Việc tăng giá trên là bất bình thường, vì chênh lệch 350đ/cây (tăng 43%) là quá cao, gây thiệt hại cho ngân sách 183 triệu đồng.
Ông Đinh Xuân Trường -Bí thư Đảng ủy xã Long Môn bên đống cây mây nước bị vứt bỏ dưới gầm cầu. |
Việc hỗ trợ cây trồng cho đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp họ có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo. Với ý nghĩa như vậy, nên việc cấp loại cây gì cần phải tham khảo mong muốn của người dân, nhưng BQL rừng lại không làm được điều đó. Vì thế, trong năm 2013, BQL rừng tiến hành cấp cây mây nước thì có một số hộ không nhận cây, một số hộ nhận nhưng lại không trồng… Theo phản ánh từ các xã, tổng số cây mây nước được cấp là 174.900 cây, nhưng chỉ có một số hộ nhận trồng với 21.478 cây, đạt 12,3% (chủ yếu ở xã Long Mai và Thanh An). Và cũng theo phản ánh của một số xã, tỷ lệ cây trồng sống và phát triển tốt không nhiều.
Những sai sót trên đã được Huyện ủy Minh Long tiến hành kiểm tra, làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân liên quan. “Chúng tôi lấy làm tiếc và nhận thấy có lỗi với dân khi hàng chục ngàn cây mây nước được BQL rừng mua về bị vứt bỏ trong vườn nhà, dưới gầm cầu. Với tinh thần nhìn thẳn vào sự thật, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân có liên quan”, ông Nguyễn Chí Trung- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Minh Long, nói. Cũng theo ông Trung, liên quan đến vụ việc này, Thanh tra tỉnh cũng tiến hành thanh tra làm rõ thêm.
P.Đức- B.Sơn