Thực hiện các mô hình khuyến nông - khuyến ngư: Đầu xuôi nhưng đuôi khó lọt

07:05, 19/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mục tiêu của các mô hình khuyến nông - khuyến ngư (KNKN) là giúp nông dân tiếp cận với những phương thức canh tác mới, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ. Tuy nhiên, mục tiêu này lắm lúc chỉ dừng lại ở giai đoạn… trình diễn!

TIN LIÊN QUAN

Hồ hởi mô hình trình diễn

“Công nhận bắp trái to, hạt mẩy đều mà năng suất lại cao. Vụ hè thu tới, tôi phải tỉa giống bắp này mới được”, bà Đàm Thị Sương, ngụ thôn Hiệp Phú Bắc, xã Hành Trung (Nghĩa Hành) nói chắc nịch sau khi tham quan mô hình trình diễn giống bắp lai PAC339 và PAC999 do Trung tâm KNKN tỉnh tổ chức.

 

Giống bắp lai PAC339 mang lại niềm vui cho nông dân.
Giống bắp lai PAC339 mang lại niềm vui cho nông dân.


Quả thật, nhìn ruộng bắp phơi trái vàng tươi, cây ngay hàng thẳng lối, lại cho tới 5 tạ/sào thì không chỉ bà Sương, mà hàng trăm hộ dân có mặt đều trầm trồ và tin tưởng. Nhất là khi nó được Trung tâm KNKN tỉnh trồng thử nghiệm và giới thiệu những đặc tính ưu việt: Năng suất cao, ít ngả đổ, kháng bệnh và chịu hạn tốt. Thế nên, dù giá giống đến 115.000 đồng/kg nhưng những người chuyên trồng bắp như bà Sương vẫn không e ngại. Vì theo hạch toán của nông dân thì, với năng suất 5 tạ/sào, mỗi sào bắp lai cho 2,6 triệu đồng. Sau khi trừ tiền giống, phân bón và công chăm sóc, họ vẫn còn lãi 2 triệu đồng.

Cùng với hai loại bắp trên, giống lúa thuần OM8017 cũng khiến xã viên Hợp tác xã nông nghiệp (HTX) Châu Phú Điền, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) hào hứng. Bởi dù đã quá quen thuộc với việc trồng lúa, nhưng bà con xã viên HTX bảo rằng, chỉ loanh quanh với các giống Ải 32, TH6, Khang dân đột biến, Đồng văn 108…chứ dòng OM thì là lần đầu tiên. Hơn nữa, việc sản xuất lâu nay diễn ra theo kiểu “ruộng ai nấy làm” nên lượng giống, thời gian gieo sạ, loại phân bón cũng như tỷ lệ bón phân, thuốc phụ thuộc vào kinh nghiệm của mỗi người.

Tuy nhiên, khi tham gia mô hình trình diễn của Trung tâm KNKN, tất cả các hộ phải tuân thủ nguyên tắc 4 chung. Đó là chung giống, chung thời gian gieo sạ, chung các giải pháp kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và quản lý dịch hại IPM và chung thời gian thu hoạch. Nhờ những cái chung này mà vụ đông xuân vừa rồi, xã viên HTX Châu Phú Điền bội thu cả về năng suất lúa thuần (64,5 tạ/ha) và kỹ thuật sản xuất giống mới.
 

Trong giai đoạn 1993 - 2012, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã thực hiện thành công 22 mô hình trình diễn ở các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm sinh, ngư nghiệp và ngành nghề nông thôn; đào tạo 180 khuyến nông viên cơ sở và 160 dẫn tinh viên; hình thành 10 câu lạc bộ khuyến nông với hơn 300 hội viên tham gia.

 Khó khăn quá trình nhân rộng

Ngoài bắp, lúa, hệ thống KNKN tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình trình diễn trên mì, mía, bò, cây ăn quả… Nhờ vậy mà hiện giờ 80% nông dân đã sử dụng giống lúa kỹ thuật, tỷ trọng bò lai đạt trên 50%... Trong ngư nghiệp, hầu như 100% ngư dân lắp đặt máy dò ngang, trang bị đèn Eco trên tàu cá… Có điều không phải mô hình nào cũng “sống” để được nhân rộng; đơn cử như mô hình nuôi cá chình trên sông Trà, hay nuôi tôm hùm.

Xét về mặt kinh tế, hai đối tượng trên được xem rất có tiềm năng. Nhưng đó là khi nuôi…nhỏ lẻ vài lồng, chứ sản xuất trên quy mô lớn thì lại ế!. Nguyên nhân, giống vừa đắt (trên 350.000 đồng/con tôm hùm nhí) vừa khó tìm từ nguồn tự nhiên, điều kiện nuôi không cho phép, vì Quảng Ngãi hiếm có âu biển kín để nuôi tôm hùm, kỹ thuật sản xuất của người dân thấp…

Tuy nhiên, lý do chính khiến mô hình nuôi cá chình và tôm hùm chết dần chết mòn là bởi sản phẩm của chúng kén đối tượng phục vụ, kéo theo đầu ra bị tắc. Chẳng thế mà dù đã ra đời suốt một thời gian dài nhưng đến giờ, cá chình và tôm hùm cũng chỉ được vài hộ nuôi với quy mô nhỏ.

Trong khi đó, chương trình ứng dụng giống mới (lúa) vào sản xuất vẫn còn hạn chế khi có gần 20% nông dân, mà chủ yếu là ở khu vực miền núi chậm hoặc chưa sử dụng hạt giống kỹ thuật khiến năng suất vẫn lèo tèo ở mức 32 - 44 tạ/ha (trừ huyện Ba Tơ).

Theo đánh giá của Trung tâm KNKN tỉnh, rất nhiều mô hình trình diễn giống mới, kể cả giống lai, được hệ thống KNKN triển khai thực hiện ở 6 huyện miền núi. Có điều, việc nhân rộng khó thực hiện hoặc chậm được nhân rộng, thậm chí không thực hiện được. Nguyên nhân có nhiều, nhưng cốt lõi là do tập quán canh tác của nông dân. Bởi, “ngay cả người dân vùng lúa vẫn còn thích sạ dày, bón phân theo kiểu “phân nhiều tốt cây”, huống gì bà con miền núi”, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật Trung tâm KNKN tỉnh Nguyễn Thị Mến cho hay.

Trái với thảm cảnh “chết yểu” trên, mô hình trình diễn cây mì lại “cháy”. Lý do, biên độ phủ của mì từ miền núi đến đồng bằng, nhưng nó chỉ được ngành KNKN thực hiện mô hình tại một số địa phương trọng điểm như Sơn Hà, Bình Sơn… chứ ít được triển khai trên diện rộng. Điều này khiến việc nhân rộng bị bó hẹp vì nông dân thiếu thông tin nên ngại áp dụng, sợ rủi ro. Vì nói như bà Nguyễn Thị Mẫn, người trồng mì ở xã Đức Minh (Mộ Đức) thì: “Nhiều giống mì mới cho năng suất cao hơn KM94 nhưng vì nó chưa được cán bộ giới thiệu, hướng dẫn nên tôi không dám trồng”.

 Rõ ràng, điều nông dân cần ở các mô hình KNKN không chỉ xem trình diễn cho biết, mà là “hậu trình diễn” có hiệu quả hay không. Cụ thể là sản phẩm của mô hình có được người tiêu dùng chấp nhận?. Bởi nếu sản phẩm không được thị trường chấp nhận thì dù sẵn vốn, thừa kỹ thuật, nông dân vẫn không mặn mà với mô hình. Việc nhân rộng vì thế cũng sẽ bị tắc ngay sau khi mô hình kết thúc nhiệm vụ trình diễn!.

* Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long Võ Đình Tiến: “Thay đổi thói quen sản xuất của nông dân”. Không nặng vấn đề đầu ra nhưng các mô hình sản xuất lúa, mì rất khó được nhân rộng ở các địa phương miền núi. Lý do, nông dân mà chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số không chịu thay đổi thói quen sản xuất cố hữu lâu nay, dù cán bộ khuyến nông đã nằm vùng, trực tiếp cầm tay chỉ việc. Do đó, chủ trương của huyện là ưu tiên vốn để thực hiện và duy trì việc trình diễn mô hình, giúp người dân nhìn, thấy và thay đổi dần quan niệm. Làm sao để khi cán bộ khuyến nông rút, nông dân cũng không “quên” những gì đã được tìm hiểu và tiếp cận.

* Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Ngô Hữu Hạ: “Tạo việc cho khuyến nông viên (KNV)”. Nhiều chương trình, dự án KNKN về đến xã là…đứt vì không có người tiếp nhận, thực hiện và chuyển giao. Lý do là KNV cấp xã, chủ yếu ở khu vực miền núi đã hạn chế chuyên môn, lại không mặn mà với công việc vì chế độ phụ cấp quá thấp. Đã thế, một số địa phương cho rằng KNKN là việc riêng của ngành KNKN nên ít quan tâm, thậm chí “khoán trắng” việc tổ chức thực hiện cho KNV. Thế mới có chuyện trình diễn xong, mô hình chết vì hết được hỗ trợ vốn, kỹ thuật, nên nông dân ngại tốn kém chi phí sản xuất, cũng như tính hiệu quả.

* Ông Võ Công Thanh, xóm Mới, xã Bình Trung (Bình Sơn): “Không bán được sản phẩm thì nhân rộng mô hình sản xuất để làm gì ?”. Mô hình trình diễn lúc nào cũng hấp dẫn. Nào là giống cây trồng tốt, năng suất cao, sản phẩm được thị trường ưa chuộng... nhưng đó là lúc chúng tôi sản xuất để…ăn, chứ bán thì chỉ được lúc đầu, sau chẳng ai thèm mua. Vậy nên trước khi làm mô hình, tôi nghĩ ngành chức năng cần xem xét kỹ đầu ra sản phẩm cho nông dân. Chứ đừng trình diễn xong rồi…bỏ, phí lắm!.

* Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp La Hà (Tư Nghĩa) Nguyễn Mậu Đông: “Nông dân cần được hỗ trợ vốn, nhất là nguồn vốn vay ưu đãi”. Nếu không có những mô hình trình diễn của ngành KNKN thì chưa hẳn nông dân biết dùng hạt giống kỹ thuật, rồi áp dụng các biện pháp chăm sóc IPM để có được năng suất lúa trên 65 tạ/ha như bây giờ. Hiệu quả là thế, nhưng nhiều mô hình KNKN lại không thể nhân ra diện rộng vì thiếu kinh phí. Bởi, ngành KNKN chỉ hỗ trợ nông dân giai đoạn trình diễn, còn “hậu trình diễn” thì bà con phải tự thân vận động. Điều này khiến họ gặp khó vì thiếu  vốn.

 

Bài, ảnh: Mỹ Hoa

 


.