Nỗi niềm lao động rời làng sau Tết

09:03, 08/03/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Đến hẹn lại lên, sau mấy ngày vui xuân cùng gia đình, những người lao động ở các vùng nông thôn trong tỉnh lại "lên đường" Nam tiến mưu sinh. Và cũng như mọi năm, những chuyến xe nhộn nhịp đầu năm lại đưa họ rời quê chở cả những ước mơ, hy vọng trong năm mới.

TIN LIÊN QUAN

Sau Tết, lao động lại rời quê
 
“Vội vã trở về rồi vội vã ra đi”, chỉ mấy ngày sau Tết  người lao động nông thôn ở nhiều vùng quê Quảng Ngãi lại đổ dồn về các thành phố lớn để tiếp tục chặng đường mưu sinh thường nhật. Làng lại vắng vẻ sau Tết.
 
Dọc theo Quốc lộ 1, bến xe, nhà ga những ngày sau Tết, chúng tôi bắt gặp rất nhiều hành khách xách hành lý đứng chờ xe, tàu vào Nam kiếm sống. 
 
Ôm khệ nệ mấy túi xách nào đồ dùng, nào lương thực, đứng trên Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Mộ Đức để đón xe vào Nam, chị Nguyễn Thị Thúy quê ở xã Đức Minh (Mộ Đức) bày tỏ: Gia đình khó khăn, lại đang phải nuôi hai con nhỏ, làm ruộng thì chẳng đáng là bao nên vợ chồng phải đi làm ăn xa để kiếm tiền nuôi con.
 
Trước Tết, vợ chồng chị rời TP.HCM bằng xe khách để về quê và cũng bằng phương tiện này vợ chồng chị quay lại TP. HCM để tiếp tục công việc mưu sinh thường nhật- bán vé số. 
 
Đi thì  nhớ con, nhớ nhà quay quắt, nhưng ở quê thì làm gì cho ra tiền? Cực chẳng đã, vợ chồng chị bàn nhau gửi con cho ông bà nội để vào Nam kiếm sống.  "Lần nào đi, mấy đứa con nó cũng khóc. Tội quá, nhưng biết làm sao được. Đáng lẽ có tiền như người ta thì mình cũng nghỉ ở nhà, ngặt vì mình khổ quá"- chị Thúy nói mà đôi mắt chị đỏ hoe, những giọt nước mắt chực tuôn trào trên khuôn mặt khắc khổ. 
 
Sau tết rất đông lao động ly hương vào Nam mưu sinh
Sau tết rất đông lao động ly hương vào Nam mưu sinh
 
Có một điều mà bất kỳ ai cũng dễ dành nhận thấy, trong dòng người đón xe, tàu vào Nam, hầu như trên khuôn mặt ai cũng đượm buồn. Lại một năm nữa họ lại đằng đẵng mưu sinh nơi đất khách quê người với niềm hy vọng xen lẫn những lo toan…Nhiều người phải bỏ lại sau lưng bố mẹ già, con nhỏ. Nhưng họ vẫn đi với mong muốn cuộc sống của bản thân và gia đình sẽ vơi bớt khó khăn. 
 
Quê ở Nghĩa Phương (Tư Nghĩa), nhà anh Võ Xuân Nam chỉ có vài sào ruộng, làm giỏi cũng chỉ đủ ăn, nói tới chuyện có dư thật khó. Huống hồ, vợ chồng anh lại không có thêm nghề tay trái nào, cũng không ai có việc gì thuê mướn. Khó khăn càng vây riết hơn khi hai con anh chị ngày một lớn. 
 
Theo chân bà con lối xóm, đã 4 năm nay, vợ chồng anh Nam tìm đến Sài Gòn kiếm sống. "Nói thật, ở đâu cũng không bằng quê mình, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi phải đi xa lập nghiệp. Chứ ở quê cứ ôm mấy sào ruộng ít ỏi, biết đời nào mới ngóc đầu lên nổi, sau này con mình lớn lên nữa..."- anh Nam chia sẻ.
 
Cùng ngồi chờ xe với chồng, chị Hoa- vợ anh Nam cho biết thêm, ở Sài Gòn dù làm việc rất cực nhọc nhưng được cái là có thu nhập hàng ngày nên cũng ham. Mỗi tháng trừ chí phí ăn ở cũng  dư dả chút đỉnh gửi về quê nuôi con cũng đỡ.
 
Đang ngồi nói chuyện cùng chúng tôi, chợt chiếc xe khách mang biển số 53M... ùa tới, vợ chồng anh Nam cùng những hành khách khác vội vàng xách hành lý lên xe. Trong làn bụi đường của chiếc xe khách để lại, anh Nam và những hành khách chỉ kịp ném về phía chúng tôi và người thân câu chào không rõ . Không biết, có phải vì bụi đường bay vào mắt hay không? hay vì nỗi buồn chia ly, mà chúng tôi thấy trong khóe mắt của những người ở lại chợt đỏ hoe.
 
Vào Nam kiếm sống là lựa chọn của nhiều người dân vùng nông thôn
Vào Nam kiếm sống là lựa chọn của nhiều người dân vùng nông thôn

 
Trong số lý do được những người “ly hương” đưa ra, phần lớn là vì gia đình không có đất sản xuất, việc làm không ổn định và thu nhập bấp bênh. "Cơn lốc ly hương" đã khiến nhiều địa phương vắng lặng. Có nơi chỉ còn người già và trẻ con ở quê. 
 
"Tết còn vui được vài ngày, chứ từ khoảng mùng 10 trở đi  là buồn hắt buồn hiu. Giá mà ở quê có công việc làm ổn định, không ai phải “tha phương” nữa thì hay biết mấy"- ông Trần Văn Hùng (70 tuổi) ở xã Phổ Cường (Đức Phổ) ngồi trước nhà buồn hiu nói.
 
Gia đình ông, con cái ai cũng đi làm xa hết, đứa thì lập nghiệp ở Sài Gòn, đứa thì ở Bình Dương, đứa ở Lâm Đồng chỉ còn cô con gái út ở quê, nhưng cũng đã lấy chồng, lâu lâu mới ghé về thăm vợ chồng ông một lần. 
 
Một sự nghiệt ngã trong sự được - mất của dòng chảy ly hương, nhưng vẫn phải chọn, bởi đồng ruộng ít, nghề phụ không, nhiều lao động chẳng còn cách nào, vẫn phải bước.
 
Giấc mơ "miền đất hứa"
 
Không có con số thống kê chính xác, nhưng Quảng Ngãi hằng năm ước tình có đến hàng chục nghìn người lao động vào Nam mưu sinh. Cứ nhìn vào tình trạng cháy vé tàu, xe vào mỗi dịp cuối năm như báo chí vẫn đưa hay tình trạng nhồi nhét khách trên những chuyến xe vào Nam những ngày đầu năm thì rõ. Miền Nam dường như trở thành “miền đất hứa” và như một cứu cánh thực sự cho lao động nghèo. 
 
Tâm lý thích đi xa cùng với mong muốn bỏ nghề nông cho đỡ vất vả nên rất nhiều thanh niên ở các vùng nông thôn đã chọn con đường "ly hương" để lập nghiệp. Có một tâm lý chung của những lao động trẻ xa quê mưu sinh ai cũng mong có lưng vốn kha khá thì về quê. 
 
"Thấy người ta đi về có tiền rủng rỉnh sắm sửa cái này cái kia, có người còn xây được nhà cho nên ai thấy cũng ham. Đây là lần đầu tiên mình theo anh chị vào Sài Gòn. Dẫu biết, cuộc sống nơi xứ người khó khăn, nhưng mình tin rằng, năm mới này, hy vọng mọi điều sẽ tốt đẹp"- trong ánh mắt của Nghĩa- một cậu thanh niên chúng tôi gặp ở bến xe Quảng Ngãi chia sẻ với chúng tôi đang nhen nhóm lên rất nhiều hy vọng.
 
Tại ga Quảng Ngãi, những ngày sau Tết mội ngày có hàng nghìn lượt người vào ra Bắc, vào Nam làm việc
Tại ga Quảng Ngãi, những ngày sau Tết mỗi ngày có hàng nghìn lượt người vào ra Bắc, vào Nam với nhiều hy vọng ở "miền đất hứa"
 
Song xem ra bài toán "ly hương" được giải theo nhiều cách và đáp số cũng rất khác nhau. Có người trở về có thể mua sắm ti vi, tủ lạnh, xe máy, nhưng cũng có nhiều người trở về không đồng xu dính túi. Chưa kể, ở “miền đất hứa”, người lao động còn phải đối diện với nhiều thiệt thòi, cực nhọc, cạm bẫy không được báo trước, thậm chí rơi vào bi kịch. 
 
Gánh nặng mưu sinh đã khiến không ít người phải rời quê xa xứ. Gặp, trò chuyện cùng họ, chúng tôi thêm thấu hiểu được sự vất vả, nhọc nhằn, chịu thương, chịu khó của họ nơi đất khách quê người. Chúng tôi, cầu chúc cho cố gắng của họ sẽ được đền đáp, ít ra cũng kiếm được chút vốn về quê làm ăn hoặc tìm được công việc ổn định tại quê nhà để mọi người được hưởng những cái Tết trọn niềm vui bên gia đình, không phải bận lòng vì gánh mưu sinh.
 
Đoàn tụ, vui vẻ trong những ngày Tết, rồi lại chia tay lên đường "ly hương" để tiếp tục cuộc sống mưu sinh như một cái vòng luẩn quẫn bám lấy người dân nghèo ở nhiều vùng quê trong tỉnh. 
 
Câu hỏi "Đến bao giờ người dân vùng nông thôn không còn cảnh ly hương và có thể kiếm sống, làm giàu từ chính mảnh đất quê hương mình?" vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp tại nhiều địa phương từ nhiều năm nay. 
 
Bảo Ngọc
 
 

.