(Báo Quảng Ngãi)- Cây xanh đường phố, thảm cỏ, hoa kiểng trong công viên, khu dân cư (KDC), khu công nghiệp… là một nhu cầu cấp thiết của người dân thành phố Quảng Ngãi và các thị trấn, thị tứ trong tỉnh, vì đây được xem là lá phổi không thể thiếu nếu muốn phát triển bền vững. Những năm qua, thành phố các huyện trong tỉnh đều quan tâm đến lĩnh vực này, song do chưa có một tầm nhìn chiến lược lâu dài nên tiêu chí cây xanh trong đô thị và các thị trấn, thị tứ trong tỉnh vẫn chưa đạt yêu cầu trong quá trình phát triển.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cứ vào dịp Tết đến, Xuân về, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đều tổ chức ra quân Tết trồng cây tại các KDC, tuyến phố trong tỉnh… nhằm tạo môi trường sống hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Tuy nhiên, hoạt động này chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Tỷ lệ cây xanh còn khiêm tốn
Ngày hè nóng bức, những tuyến đường được cây xanh phủ bóng mát sẽ làm cho người đi đường dễ chịu hơn. Tuy nhiên, ở TP.Quảng Ngãi, nhiều tuyến phố, do vỉa hè hẹp, hoặc hộ kinh doanh, buôn bán lấn chiếm, không muốn cây xanh trồng trước cửa nên tìm mọi cách làm cho cây xanh không thể phát triển. Trong đó phải kể đến đường Quang Trung (đoạn Nguyễn Nghiêm đến trước Trường THPT Trần Quốc Tuấn; đường Nguyễn Nghiêm (đoạn Quang Trung - Nguyễn Bá Loan)... chỉ lác đác vài cây sống “lay lắt”. “Khu vực này là địa điểm buôn bán sầm uất của thành phố nên Xí nghiệp Công viên cây xanh trồng cây nào đều bị bức tử cây đó. Nguyên nhân do người dân sợ cây xanh mọc lên sẽ che chắn tầm nhìn bảng hiệu làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh buôn bán…”-một công nhân Xí nghiệp Công viên cây xanh cho biết.
Thảm cây xanh trước Bệnh viện đa khoa tỉnh. Ảnh: BS |
Nhiều KDC mới ở các thị trấn, thị tứ cũng lâm vào tình trạng này, như KDC Soi Đông Dương (Sơn Tịnh), Trường Xuân, Khu tái định cư Phạm Văn Đồng ở TP.Quảng Ngãi, KDC Đồng Xít ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành)…Do phần lớn các KDC này đều được xây dựng theo phương án lấy đất đổi cơ sở hạ tầng nên các chủ đầu tư đều tiết kiệm tối đa quỹ đất dành cho cây xanh để có thêm diện tích chuyển nhượng. Vì thế, nhiều nơi không có vỉa hè, nơi có thì quá nhỏ nên khó có thể trồng cây xanh tạo bóng mát. Một vài nơi dành quỹ đất để làm công viên mi ni, vườn hoa nhưng lại rơi vào tình cảnh không có tiền nên người dân tận dụng trồng rau, hoa màu hoặc bỏ hoang. Do đó, nhiều KDC trở nên ngột ngạt, oi bức vào mùa hè, vì bốn bề đều là bê tông cốt thép.
Bên cạnh một số đoạn đường trên các tuyến phố chính như: Quang Trung, Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Phạm Văn Đồng, Hai Bà Trưng,… đã được phủ bóng mát bởi cây sao đen, sấu, bằng lăng, dầu, đuôi công thì hiện vẫn còn nhiều tuyến phố hàng năm đều được trồng nhưng do chăm sóc, bảo vệ chưa tốt nên tỷ lệ cây sống và phát triển không nhiều. Tuy vậy, tỷ lệ cây xanh ở thành phố Quảng Ngãi vẫn còn khiêm tốn so với tiêu chí của đô thị loại III chứ chưa nói là đô thị loại II. Hiện thành phố Quảng Ngãi có 9.000 cây xanh được trồng ở các tuyến đường. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tỷ lệ cây xanh theo đầu người chỉ đạt hơn 2m2/người. So với tiêu chuẩn của đô thị loại 3 và sắp tới là đô thị loại 2 (9 - 11m2/người) thì tỷ lệ trên là quá thấp.
Chưa xác định được cây bản địa
Nhiều tuyến đường có cây xanh, nhưng cây trồng chưa phù hợp như trước Bệnh viện đa khoa tỉnh trồng xà cừ rất dễ ngã đổ khi có bão. Bên cạnh đó, cây trồng không đồng nhất về kích thước và chủng loại nên cây thì to, cây thì nhỏ chưa đảm bảo mỹ quan đô thị. Hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, vỉa hè lồi lõm luôn có đường điện phía trên nên cây bị chặt ngọn. Nhiều loại cây không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất nên chưa phản ánh được đặc trưng của không gian đô thị.
Ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn), thị trấn Sơn Tịnh (Sơn Tịnh), thị trấn Đồng Cát (Mộ Đức), thị trấn La Hà, Sông Vệ (Tư Nghĩa) và thị trấn Đức Phổ đang trên đà phát triển lên thị xã trực thuộc tỉnh vào năm 2015... đều có tỉ lệ cây xanh rất thấp. Tuyến đê bao bắc sông Trà Khúc lại trồng cây xà cừ nên thường xuyên bị ngã đổ vào mùa mưa bão…
Trồng cây xanh trong thị trấn, thị tứ và đô thị thành phố Quảng Ngãi là cần thiết nhưng đồng thời phải làm tốt việc chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Bởi lẽ, ý thức bảo vệ cây xanh của một bộ phân dân cư còn kém, mỗi năm có trên 50 cây xanh bị bức tử. Sự phối hợp bảo vệ, xử lý trường hợp vi phạm còn nhiều bất cập thiếu cương quyết. Việc trồng cây xanh ở KDC, khu tái định cư còn chậm, dẫn đến người dân trồng cây xanh tự phát. Do đó, việc chọn loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, cảnh quan và văn hóa của người dân là một yếu tố quan trọng. Các cấp chính quyền cần có chế tài mạnh trong việc xử lý người xâm hại đến cây xanh, hoa, kiểng.
Chị Huỳnh Thị Lan, phường Quảng Phú cho rằng, đường Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Quang Trung… cây xanh trồng chưa đồng nhất, cần thay thế cây bàng, viết, phượng vĩ bằng các loại cây cổ thụ như dầu, sao, lim; cây tán thấp như me, bằng lăng… "Quảng Ngãi thường chịu bão gió nên các loại cây được trồng cũng cần lựa chọn cho phù hợp. Sau khi trồng phải có biện pháp theo dõi chăm sóc, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển của cây”- chị Lan kiến nghị.
Cây xanh đô thị không chỉ có giá trị về môi trường, sức khỏe người dân mà còn góp phần tạo nên không gian văn hóa, phản ánh trình độ văn minh của một đô thị. Chính vì vậy, việc quy hoạch, trồng cây xanh ở thành phố Quảng Ngãi nói riêng, các thị trấn, thị tứ trên địa bàn tỉnh nói chung là việc cấp bách, cần làm ngay.
*Ông Phạm Tấn Hoàng - Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi: Theo xu hướng hiện nay là đưa cây xanh vào đô thị, KDC theo dạng nhà trong vườn với không gian cây xanh tương đối lớn. Trong đó, vấn đề đất cho cây xanh phải đảm bảo tỷ lệ tương ứng. Bởi, các dự án KDC, khu vực quan trọng trên địa bàn tỉnh đều quy hoạch tỷ lệ cây xanh theo quy chuẩn ở mức tối thiểu 2m2/người. Vấn đề trồng cây gì cho phù hợp với môi trường, thổ nhưỡng để có tính bền vững, tạo mỹ quan đô thị và không lỗi thời cũng được Sở góp ý kiến. Tuy nhiên, ở nhiều dự án, tiêu chí đô thị có, nhưng diện tích cây xanh, thảm thực vật, kể cả mặt nước,… chủ dự án để lại không đảm bảo. *Ông Phạm Thanh Tùng - Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức: Phương châm của huyện là trồng cây xanh phù hợp với địa hình KDC, đô thị và cụm công nghiệp - làng nghề. Những tuyến đường lớn, huyện trồng sao đen, móng bò. Riêng ở cụm công nghiệp, sau khi trồng, huyện giao cho doanh nghiệp quản lý, chăm sóc theo hình thức xã hội hóa, nên tỷ lệ sống gần như 100%. Còn ở thị trấn Đồng Cát huyện giao Hạt quản lý đường bộ quản lý, chăm sóc nên cây phát triển tốt. Hưởng ứng Tết trồng cây năm nay, huyện giao cho các xã tự chọn địa điểm, loại cây trồng trên các trục đường, KDC, công sở… *Ông Trần Đình Trường - Phó phòng Quản lý đô thị TP.Quảng Ngãi: Trước đây, Sở Xây dựng có quy hoạch trồng cây xanh trên thành phố, nhưng chiếu theo thực tế có nhiều bất cập, dẫn đến nhiều tuyến phố các cây: Bàng, xà cừ, phượng là cây rễ nhô lên khỏi mặt đất làm hỏng vỉa hè, dễ ngã đổ. Còn cây viết là loại cây tuổi thọ ngắn, hay bị sâu đục thân. Cây xà cừ tán nặng, dễ ngã đổ không phù hợp trồng trên đường phố. Hiện TP đang tiến hành thay thế cây xanh một số tuyến đường cho phù hợp với khí hậu và mỹ quan. Bên cạnh đó, xây dựng hạ tầng dây điện có chiều cao trên 12m vượt lên trên. Về lâu dài, thành phố đầu tư hệ thống tuynel kỹ thuật đi ngầm cho điện chiếu sáng, điện thoại, cấp nước tránh ảnh hưởng đến cây xanh… *Ông Lê Cao Thanh - Giám đốc XN Công viên cây xanh Quảng Ngãi: TP.Quảng Ngãi là đô thị thường xuyên chịu ảnh hưởng của gió bão nên không thể trồng các loại cây cổ thụ như các thành phố khác. Vì thế, hầu hết các loại cây được trồng đều có đặc điểm là có chiều cao và đường kính trung bình như sao đen, sấu,… và một số loại cây mới như osaka, me, lộc vừng. Việc trồng các loại cây như thế muốn phát triển tốt thì thời gian chăm sóc khá lâu, tốn nhiều thời gian và công sức. Nhưng, để có cây xanh cho bóng mát thì phải chấp nhận đầu tư nhiều hơn chứ không thể trồng các loại cây lớn như các thành phố ở các tỉnh khác được. *Ông Phạm Hồng Cư - Phường Chánh Lộ: Việc quản lý cây xanh đô thị hiện mới chỉ quản lý hiện trạng, chứ chưa có kế hoạch phát triển đồng bộ. Bộ mặt cây xanh, công viên của thành phố cũng chưa đẹp như các tỉnh, thành phố khác. Vì vậy, thành phố cần quy hoạch tổng thể cho việc phát triển cây xanh đô thị để quản lý thuận lợi. Tôi nghĩ, tỉnh nên có kế hoạch đầu tư xây dựng công viên của thành phố thật quy mô, xứng tầm với bộ mặt đô thị loại II. Bên cạnh đó, mỗi phường cần có một công viên mi ni được đầu tư trồng, chăm sóc cây xanh bài bản. Bởi, công viên không chỉ là “lá phổi xanh” của thành phố, mà còn là chỗ vui chơi, giải trí của người dân... |
Bá Sơn – Xuân Thiên