Bên cạnh việc bổ sung các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe của xương như canxi, vitamin D và protein, người bệnh loãng xương cần lưu ý tránh các loại thực phẩm có thể làm suy yếu quá trình tạo xương và dẫn đến mất xương.
1. Loãng xương - căn bệnh âm thầm nhưng nguy hiểm
Loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hóa của xương, khiến xương bị suy yếu cấu trúc và giảm khối lượng dẫn đến xương mỏng, xốp và dễ gãy.
Biến chứng nguy hiểm của loãng xương là gãy xương. |
Những người thiếu hormone sinh dục do cắt bỏ buồng trứng, mãn kinh sớm, mắc một số bệnh nội tiết. Những người có tiền sử gãy xương (bản thân hoặc gia đình). Việc sử dụng một số thuốc kéo dài như corticoid, thuốc chống động kinh... cũng làm tăng nguy cơ loãng xương.
2. Chế độ ăn uống khi bị loãng xương
Theo các chuyên gia y tế, loãng xương diễn biến âm thầm nhưng có thể gây biến chứng nặng nề là gãy xương nên việc phát hiện và điều trị sớm là vô cùng quan trọng. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp. Tuy nhiên, bên cạnh việc dùng thuốc cần kết hợp với chế độ luyện tập và ăn uống mới đem lại hiệu quả tốt nhất.
Theo TS. BS Trần Thị Bích Nga, nguyên Giảng viên chuyên khoa Dinh dưỡng, Đại học Y Hà Nội, đối với người bị loãng xương, việc thực hiện một chế ăn uống cân bằng, đầy đủ các chất dinh dưỡng có lợi cho xương như canxi, vitamin D và protein sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng mất xương thêm và giảm nguy cơ gãy xương. Chế độ ăn uống này cũng có thể giúp ngăn ngừa loãng xương ở những người chưa mắc bệnh.
Chất dinh dưỡng quan trọng nhất để phòng ngừa và cải thiện loãng xương chính là canxi. Vì vậy, cần phải đảm bảo chế độ ăn giàu canxi trong suốt cuộc đời.
Các loại thực phẩm giàu canxi bao gồm: Sữa và các sản phẩm từ sữa; Cá, tôm, cua, ốc...; Trứng, đặc biệt là lòng đỏ trứng; Các loại rau lá xanh thẫm: Rau chân vịt, rau cải thìa, rau cải xoăn, cải bó xôi…
Bên cạnh việc bổ sung thực phẩm giàu canxi, chúng ta cần lưu ý lựa chọn các loại thực phẩm giàu vitamin D như: hải sản, trứng, sữa... Vitamin D giúp điều hòa hàm lượng canxi trong máu và xương, giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn.
Cần chú ý, nếu ăn quá nhiều một số loại thực phẩm có thêm đường, muối, thực phẩm chế biến sẵn, caffein và rượu có thể dẫn đến mất xương và tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Vì vậy, người bệnh nên hạn chế hoặc tránh các loại thực phẩm này.
3. Một số thực phẩm cần tránh khi bị loãng xương
Thực phẩm chế biến sẵn
Nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn giàu thịt đỏ và thịt đã qua chế biến, ngũ cốc tinh chế và đồ ngọt có liên quan đến mật độ khoáng trong xương thấp hơn và nguy cơ gãy xương cao hơn.
Thực phẩm chế biến sẵn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của xương. |
Thực phẩm chứa nhiều muối và đường
Ăn quá nhiều muối có thể làm tăng lượng canxi mà cơ thể bạn bài tiết khi đi tiểu. Tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung cũng có thể làm tăng nguy cơ loãng xương bằng cách giảm hấp thu canxi trong ruột, tăng bài tiết canxi và magiê qua nước tiểu, đồng thời làm suy yếu quá trình tạo xương.
Nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ đồ uống có đường và sức khỏe của xương ngày càng xấu đi. Hầu hết các nghiên cứu trên người đều kết luận rằng chế độ ăn nhiều đường ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của xương và có thể làm tăng nguy cơ gãy xương.
Cần nhớ rằng đường tự nhiên có trong thực phẩm tốt cho sức khỏe như trái cây và rau củ khác với đường bổ sung. Các loại đường bổ sung thường có trong thực phẩm chế biến sẵn như: bánh nướng đóng gói, món tráng miệng và đồ ăn nhẹ, đồ uống có đường, nước tăng lực, soda, trà và cà phê có đường cần được giảm thiểu.
Thực phẩm giàu oxalat
Oxalat là các hợp chất được tìm thấy trong một số loại thực phẩm thực vật liên kết với canxi và làm canxi trở nên không thích hợp để cơ thể hấp thu. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến mất canxi và cuối cùng là mật độ khoáng xương kém hơn, đặc biệt nếu bạn đã bị loãng xương.
Một số loại thực phẩm giàu oxalat nhất là rau lá xanh và các loại đậu như đậu, đậu Hà Lan và đậu lăng. Tuy nhiên, những thực phẩm này cũng rất tốt cho sức khỏe và không nhất thiết phải loại bỏ khỏi chế độ ăn uống.
Nghiên cứu cho thấy, nấu chín thực phẩm giàu oxalat có thể làm giảm đáng kể hàm lượng oxalat của chúng. Các biện pháp như ngâm, luộc và hấp là cách tốt nhất để loại bỏ oxalat.
Rượu
Uống quá nhiều rượu sẽ cản trở sự cân bằng canxi và quá trình sản xuất vitamin D tự nhiên của cơ thể. Những người nghiện rượu cũng có xu hướng có nồng độ cortisol cao, có thể làm tăng quá trình phân hủy xương và giảm quá trình hình thành xương.
Người bệnh loãng xương không nên uống rượu. |
Caffein
Caffeine là một chất kích thích tự nhiên được tìm thấy trong hạt cà phê, sô cô la và một số loại trà. Mặc dù một số nghiên cứu cho thấy một số lợi ích đối với xương từ một lượng nhỏ caffeine, nhưng nếu sử dụng quá nhiều caffeine có thể cản trở quá trình chuyển hóa xương và có khả năng làm mất canxi từ xương.
Cách tốt nhất là giữ lượng caffeine của bạn ở mức tối thiểu khi bị loãng xương. Hoặc thay vào đó, nên chọn cà phê, trà đã khử caffeine và các loại đồ uống không chứa caffeine tự nhiên khác.
Theo
SKĐS