(QNg)- Quảng Ngãi hiện là một trong 10 tỉnh, thành có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất cả nước. Qua thực tế điều tra ở các địa phương, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh là 117,3 trai/100 gái, vượt xa so với quy luật sinh sản tự nhiên trung bình cả nước khoảng 110 trai/100 gái. Nếu không sớm khắc phục thì trong những năm tới sẽ xảy ra tình trạng thừa nam, thiếu nữ trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến cơ cấu dân số, sự phát triển bền vững của gia đình và xã hội.
TIN LIÊN QUAN
Cấm công bố… vẫn biết giới tính
Nghị định số 104/2003/NĐ-CP (ngày 16/9/2004) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số nghiêm cấm các hành vi: Thông báo cho sản phụ biết giới tính thai nhi qua bắt mạch, siêu âm; loại bỏ thai nhi vì giới tính… Tuy nhiên trên thực tế, quy định này đã bị "bỏ quên" hoặc phớt lờ thế nên việc mất cân bằng giới tính đang ngày càng trở nên trầm trọng.
Tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở huyện Nghĩa Hành. |
Thăm dò các thai phụ thì hầu hết họ đều trả lời đã biết giới tính từ tháng thứ 3. Chị Trần Thị Thanh H. (thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn) cho biết: Tâm lý của các thai phụ khi đi khám thai, siêu âm 3, 4D ngoài việc muốn biết tình trạng thai nhi, phát triển bình thường hay dị tật, thì điều hiếu kỳ nhất với các thai phụ là muốn biết con mình trai hay gái. Lúc mang thai đứa đầu, tôi đi siêu âm đến năm lần và đến lần thứ hai (lúc thai hơn 3 tháng) bác sĩ đã nói là con trai rồi.
Để lách quy định cấm, các bác sĩ không chủ động thông báo giới tính thai nhi, nhưng cũng không từ chối khi có người hỏi. Họ thường thông báo khéo theo kiểu: "Giống mẹ", "giống bố rồi"… nhiều trường hợp nói công khai giới tính. Rõ ràng với công nghệ tiên tiến như siêu âm 3D, 4D (siêu âm 3 chiều, 4 chiều), siêu âm màu cùng với các kỹ thuật xét nghiệm, việc biết giới tính trước sinh trở nên dễ dàng, thậm chí chỉ trong vài phút. Hơn nữa, chi phí cũng không đắt đỏ lắm nên không ít thai phụ muốn biết giới tính con mình. Điều này cũng như "con dao hai lưỡi" vì vẫn còn tình trạng lựa chọn giới tính ở một bộ phận người dân.
Nhiều hệ lụy
Hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đã được tổ chức UNFPA cảnh báo: Nếu xu hướng này lặp lại ở Việt Nam và lan rộng diễn ra với tốc độ nhanh sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng trong tương lai, ảnh hưởng đáng kể đến cơ cấu giới tính và nhân khẩu học. Cũng theo dự báo của tổ chức UNFPA nếu tiếp tục tăng như vậy các năm tiếp theo sẽ tác động nặng nề đến thế hệ nam thanh niên được sinh ra sau năm 2005. Vì khi bước vào độ tuổi lập gia đình vào những năm 2030 thì nhóm nam giới này sẽ dư thừa so với phụ nữ cùng lứa tuổi 10%.
Nếu không có can thiệp hiệu quả để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh thì sau 20 năm nữa Việt Nam sẽ có 4,3 triệu thanh niên ít có cơ hội lấy được vợ trong nước. Dù làm tốt can thiệp để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, thì con số đó cũng còn tới 2,3 triệu. Cũng theo cách tính toán nêu trên thì 20 năm nữa Quảng Ngãi cũng sẽ có khoảng từ 40 vạn đến 50 vạn nam giới. Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ tạo sự khan hiếm phụ nữ trong tương lai, gây thêm áp lực về kết hôn độ tuổi trẻ hơn, tảo hôn, tăng nhu cầu mại dâm, buôn bán phụ nữ, bạo hành giới là nguy cơ mà phụ nữ và các em gái phải đối mặt.
Qua thực tế điều tra ở các địa phương, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh là 117,3 trai/100 gái, vượt xa so với quy luật sinh sản tự nhiên trung bình cả nước khoảng 110 trai/100 gái. Một số huyện như: Nghĩa Hành, Minh Long, Đức Phổ, huyện đảo Lý Sơn... tỷ lệ mất cân bằng này khá cao, có nơi tăng vọt đến 129 trai/100 gái. Riêng thống kê của Bệnh viên Đa khoa Quảng Ngãi, trong hai năm 2010 và 2011 có khoảng 22.000 trẻ sơ sinh ra đời theo tỷ lệ cứ 100 bé gái có 124 bé trai. Tỷ lệ giới tính này được xem là cao nhất khu vực Bắc Trung Bộ và miền Trung - Tây Nguyên. Ngành y tế Quảng Ngãi đang lo ngại sức sinh trên địa bàn giảm nhanh nhưng tình trạng mất cân bằng giới tính lại tăng cao.
Cần sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị
Nhận thức hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, ngành y tế Quảng Ngãi đã chủ động tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền về các giải pháp nhằm hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh tại địa phương. Đặc biệt, trong năm 2010-2011, nhiều hoạt động can thiệp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã được triển khai tại 117/184 xã, phường, thị trấn như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền tại cộng đồng, phát tờ rơi; xây dựng CLB phụ nữ không sinh con thứ 3; hội nghị chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh giỏi, nuôi dạy con tốt của phụ nữ sinh con một bề là gái...
Cùng với các hoạt động trên, ngành y tế đang gấp rút triển khai chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản từ nay đến 2015. Mục tiêu là kìm hãm mức tăng dân số ổn định 0,9%; kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính; cải thiện sức khỏe sinh sản của người chưa thành niên và thanh niên; giảm tỷ lệ phá thai và phá thai không an toàn...
Có thể thấy, đảm bảo cân bằng giới tính khi sinh là một trong những chỉ tiêu rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng DS-KHHGĐ. Bên cạnh những nỗ lực của ngành dân số, rất cần đến sự quan tâm hơn nữa của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương coi đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Và điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của từng người dân trong việc quyết định sinh con tự nhiên.
*Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên: Trên thực tế, việc kiểm soát, can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do nhiều cấp, ngành, địa phương coi công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS - KHHGĐ) là của riêng ngành y tế. Mất cân bằng giới tính khi sinh chưa tạo nên bức xúc ở hiện tại, nhưng sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng sau khoảng 15- 20 năm nữa. Khi đó, trẻ em trong giai đoạn này sẽ trưởng thành, kết hôn và tình trạng thừa nam, thiếu nữ sẽ mang đến hậu quả khó lường. Nguyên nhân thì đã rõ. Theo tôi, đối tượng phải tập trung tuyên truyền thay đổi quan niệm, nhận thức là nam giới và lớp người cao tuổi. Ngoài ra, chúng ta phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế. Để làm được điều này cần tiến hành bền bỉ, lâu dài chứ không thể một vài năm mà thành công. *BS Đặng Chính - Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ: Việc giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh không phải là việc có thể làm một sớm một chiều. Mục tiêu của tỉnh đề ra đến năm 2015 tỷ số giới tính khi sinh dưới mức 116 và dưới mức 110 vào năm 2020. Để thực hiện được điều này, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục trong toàn xã hội về DS-KHHGĐ với những hình thức, nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đồng thời cũng rất cần sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của ngành chức năng, coi đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người dân trong việc quyết định sinh con tự nhiên. *Bà Huỳnh Thị Tuyết Nga- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: Tâm lý ưa thích con trai không còn là ý muốn của mỗi gia đình mà trở thành vấn đề liên quan đến cơ cấu dân số của đất nước. Để bảo đảm sự phát triển bền vững theo quy luật tự nhiên và hạn chế sự mất cân bằng giới tính khi sinh, cần đẩy mạnh việc truyền thông giáo dục người dân thay đổi hành vi, coi con trai cũng như con gái, loại bỏ tư tưởng "trọng nam, khinh nữ". Tôi cho rằng, đối tượng ưu tiên tuyên truyền là phụ nữ và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là đã có hai con một bề và là hai con gái, nam giới, người cung cấp các dịch vụ lựa chọn giới tính. Đặc biệt là có chính sách ưu tiên dành cho nữ giới, khen thưởng xứng đáng các cặp vợ chồng chỉ có một con gái hoặc hai con gái. Do đó, vai trò của các cấp Hội phụ nữ hiện nay góp phần lớn trong công tác dân số kế hoạch hóa gia đình. Hiện nay, hầu hết các địa phương đều có các câu lạc bộ giúp nhau phát triển, câu lạc bộ không sinh con thứ 3, câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc… nên hằng năm ngành dân số đều phối hợp với Hội LHPN tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, thông qua các buổi sinh hoạt chị em lồng ghép các chủ đề DS-KHHGĐ… để góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên. *Ông Lê Vũ Lương - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Minh Long: Minh Long là một trong những địa phương có tỉ lệ mất cân bằng giới tính cao trong tỉnh. Mặc dù là huyện miền núi, trong khi điều kiện siêu âm chẩn đoán giới tính chưa phổ biến đối với bà con địa phương đa số là dân tộc Hrê, nhưng tỉ số giới tính khi sinh tại huyện trong năm 2011 là 124 nam/100 nữ. Đây là một thực trạng đáng lo ngại, bởi nếu dân số một huyện không đảm bảo tỉ lệ cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng trong cán cân cân bằng giới tính chung toàn tỉnh. Trong thời gian tới, huyện Minh Long đề nghị Chi cục DS-KHHGĐ hỗ trợ triển khai Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương, nhất là thông qua các hội đoàn thể, huy động các già làng, trưởng bản ra sức tuyên truyền để người dân địa phương thấy được những hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính. *Ông Nguyễn Duy Khanh- Cán bộ chuyên trách dân số xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh): Tôi cho rằng, đối tượng ưu tiên tuyên truyền là phụ nữ và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là đã có hai con một bề và là hai con gái, nam giới, người cung cấp các dịch vụ lựa chọn giới tính. Đặc biệt là cần có chính sách ưu tiên dành cho nữ giới, khen thưởng xứng đáng các cặp vợ chồng chỉ có một con gái hoặc hai con gái. Nêu cao vai trò của nữ giới trong xã hội hiện nay, nhấn mạnh trách nhiệm của nam giới trong việc chấp hành các chính sách DS và thực hiện KHHGĐ. Liên quan tới quan niệm phải có con trai để "nối dõi", để "dựa" khi về già, chúng ta cần thiết xây dựng chính sách hỗ trợ đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi. |
Thanh Thuận - Kim Ngân