Thu thuế tiểu thương doanh thu trên 100 triệu đồng/năm: Liệu có sự đồng thuận?

10:02, 07/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ ngày 1.1.2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế có hiệu lực thi hành. Trong đó, đáng chú ý là việc thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với các hộ kinh doanh cá thể theo hình thức khoán. Đây là điểm mới rất quan trọng, được ngành thuế đánh giá là khoa học, minh bạch, giảm chi phí… Tuy nhiên, trên thực tế triển khai thực hiện vẫn còn những ý kiến trái chiều.

TIN LIÊN QUAN

Làm thế nào để khoán chính xác?

Theo quy định mới của Luật Thuế sửa đổi, bổ sung thì hộ kinh doanh (HKD) có mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm đều phải nộp thuế TNCN tính trên tỷ lệ phần trăm trên doanh thu và không còn được giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc như trước đây. Điều này buộc phần lớn các HKD trước đây không phải nộp thuế TNCN thì nay phải nộp loại thuế này. Đây cũng là nguyên nhân làm cho hầu hết các HKD có mức thuế năm 2015 cao hơn so với mức thuế phải nộp năm 2014.

Theo cách tính thuế mới, các hộ tiểu thương có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm phải đóng thuế TNCN.
Theo cách tính thuế mới, các hộ tiểu thương có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm phải đóng thuế TNCN.


Tuy nhiên, trên thực tế, đặc thù của các HKD là buôn bán nhỏ lẻ và không có hóa đơn. Vì vậy, việc xác định chính xác lượng hàng bán ra mỗi ngày để làm căn cứ tính thuế cho cả tháng là rất khó. Thêm vào đó, với lực lượng cán bộ thuế mỏng như hiện nay, thì khó có thể kiểm soát doanh thu chi tiết của từng HKD cá thể. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu công bằng giữa các hộ làm ăn minh bạch, kê khai thuế trung thực và các hộ khai báo thấp hơn doanh thu thực tế.

Giải đáp về những khúc mắc trên, lãnh đạo Cục Thuế Quảng Ngãi cho rằng, do tính không chính xác nên các quy trình phải được thực hiện chặt chẽ. Trước hết, để ấn định doanh thu sẽ căn cứ trên quy mô, địa điểm kinh doanh, mặt bằng kinh doanh chung. Trước tiên, các hộ cá thể phải tự kê khai theo thực tế kinh doanh. Dựa trên con số này, cơ quan thuế có điều tra các ngành hàng tương đương, thông qua hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn. Sau đó chuyển về Cục Thuế, Cục sẽ cân đối mức thuế khoán cho hợp lý. Thực tế, không ai biết rõ hơn về doanh thu của từng hộ bằng những hộ kinh doanh liền kề, hộ kinh doanh cùng ngành, nghề trên địa bàn tổ dân phố, phường, xã, chợ và chính quyền cơ sở. Cục Thuế sẽ có nhiệm vụ xác định cân đối để đảm bảo việc ấn định doanh thu hợp lý, công bằng.

Bên cạnh những giải pháp trên, sau khi bộ thuế được duyệt và lập, cơ quan thuế tiếp tục thực hiện việc công khai quản lý thuế HKD trên trang thông tin điện tử 2 danh sách gồm: Danh sách HKD có mức doanh thu không phải nộp thuế (từ 100 triệu đồng/năm trở xuống) và danh sách HKD có mức doanh thu và số thuế khoán phải nộp theo từng địa bàn xã, phường, thị trấn để HKD cũng như các sở ngành và người dân biết, theo dõi nhằm đảm bảo mức thuế công khai, minh bạch, công bằng, phù hợp với quy mô, ngành nghề.

Vẫn còn những băn khoăn

Thông tin việc các HKD sẽ nộp thuế theo phương pháp khoán từ đầu năm 2015 sau khi được công bố đã lập tức trở thành tâm điểm chú ý của nhiều hộ kinh doanh cá thể. Đa số các tiểu thương tỏ ra băn khoăn đối với luật thuế mới. Anh Hồng Xương Quân, phường Chánh Lộ, TP.Quảng Ngãi cho rằng, người kinh doanh đa phần muốn chấp hành đúng các luật thuế. Tuy nhiên, mong muốn lớn nhất của người dân là phải bảo đảm tính công bằng. Bởi khi áp thuế theo phương pháp mới, nhiều HKD quy mô lớn sẽ nộp thuế ít hơn so với quy định cũ. Trong khi đó, các hộ kinh doanh nhỏ lại phải nộp thuế nhiều hơn do không còn được giảm trừ gia cảnh.

Những hộ kinh doanh ở vỉa hè, lòng lề đường có thu nhập cao, nhưng không phải đóng thuế.
Những hộ kinh doanh ở vỉa hè, lòng lề đường có thu nhập cao, nhưng không phải đóng thuế.


Ông Nguyễn Lộc, một hộ buôn bán bún riêu cua tại thị trấn Sơn Tịnh thì băn khoăn về việc xác định doanh thu để áp thuế khoán. Nếu tính theo kiểu chỉ cần có doanh thu khoảng 8,5 triệu đồng/tháng phải đóng thuế TNCN thì những người buôn bán nhỏ như ông sẽ khó khăn. Bởi biết bao nhiêu chi phí phải tính, nào tiền  bún, tiền thịt, tiền rau… rồi cả tiền trả cho người phục vụ nữa. Đây cũng là nỗi băn khoăn chung của nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ khác.

Hiện tại, trên toàn tỉnh có trên 16 nghìn hộ kinh doanh cá thể. Trong số này hộ doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm chiếm khoảng 10 nghìn hộ. Nếu tính doanh thu 100 triệu đồng/năm tức là tương đương doanh thu khoảng  280 ngàn đồng/ngày. Con số này là hoàn toàn có thể thực hiện được đối với nhiều hộ kinh doanh cá thể.  

Mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung thuế lần này của Quốc hội là nhằm đơn giản thủ tục hành chính thuế cho HKD, đơn giản cách tính mức thuế khoán, giảm các thủ tục về đăng ký khai người phụ thuộc, giảm trừ gia cảnh và hoàn thuế... Qua đó nó cũng đòi hỏi cơ quan thuế phải xác định doanh thu sát thực tế kinh doanh và ổn định để áp tỷ lệ tính thuế cho hộ kinh doanh đúng quy định; đảm bảo hài hòa an sinh xã hội và góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có tính hai mặt. Mặc dù, cách tính thuế suất toàn phần trên doanh thu, cá nhân có thể dễ dàng tự tính số thuế mình phải nộp cũng như hộ bên cạnh. Thế nhưng, đối với những hộ cá thể không đăng ký kinh doanh thì khó để xác định doanh thu, cũng như quản lý thuế. Vì vậy, để đảm bảo tính minh bạch, công bằng thì cơ quan thuế cần phải tránh tình trạng quản lý theo kiểu “nắm kẻ có tóc”. Đồng thời cần phải tăng cường vận động, tuyên truyền để người nộp thuế hiểu và thực hiện đúng các quy định của Nhà nước.

*Ông Nguyễn Văn Luyện - Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Ngãi: “Thuận lợi cho cả cán bộ thu thuế lẫn người nộp thuế”
 Việc thu thuế TNCN đối với hộ kinh doanh cá thể đang nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Tuy nhiên, thay vì phải kê khai nộp thuế theo quy trình khá phức tạp trước đây thì giờ đây các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm chỉ thực hiện nộp thuế TNCN theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.... theo phương pháp khoán ổn định trong một năm. Như vậy, cơ chế quản lý thuế mới sẽ đơn giản cách tính thuế, số thuế phải nộp, thuận lợi cho cả cán bộ thu thuế, lẫn người nộp thuế.

*Ông Nguyễn Hóa – Đội trưởng Đội thuế phường Nguyễn Nghiêm: “Khó đối những hộ kinh doanh phải thuê mặt bằng”
Đối với những hộ cá thể phải thuê mặt bằng để kinh doanh, một khi kinh doanh không thuận lợi, thu nhập không đủ so với chi phí bỏ ra sẽ gặp khó khăn trong việc đóng thuế. Mặc dù, Thông tư 156 đã quy định: Trường hợp hộ nộp thuế khoán tạm ngừng, nghỉ kinh doanh thì lập và gửi thông báo tạm ngừng, nghỉ kinh doanh và đề nghị miễn giảm thuế theo mẫu quy định đến cơ quan thuế trong khoảng thời gian 15 ngày trước khi tạm ngừng, nghỉ kinh doanh. Tuy nhiên, có những hộ kinh doanh thua lỗ đã tự bỏ địa điểm kinh doanh, dẫn đến thất thu cho ngân sách nhà nước.

*Bà Nguyễn Thị Lệ, chủ cửa hàng tạp hóa: “Cách tính thuế mới chưa có sự công bằng”
Những quán ăn vỉa hè, không tốn kém chi phí mặt bằng, điện nước, chỉ cần bán khoảng 15 tô bún mỗi ngày với giá bình quân mỗi tô 20 nghìn đồng là đã dư sức thu về cả chục triệu một tháng thì lại không chịu thuế. Trong khi chúng tôi buôn bán nhỏ lẻ, phải tốn chi phí thuê mặt bằng, thuê người, lợi nhuận không bao nhiêu thì lại phải chịu áp dụng mức thuế mới. Như vậy, liệu có công bằng?

*Ông Võ Hồng Dũng, phường Nguyễn Nghiêm, TP.Quảng Ngãi: “Cần có nhìn nhận khách quan, vì quyền lợi chung của xã hội”
Trong xã hội vẫn có những nghề “buôn nhỏ, lãi lớn” nhưng không phải chịu một nghĩa vụ nào đối với Nhà nước. Đặc biệt, với những người tận dụng vỉa hè, lòng đường để buôn bán, kinh doanh đang hưởng lợi từ nhiều nguồn… Và rất có thể, với chính sách thuế mới này, họ sẽ là đối tượng phải nộp thuế nên nguồn thu bị chia sẻ ít nhiều. Do đó việc nộp thuế có thể chưa đạt được sự đồng thuận trọn vẹn. Song, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận nhiều chiều bởi cách tính thuế mới này đã được Quốc hội lựa chọn, bảo đảm sự công khai, minh bạch, khoa học hơn.

*Bà Đặng Thị Việt Anh, phường Nguyễn Nghiêm: “Cần phải tính thuế cho cả những người buôn bán ở vỉa hè, lòng lề đường”
Mọi năm cứ trung bình một ngày, tôi bán vài trăm ký hành, tỏi. Những ngày Tết, con số tăng lên đến 2 tạ/ngày. Vậy mà bây giờ một ngày bán chưa được 10kg, như vậy lấy tiền đâu đóng thuế. Trong khi có hàng chục người ngồi ở lòng lề đường bên ngoài để buôn bán, chia sẻ hết khách hàng của tôi thì có doanh thu cao nhưng lại không phải đóng các loại thuế, phí gì. Tôi nghĩ, đóng thuế là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi công dân. Tuy nhiên, để cho công bằng, hợp lý thì tất cả hộ kinh doanh cá thể phải đóng thuế như nhau, kể cả những người buôn bán ở vỉa hè, lề đường.                         

 


Bài, ảnh: HỒNG HOA

                                        


.