(Báo Quảng Ngãi)- Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo tinh thần Nghị quyết 30a về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững triển khai tại Quảng Ngãi từ năm 2009. Sau 5 năm thực hiện, 6 huyện nghèo của tỉnh đã có thêm nguồn lực để phát triển toàn diện. Cơ hội tốt ấy đã được nắm bắt, triển khai thế nào cho hợp lý, khoa học, hiệu quả vẫn là bài toán thiếu lời giải hay.
5 năm, vốn từ Chương trình 30a đầu tư cho 6 huyện nghèo Quảng Ngãi gần 1.400 tỷ đồng. Số tiền ấy được chia ra nhiều hợp phần nhưng chủ yếu tập trung cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhiều công trình tiền tỷ đã mọc lên từ nguồn vốn này với kỳ vọng đổi đời cho vùng nghèo. Song thực tế không phải tất cả đều đạt như kỳ vọng.
Trường, đường, trạm “chuẩn” từ vốn 30a
Khi được phân bổ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng theo Chương trình 30a, 6 huyện nghèo của Quảng Ngãi gồm: Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ đều ưu tiên tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng như giao thông, điện thắp sáng, trường lớp học, trạm y tế, trường dạy nghề. Thực sự, nguồn vốn 30a đã giúp nhiều địa phương của các huyện nghèo “chạm” vào một số tiêu chí “chuẩn” về điện, đường, trường, trạm của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “làm đâu chuẩn đấy”, các huyện nghèo đã dùng nguốn vốn 30a đầu tư xây các trạm y tế, đường giao thông, điện thắp sáng, trường học đạt chuẩn, phục vụ nhu cầu dân sinh thiết yếu tại địa phương, đồng thời kết hợp “lên chuẩn” nông thôn mới về điện, đường, trường, trạm.
Đường giao thông miền núi Sơn Tây được đầu tư từ nguồn vốn 30a. Ảnh: TN |
Chủ tịch UBND xã Thanh An (Minh Long) Đinh Dông giới thiệu Trạm y tế xã vừa khánh thành, đưa vào sử dụng và cho biết: “Trạm y tế to đẹp nhất huyện đấy! Xây theo chuẩn y tế quốc gia. Trang thiết bị còn thiếu chút ít nhưng không sao, sẽ đề nghị trang bị dần dần”.
Cùng với định hướng của Minh Long, huyện Sơn Tây cũng đã dùng vốn 30a đầu tư xây dựng 4 trạm y tế đạt chuẩn về cơ sở hạ tầng. Thời gian tới, huyện vẫn thực hiện mục tiêu này, nhằm từng bước góp phần chuẩn hóa y tế cơ sở, vừa chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn.
Vẫn còn những bất cập
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng từ vốn 30a phải “đạt chuẩn” là cách làm hợp lý, có tính toán lâu dài. Thế nhưng, việc phát huy hiệu quả hiện tại một số công trình vẫn chưa rõ rệt do thiếu đồng bộ. Trạm y tế “chuẩn” dường như chỉ mới chuẩn về phòng ốc, còn trang thiết bị, bác sĩ thì nhiều nơi vẫn còn nằm trên… giấy!
Đường to nhưng có những tuyến “phóng” về khu cheo leo, dân cư thưa thớt, trong khi nhiều nơi đường cần làm lại, làm mới phục vụ nhu cầu bức thiết thì lại chưa được ưu tiên thực hiện trước. Thậm chí có không ít tuyến đường đổ vào hàng chục tỷ đồng vốn 30a nhưng gia hạn mãi vẫn chưa hoàn thành, gây bức xúc trong nhân dân.
Tại huyện Sơn Hà, từ năm 2009 – 2013, được UBND tỉnh phân khai gần 160 tỷ đồng vốn 30a đầu tư xây dựng 49 công trình và hạng mục công trình cơ sở hạ tầng. Hiện đã đưa vào sử dụng 42 công trình, các công trình còn lại đang trong giai đoạn hoàn thành hồ sơ nghiệm thu, thanh quyết toán. Tuy nhiên, trong 49 công trình và hạng mục công trình này có những công trình vốn đầu tư lớn trong khi sự bức xúc cần thiết có thể chưa bằng một số công trình khác. Đơn cử như Trung tâm dạy nghề huyện Sơn Hà, số vốn hơn 37 tỷ đồng được trích trong tổng số gần 160 tỷ đồng của cả “chặng đường 5 năm” xây dựng hạ tầng từ Chương trình 30a của toàn huyện. Cơ sở thênh thang nhưng thực tế từ ngày đưa vào hoạt động đến nay mới chỉ tổ chức vỏn vẹn được vài lớp nghề cho lao động nông thôn. Điều đáng nói là các học viên sau khi học xong nhiều người vẫn chưa tìm được việc làm.
Còn tại huyện Tây Trà, năm 2014, nguồn vốn 30a xây dựng hạ tầng hơn 12 tỷ đồng. Huyện ưu tiên đầu tư cho 4 công trình điện, thủy lợi nhưng trong đó lại bị “trùng” 1 công trình với công trình trước đó đã xây dựng. Đó là công trình thủy lợi Suối Thơ (Trà Nham), vốn 4,5 tỷ đồng. Thay vì đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư công trình thủy lợi Suối Tiên trên địa bàn xã Trà Nham, số vốn 4,5 tỷ đồng thực hiện trong năm 2014, nhưng cơ quan chức năng huyện Tây Trà lại đề xuất “nhầm” công trình Suối Thơ! Trong khi công trình này đã hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2013 rồi!
Cũng tại huyện Tây Trà, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn 30a cũng còn nhiều việc phải bàn. Mặc dù đây là huyện nghèo nhất tỉnh, nhu cầu làm đường giao thông bức xúc nhất tỉnh nhưng nhiều con đường lớn theo cả khối lượng lẫn vốn nhưng sau nhiều năm vẫn dở dang. Điệp khúc chậm tiến độ diễn ra triền miên, thậm chí là nhà thầu ôm vốn tạm ứng “tháo chạy” bỏ lại công trình ngổn ngang công việc. Đơn cử như tuyến đường Trà Phong - Gò Rô– Trà Bung có tổng số vốn đầu tư 47 tỷ đồng từ nguồn vốn 30a. Nhà thầu Thiên Vũ trúng gói thầu trị giá 18,7 tỷ đồng; thực hiện được khoảng 30% khối lượng của gói thầu thì nhà thầu này dừng thi công rồi ôm 5,1 tỷ đồng… “lặn” mất!
Tại huyện Trà Bồng, năm 2009 triển khai thực hiện dự án đường Trà Phú – Trà Giang, tổng vốn hơn 11,2 tỷ đồng, từ nguồn Chương trình 30a. Nhà thầu Thiên Vũ trúng gói thầu trị giá hơn 6,8 tỷ đồng, đã tạm ứng hơn 4 tỷ đồng, tương đương 60% giá trị hợp đồng; thi công chỉ đạt 35% khối lượng rồi bỏ dở không thi công nữa… Hai huyện Tây Trà, Trà Bồng đang khởi kiện đòi lại vốn 30a – đã bị nhà thầu này chiếm dụng nhưng chưa có kết quả.
Nơi nguồn vốn 30a được phát huy
Trong 6 huyện nghèo của Quảng Ngãi, thì huyện miền núi Minh Long có diện tích nhỏ nhất, dân cư cũng ít nhất. Vì thế suất đầu tư cho Minh Long từ nguồn 30a dĩ nhiên là cũng thấp hơn 5 huyện còn lại. Tuy nhiên, với cách làm “liệu cơm gắp mắm”, huyện Minh Long đã có nhiều con đường đẹp, trường to, trạm y tế chuẩn.
Trạm y tế xã Thanh An (Minh Long) đạt chuẩn được đầu tư từ nguồn vốn 30a. |
Ông Võ Đình Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long cho biết: Mỗi năm Minh Long được phân khai khoảng 25 tỷ đồng vốn 30a để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Giai đoạn 2013 – 2015, huyện có được 75 tỷ đồng để đầu tư điện, đường, cầu cống, trạm y tế, khu tái định cư cho dân vùng có nguy cơ sạt lở. Năm 2013, Minh Long đã hoàn thành 5 trong 9 công trình, gồm: Đập thủy lợi Hát Lê, cầu Thanh Mâu, đường Hát Nhiêu – Ruộng Gò, nhà văn hóa, trạm y tế xã Thanh An. Hiện còn 4 công trình đang triển khai, sắp hoàn thành, gồm: Trạm y tế Long Mai, đường trung tâm y tế - ngã ba Ông Tiến; đường Suối Tía, cầu Tịnh Đố. Tất cả các công trình 30a đều được ban giám sát đầu tư cộng đồng tham gia giám sát thi công. Qua đó, phát hiện kịp thời sai sót của đơn vị thi công, đề nghị điều chỉnh, tránh tình trạng “rút ruột công trình”.
Phải khẳng định rằng, Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững là chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, tạo điều kiện để các huyện nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Thế nhưng, do nguồn vốn phân khai ít so với kế hoạch đề ra cộng với cách đầu tư chưa thực sự khoa học, thực tế, đã khiến không ít công trình, hạng mục công trình chưa phát huy hiệu quả. Một số nơi khi được phân cấp quản lý vốn 30a do trình độ hạn chế đã rơi vào lúng túng, quản lý thiếu chặt chẽ, gây thất thoát, lãng phí. Tăng cường quản lý nguồn vốn 30a khoa học, hợp lý, hiệu quả là đòi hỏi bức thiết để chặng đường còn lại của chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đến năm 2020 đang đặt ra đối với 6 huyện nghèo và Ban chỉ đạo 30a của tỉnh.
*Ông Võ Đình Tiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long: “Ưu tiên đầu tư thực hiện công trình dân sinh bức thiết, vốn không quá lớn” Công trình nào bức thiết đầu tư trước. Khi đã quyết định đầu tư thì chủ đầu tư phải tăng cường giám sát tiến độ, chất lượng, đảm bảo đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Việc đầu tư cũng không nên chọn công trình có số vốn quá lớn, tránh tình trạng “vốn nhiều năm đổ vào một công trình”. Với công trình vốn lớn nên xem xét lồng ghép nhiều nguồn, để có thể đảm bảo kết quả, hiệu quả đầu tư. *Ông Nguyễn Chí Tuyển – Trưởng Ban Dân chủ Pháp luật UB MTTQVN tỉnh: “Tăng cường giám sát đầu tư cộng đồng công trình vốn 30a” Hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng đối với công trình, dự án từ tiền Nhà nước, đặc biệt là vốn 30a là rất cần thiết. Nếu người dân nắm vững các quy định về giám sát đầu tư cộng đồng sẽ kịp thời đóng góp cho chủ đầu tư ngay từ khi dự án được phê duyệt, triển khai thực hiện. Khi xét thấy dự án chưa phù hợp có thể kiến nghị với cấp thẩm quyền xem xét lại việc đầu tư. *Bà Đinh Thị Vun – Bí thư Chi bộ thôn Ra Manh (Sơn Long, Sơn Tây): Cần ưu tiên đầu tư xây dựng đường, điện Xã Sơn Long mới chia tách nên nhiều khu dân cư vẫn chưa có đường giao thông, điện thắp sáng. Vì thế, khi được cấp vốn 30a phục vụ cho công tác giảm nghèo, chính quyền nên xem xét đầu tư xây dựng đường, điện để nhân dân có thêm điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế. Nếu không có đường, cuộc sống mãi cứ phải thắp đèn dầu thì không thể nói đến xóa nghèo được. *Ông Đinh Văn Loan – cựu chiến binh xã Sơn Lập (Sơn Tây): Xây dựng đập thủy lợi đưa nước về đồng ruộng. Bà con vùng cao rất quý ruộng lúa nước. Thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt, nguồn nước cạn kiện dần, nắng hạn gia tăng, nên việc canh tác gặp nhiều khó khăn. Vì thế Nhà nước cần ưu tiên đầu tư xây dựng đập thủy lợi cung ứng nước tưới cho lúa, để bà con có gạo đủ ăn quanh năm. *Bà Đinh Thị Xây, thôn Tà Pa, xã Sơn Thượng (Sơn Hà): Xây dựng thêm nhà văn hóa khu dân cư Đời sống văn hóa sinh hoạt cộng đồng của bà con dân tộc thiểu số vùng cao hiện vẫn còn nhiều thiếu thốn, thiệt thòi. Nhiều khu dân cư chưa được xây dựng nhà văn hóa nên không có chỗ đàng hoàng để sinh hoạt, hội họp, tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, mong rằng khi có tiền, Nhà nước cần xây cho mỗi khu dân cư một nhà văn hóa. |
Bài, ảnh: Thanh Nhị