(Báo Quảng Ngãi)- Để cấp cứu, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhi mắc bệnh nặng, các y, bác sĩ ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Sản - Nhi (BVSN) tỉnh, phải thức thâu đêm, chăm sóc bệnh nhân như người thân. Qua đó, tô thắm thêm những hình ảnh đẹp của người thầy thuốc trong lòng người dân.
[links()]
Kịp thời cứu chữa nhiều ca bệnh nguy hiểm
Cuối tháng 8, trời chuyển mùa, bệnh nhân nhi nhập viện tại BVSN tỉnh tăng cao. Ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc có 15 chỉ tiêu giường bệnh, nhưng bệnh viện phải kê thêm 5 giường bệnh để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh cho bệnh nhân nhi. Nhiều bệnh nhi được khoa tiếp nhận trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Như trường hợp cháu Đinh Văn Hồng (13 tuổi), ở huyện Sơn Tây, vào viện khi cháu bị vỡ ruột non. Ông Đinh Văn Nhất, cha cháu Hồng cho hay, trong quá trình chở con bằng xe máy về nhà thì cháu bị rơi xuống đường va vào đá. Sau đó, cháu khó thở, bụng đau dữ dội. Gia đình đã nhanh chóng đưa cháu vào Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây. Qua khám lâm sàng, thấy tình trạng bệnh nguy hiểm nên trung tâm chuyển cháu Hồng đến BVSN tỉnh.
Nhân viên y tế Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) điều trị cho bệnh nhân nhi. |
Thâu đêm với bệnh nhân nhi
Ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (BVSN tỉnh) có nhiều bệnh nhân nhi mắc các bệnh lý thần kinh cơ, nhiễm trùng, tiêu hóa, hội chứng đa chấn thương hậu Covid-19... Các bác sĩ cho biết, các bệnh nhân này phải được chăm sóc ở mức cấp 1, cấp 2. Không có người nhà nên từ sinh hoạt, ăn uống, điều trị của bệnh nhân đều do các y, bác sĩ ở khoa đảm trách, nên khá vất vả.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Cẩm Linh - nhân viên Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, làm việc ở khoa rất áp lực vì đa phần là bệnh nhân nặng. Bất kể vào thời gian nào, điều dưỡng đều phải thay người nhà chăm sóc bệnh nhân. Vì bệnh nặng nên các y, bác sĩ phải thay phiên nhau túc trực 24/24 giờ. “Bệnh nhân ở khoa đa phần là trẻ sơ sinh, nhỏ tuổi. Khi bệnh tình chuyển biến nặng, các cháu không biết nói hoặc ra ký hiệu như người lớn. Vì vậy, khi đến ca trực các y, bác sĩ phải theo dõi liên tục. Có những hôm y, bác sĩ không ai chợp mắt, hoặc chỉ ngủ được 1 - 2 giờ là nhiều”, điều dưỡng Linh chia sẻ.
Bác sĩ Trần Đình Điệp cho biết thêm, đặc thù ở khoa là điều trị bệnh nhân nhi nặng nên các y, bác sĩ phải túc trực liên tục. Khoa đã chia ra 3 ca, mỗi ca có 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng để vừa chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Công việc nặng nhọc, vất vả nhưng các y, bác sĩ luôn tận tình chăm sóc bệnh nhân như người thân. Cùng với đó, bệnh viện bố trí đầy đủ phương tiện, thiết bị y tế hiện đại, nên các y, bác sĩ đã giành lại sự sống cho nhiều bệnh nhân nhi nặng, hạn chế tình trạng chuyển tuyến.
Bài, ảnh:
A.NGUYỆT