(Báo Quảng Ngãi)- Nhu cầu lao động tăng đột biến tại Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất và các khu công nghiệp (KCN) trong năm 2015 vừa mừng, lại vừa lo, bởi khả năng cung ứng lao động của tỉnh vẫn còn hạn chế.
Hiện nay, các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh và các cơ sở đào tạo nghề đang chạy đua cùng thời gian nhằm cung ứng đủ số lao động theo nhu cầu tăng cao của doanh nghiệp (DN) ở KKT và các KCN của tỉnh.
Nhu cầu lao động tăng cao
Theo thống kê sơ bộ của ngành lao động, trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng nhu cầu lao động của các DN ở KKT Dung Quất và các KCN trên địa bàn tỉnh vào khoảng 11.000 lao động. Trong đó, nhu cầu lao động trong các KCN của tỉnh là 4.500 người, KKT Dung Quất là 3.000 và Khu Công nghiệp VSIP Quảng Ngãi là 3.500 người. Dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ còn tăng cao trong những năm tiếp theo.
Một buổi thực hành của học viên ngành cắt gọt kim loại, Trường CĐ nghề KTCN Dung Quất. Ảnh: Ý THU |
Mới đây, Công ty Giày da King Riches và Công ty TNHH Xindadong Textiles Việt Nam (KCN VSIP Quảng Ngãi) đã ký hợp đồng đào tạo lao động với Trường Cao đẳng (CĐ) nghề Kỹ thuật Công nghệ (KTCN) Dung Quất. Theo đó, Trường CĐ nghề KTCN Dung Quất chịu trách nhiệm đào tạo nghề may giày cho 3.000 lao động (chia theo nhiều đợt) để cung ứng cho Công ty Giày da King Riches, trong đó năm 2015 doanh nghiệp này cần ngay 700 lao động. Còn Công ty TNHH Xindadong Textiles Việt Nam, một trong những doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào KCN VSIP Quảng Ngãi, cũng đã ký kết với nhà trường để tuyển dụng 53 lao động có bằng trung cấp trở lên để đưa đi Trung Quốc đào tạo…
Doanh nghiệp đồng hành cùng đào tạo Chú trọng đến công tác đào tạo lao động có chất lượng, các doanh nghiệp cũng đồng hành… đào tạo. Vừa qua, Công ty Doosan Vina đã tài trợ 2 tấn que hàn cho 40 học viên đang học ngành hàn tại Trường CĐ nghề KTCN Dung Quất, nhằm tạo điều kiện cho học viên có cơ hội được thực hành nhiều, nâng cao tay nghề. Công ty Giày da King Riches cũng hỗ trợ cho nhà trường 60 máy may giày da để nhà trường thực hiện việc đào tạo, giảng dạy, cung ứng lao động cho công ty này… |
Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao là do một số dự án mới đầu tư chuẩn bị đi vào hoạt động và một số DN đang hoạt động mở rộng quy mô sản xuất. Điều này cho thấy hiệu quả trong công tác thu hút đầu tư, đồng thời minh chứng cho việc hoạt động có hiệu quả của DN trong KCN thời gian qua. Thế nhưng đi kèm với đó là… nỗi lo. Bởi nếu tính 164 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại KKT Dung Quất và các KCN của tỉnh từ trước đến nay chỉ giải quyết việc làm cho gần 27.000 lao động, thì chỉ trong vòng có 6 tháng, nhu cầu lao động cần tuyển là 11.000 người, bằng 40% cả giai đoạn trước đó. Đấy là chưa kể nhiều DN yêu cầu tuyển lao động chất lượng cao.
Mừng nhưng lo…
Trong những năm qua, công tác đào tạo lao động chưa gắn kết với nhu cầu sử dụng. Công tác đào tạo và cung ứng lao động luôn bị động, do việc dự báo nhu cầu tuyển dụng, yêu cầu về trình độ chuyên môn, tay nghề và thời gian cần cung ứng chưa theo sát với thực tế. “Nhiều trường hợp nhà trường đã đào tạo xong, nhưng phía DN lại chưa hoàn thành xong tiến độ xây dựng nên chưa thể tuyển dụng. Và ngược lại, phía DN có nhu cầu tuyển dụng sớm hơn dự kiến, trong khi nhà trường lại chưa đào tạo xong là những khó khăn trong công tác đào tạo lao động để cung ứng cho DN”, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề KTCN Dung Quất Nguyễn Hồng Tây trăn trở. Không những thế, chất lượng đào tạo lao động cũng chưa cao. Do đó, phần lớn các DN khi tuyển dụng lao động phải chủ động đưa đi đào tạo lại, nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất của DN.
Thực tế, Quảng Ngãi đã có những bước tiến vượt bậc trong việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2013, Quảng Ngãi xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 7 chỉ số tăng điểm (VCCI chưa công bố bảng xếp hạng năm 2014). Tuy nhiên, chỉ số đào tạo lao động tuy có tăng nhưng thứ hạng vẫn tương đối thấp so với cả nước (hiện đứng 35/63 tỉnh, thành).
Qua khảo sát cho thấy, lao động kỹ thuật về may công nghiệp, giày da, chế biến thực phẩm… ít được quan tâm đào tạo thời gian qua nên khó đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN. Trong khi đây là những lĩnh vực mà các DN đang có nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Ngoài ra, các ngành hàn, công nghệ ô tô và điện công nghiệp là 3 ngành có cơ hội việc làm rất cao, nhưng khi DN cần thì không tìm ra lao động. Vừa qua, Công ty Doosan Vina cần 50 thợ hàn, nhưng Trường CĐ nghề KTCN Dung Quất chưa đào tạo xong nên chưa thể đáp ứng là một ví dụ.
Trường CĐ nghề KTCN Dung Quất là “cánh chim đầu đàn” trong việc cung ứng nguồn lao động cho các DN tại KKT Dung Quất. Hằng năm, trường này thu hút được từ 1.800-2.000 học viên theo học. Đây là con số đáng khích lệ so với mặt bằng chung. Tuy đã nỗ lực thực hiện đào tạo, cung ứng lao động cho các DN trên địa bàn tỉnh, nhưng nhà trường vẫn còn gặp không ít khó khăn khi trong quá trình hợp tác, cung ứng lao động cho DN, nhà trường vẫn còn rơi vào thế bị động.
Ngoài ra, hiện tại trang thiết bị của trường vẫn chưa thể theo kịp việc đổi mới công nghệ liên tục tại DN, dù đến nay, tổng kinh phí đầu tư cho trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy của trường đã lên đến 100 tỷ đồng. Vì vậy, ở một số ngành học đòi hỏi máy móc hiện đại như ngành tự động hóa, ngành vận hành thiết bị chế biến dầu khí…thì nhà trường phải liên hệ với DN để học viên có thể đến các DN học hỏi, tiếp cận công nghệ mới. Đặc biệt, mặc dù các ngành như hàn, công nghệ ô tô… luôn rơi vào tình trạng “cháy” lao động vì DN có nhu cầu tuyển dụng cao. Tuy nhiên, do giới hạn về trang thiết bị phục vụ giảng dạy nên nhà trường không thể tuyển sinh, đào tạo vượt số lượng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến một số ngành, số lượng lao động đào tạo ra không đủ cung ứng cho DN.
*Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Như Sô: Nhu cầu lao động tăng cao trong năm 2015 được xem là một trong những thách thức lớn của tỉnh, bởi doanh nghiệp không những có nhu cầu về số lượng lao động tăng đột biến, mà họ còn đòi hỏi lao động có trình độ lao động cao. Mục đích của việc thu hút đầu tư, ngoài đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế là tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động. Do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm nay là tập trung cho công tác đào tạo lao động. *Ông Nguyễn Duy Nhân - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Để kịp thời cung ứng lao động cho các doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Giới thiệu việc làm tổ chức 3 sàn giao dịch việc làm, thu hút được 11.000 lao động. Trong đó, lao động phổ thông khoảng 5.800, lao động có chuyên môn kỹ thuật là 5.200. Từ nay đến tháng 6.2015, Sở sẽ tập trung chỉ đạo ưu tiên đào tạo, cung ứng 3.500 lao động cho KCN VSIP Quảng Ngãi, tiếp đó là KKT Dung Quất… để các doanh nghiệp ổn định sản xuất. *Tổng Giám đốc Doosan Vina Ryu Hang Ha: Con người được xem là tài sản lớn nhất và chìa khóa mở ra tương lai của Doosan Vina. Chính vì vậy các chương trình đào tạo, huấn luyện, và phát triển nhân viên luôn được công ty ưu tiên và thực hiện nghiêm túc. Đấy là lý do mà công ty luôn quan tâm, liên kết, hỗ trợ đối với các trường đào tạo không những ở Dung Quất mà còn ở trong nước. Mới đây nhất, Doosan Vina vừa ký một Bản thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng trong đó bao gồm những kế hoạch để có thể tăng cường năng lực cạnh tranh về tuyển dụng các kỹ sư nhà trường sau khi tốt nghiệp. *Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tây-Hiệu trưởng Trường CĐ nghề KTCN Dung Quất: Nhằm đảm bảo việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp, việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp không ngừng được đẩy mạnh. Để học viên có thể dễ dàng tiếp cận được ngay với công nghệ của doanh nghiệp tuyển dụng, trong quá trình giảng dạy, ngoài giảng viên của trường, trường còn linh hoạt mời các chuyên gia từ doanh nghiệp về tư vấn, thuyết giảng. Hằng năm, chương trình đào tạo của 23 nghề đều được nhà trường gửi trực tiếp đến các doanh nghiệp để xin ý kiến đóng góp, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, bám sát nhu cầu doanh nghiệp… *Học viên Phạm Đăng Thuần, quê Nghĩa Trung (Tư Nghĩa): Em đang theo học ngành bảo trì của Trường CĐ nghề KTCN Dung Quất. Em hy vọng sẽ sớm tìm được việc làm theo đúng ngành nghề đào tạo. Chỉ với học phí khoảng 500 nghìn đồng/học kỳ, chúng em được học và thực hành với hầu hết các máy móc hiện đại. Ngoài ra, chúng em còn được gặp gỡ, tiếp cận với các doanh nghiệp để lắng nghe về nhu cầu tuyển dụng của họ, để từ đó xác định hướng xin việc sau này. |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bài, ảnh: H.Triều-Ý.Thu