(QNg)- Ý nghĩa to lớn của phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" được xã hội đánh giá cao. Thế nhưng thực tế ở nhiều địa phương, phong trào này chỉ rộ lên khẩu hiệu, thiếu tinh thần cộng đồng trách nhiệm, dẫn đến mỗi ngày đến trường đối với học sinh còn "đeo đuổi" nỗi buồn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" được Bộ GD&ĐT triển khai cách đây 4 năm. Đây là thời điểm ngành giáo dục cả nước đánh giá sơ kết quá trình thực hiện phong trào, để từ đó rút kinh nghiệm triển khai đạt hiệu quả cao hơn trong những năm tới. Đây là phong trào được đánh giá là có tầm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục thuộc tốp đầu. Tiếc rằng, phong trào vẫn còn bị "xem nhẹ" ở nhiều nơi.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hà Thị Anh Thư trao học bổng "Ngăn dòng bỏ học" giúp học sinh nghèo tiếp bước đến trường. |
Vùng cao gặp khó
Chuyện học sinh Trường THCS Sơn Mùa (Sơn Tây) đột ngột "biến mất" trong giờ học khiến cánh nhà báo chúng tôi không khỏi bất ngờ. Lớp học có khá đông học sinh, thế nhưng sau vài phút trao đổi với hiệu trưởng ở phòng kế bên, quay trở lại chúng tôi bất ngờ vì chỉ còn lác đác học sinh ngồi học với khuôn mặt ngơ ngác buồn. Một giáo viên giải thích: "Chuyện thường xảy ra đấy mà. Đường đến trường rất vất vả, nhưng các em học đến giữa buổi lại trốn về vì… đói". Tội cho học trò vùng cao, con đường đến trường chẳng những chông chênh vì sỏi đá, ghềnh thác, mà còn bị "đứt quãng" bởi không đủ ăn. Chắc hẳn những ai tâm huyết với sự nghiệp giáo dục không khỏi xót xa khi hay chuyện trốn học vì đói của học trò vùng cao.
Không riêng gì ở Trường THCS Sơn Mùa, mà đối với hầu hết học sinh ở miền núi, con đường đến trường rất đỗi gian truân. Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" cũng đến với thầy và trò nơi đây. Song, cái khó đã "níu chân" học sinh và nhà trường, khiến cả hai khó bề thực hiện tốt tiêu chí "thân thiện" và "tích cực". Mỗi lần gặp đồng chí Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Lê Hoài Thạnh, chúng tôi bắt gặp ở ông nỗi lo cho sự nghiệp giáo dục ở huyện vùng cao này. "Chỉ có cách xây dựng nhà ở bán trú thôi. Chỉ có thế các em mới yên tâm học tập tích cực" - ông Thạnh giãi bày. Chuyện học ở vùng cao từ lâu khiến ngành giáo dục đau đầu. Khó khăn này riêng ngành giáo dục chẳng tài nào có thể tháo gỡ. Đây là một trong những vướng mắc lớn ở vùng cao trên bước đường xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
Ở đồng bằng nhiều nơi lơ là
Cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên của không ít trường học thuộc khu vực đồng bằng tỏ ra e ngại xen lẫn nỗi trăn trở khi nói đến cụm từ "thân thiện" và "tích cực". Một giáo viên ở huyện Sơn Tịnh, lắc đầu bảo: "Làm sao không ngại khi trường học nhà vệ sinh không đảm bảo và thiếu phòng học". Không chỉ ở Sơn Tịnh mà hiện nay nhiều trường học trong tỉnh không đảm bảo tiêu chí nhà vệ sinh. Chuyện thật như đùa là nhiều giáo viên và học sinh không quên giải quyết nhu cầu đại tiện, tiểu tiện trước khi đến trường. Hôm nào "lỡ" thì cố "nín", hoặc chịu không thấu thì "đi ké" nhà dân. Lý do là nhà trường không có nhà vệ sinh, thậm chí có nhà vệ sinh nhưng quá bẩn và không có công trình nước sạch. Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh có 456 công trình hợp vệ sinh/662 trường có công trình vệ sinh. Số còn lại vẫn là nỗi ám ảnh đối với học sinh và giáo viên.
Ở nhiều trường học "chình ình" khẩu hiệu "Thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", thế nhưng, bộ mặt nhà trường lại vô cùng nhếch nhác. Chăm sóc di tích văn hóa, lịch sử là tiêu chí không kém phần quan trọng trong nhóm tiêu chí để đánh giá việc thực hiện phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Mục đích của tiêu chí nhằm giáo dục cho học sinh tình yêu quê hương, yêu đất nước. Ở TP Quảng Ngãi và nhiều nơi khác trong tỉnh có những di tích lịch sử-văn hóa, thậm chí là di tích cấp quốc gia đang trong tình trạng bị… bỏ hoang. Thế mà cán bộ làm công tác quản lý giáo dục ở địa phương bảo rằng, số lượng trường học đông trong khi ít di tích nên không có công trình để nhận cho học sinh chăm sóc. Sự "hớ hênh" này quả thật đáng buồn. Hiện tại toàn tỉnh chỉ có 51/186 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh được các trường nhận chăm sóc. Tiêu chí này trong phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" ở nhiều nơi vẫn còn bị xem nhẹ.
Cộng đồng trách nhiệm
Báo cáo với lãnh đạo Bộ GD&ĐT, ông Thái Văn Đồng-Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, 100% trường mầm non, phổ thông trong tỉnh đăng ký tham gia thực hiện phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Cái hay của phong trào như thể lực hút của nam châm "kéo" những người thật sự tâm huyết với sự nghiệp giáo dục lại gần nhau, cùng chăm lo cho sự nghiệp đóng vai trò là quốc sách.
Học sinh Trường MN Nghĩa An (Tư Nghĩa). |
Phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" đã trở thành lực đẩy cho sự phát triển của không ít trường học trong tỉnh. Cây xanh mọc lên nhiều hơn ở sân trường. Trường lớp ngày càng sạch đẹp. Học sinh được chăm lo "3 đủ" (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở). Phương pháp giáo dục đổi mới, học sinh hứng thú hơn với việc học. Không chỉ học chữ các em còn được nhà trường rèn luyện kỹ năng sống. Các hoạt động ngoại khóa được tăng cường. Trò chơi dân gian được khơi dậy trong trường học. Học sinh được giáo dục tình yêu quê hương, yêu đất nước qua hoạt động tìm hiểu, chăm sóc và phát huy các giá trị lịch sử, cách mạng, văn hóa ở địa phương. Một số mô hình, sáng kiến phát huy hiệu quả cao trong thực hiện phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", đó là mô hình "Ngày thứ bảy xanh" (Phòng GD&ĐT Mộ Đức); "Đêm thứ bảy nội trú" (Trường THCS-Dân tộc nội trú Tây Trà); "Đố vui để học" (Trường THPT Lê Quý Đôn)… Bức tranh giáo dục trở nên tuyệt vời khi thực hiện tốt các tiêu chí của phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Một khi trường học là nhà, học sinh là trung tâm, chất lượng giáo dục sẽ không ngừng phát triển bền vững.
*Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Bộ GD&ĐT nêu rõ từng tiêu chí trong thực hiện phong trào, nhưng không có nghĩa là áp đặt. Các đơn vị trường học linh hoạt tùy vào điều kiện cụ thể để triển khai sao cho hiệu quả. Cần gắn phong trào này với các phong trào khác ở địa phương để phát huy hiệu quả; đồng thời tăng cường hoạt động trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng sáng kiến hay. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ các trường nhận chăm sóc di tích ở Quảng Ngãi còn quá ít so với tổng số di tích hiện có trên địa bàn. *Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Thích: Đây là phong trào tác động tích cực đối với ngành giáo dục tỉnh nhà. Cần làm tốt công tác xã hội hóa trong triển khai thực hiện phong trào này. Phải có sự đồng thuận, góp sức của các ban, ngành, hội đoàn thể, các tổ chức, có như vậy mới thúc đẩy phong trào phát triển tốt. Ban chỉ đạo phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" của tỉnh cần nghiên cứu để nâng cao hơn nữa hiệu quả của phong trào. Các địa phương cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong triển khai thực hiện phong trào có ý nghĩa này. *Ông Trần Hữu Tháp-Phó Giám đốc Sở GD&ĐT: Phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" làm cho các hoạt động giáo dục trong nhà trường thay đổi theo hình thức linh động, sáng tạo, học sinh chủ động hơn trong học tập; cơ sở vật chất trường, lớp học được cải thiện; cảnh quan trường học sạch đẹp hơn; mối quan hệ giữa nhà trường và xã hội được tăng cường; giáo viên thay đổi phương pháp giảng dạy... Tuy nhiên, hạn chế là tiêu chí đạt được của một số trường học chưa đảm bảo tính bền vững. Một số nơi vẫn chưa xây dựng lộ trình xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Theo tôi, điều đáng quan tâm nhất ở đây là phương pháp dạy học và tổ chức hoạt động của nhà trường. Đây là mấu chốt của vấn đề, đóng vai trò to lớn trong việc tăng cường tính tự giác, tích cực của học sinh trong học tập. Học sinh một khi đã ham học sẽ cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui. *Ông Trần Ngọc Ngân-Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh: Phong trào này vô cùng ý nghĩa đối với ngành giáo dục. Nó vừa mang tính nhân văn, vừa thúc đẩy phát triển giáo dục một cách bền vững. Hội Khuyến học tỉnh chỉ đạo hội khuyến học ở các địa phương tăng cường hoạt động tiếp sức để học sinh đến trường, để cùng với các đơn vị tiếp sức cho ngành giáo dục triển khai phong trào đạt hiệu quả cao. Tôi tin chắc rằng phong trào này sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, tạo môi trường giáo dục thật sự cuốn hút học sinh. *Ông Nguyễn Văn Anh-Trưởng phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi: Phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" là phong trào của ngành giáo dục nhưng trách nhiệm trong triển khai thực hiện thì không phải của riêng ngành giáo dục, mà các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương… cùng chăm lo với ngành. Khó khăn gặp phải là kinh phí để tổ chức các phong trào; cơ sở vật chất nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ giáo viên chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp để trang bị kỹ năng sống cho học sinh cũng là một khó khăn lớn. |
PHƯƠNG LÝ