Bọ mẩy là cây thuốc được xếp trong nhóm thuốc thanh nhiệt, giải độc phòng trị cảm mạo, viêm đường hô hấp...
1. Đặc điểm của cây bọ mẩy
Cây bọ mẩy, tên khoa học là Clerodendron cyrtophyllum Turcz., họ Cỏ roi ngựa. Tên khác là bọ nẹt, đắng cay, đại thanh… Trong sách thuốc Trung Quốc, bọ mẩy có tên là lộ biên thanh hay thanh thảo tâm, sơn vĩ hoa, lục đậu thanh, xú đại thanh… là loại cây nhỏ, cao khoảng 1m.
Cành tròn, lúc non có lông, khi già thì nhẵn. Lá mọc đối, hình mác, đầu nhọn, phía cuống cũng nhọn hay hơi tròn, hai mặt đều nhẵn, màu xanh lục thẫm, dài 5-13cm, rộng 3-7cm, gân nổi rõ ở mặt dưới, khi vò lá thấy có mùi hôi đặc trưng. Hoa màu trắng, mọc ở đầu cành trên ngọn cây, nhị thò dài. Quả hạch, hình trứng, bọc trong đài.
Để làm thuốc, đông y thường dùng lá và cành non (một số trường hợp còn sử dụng cả rễ) rửa sạch, cắt thành từng đoạn ngắn, phơi hoặc sấy khô, bảo quản dùng dần.
Lá bọ mẩy phòng cảm mạo, viêm đường hô hấp |
2. Công dụng chữa bệnh của cây bọ mẩy
Cành và lá bọ mẩy có vị đắng, tính hàn, lợi vào 3 kinh can, tâm và vị; có tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa, giải độc, lương huyết (mát huyết), chỉ huyết (cầm máu) tán ứ; thường dùng chữa các chứng bệnh do hỏa độc gây nên như sốt cao phiền khát, cảm mạo, cảm cúm, viêm gan cấp tính do nhiễm trùng, lỵ nhiễm khuẩn, viêm phổi, quai bị, chảy máu cam, mụn nhọt…
Theo kinh nghiệm dân gian: Cành lá bọ mẩy đem sao vàng, sắc nước uống dùng cho phụ nữa sau sinh giúp ăn ngon cơm và chóng lại sức. Rễ bọ mẩy có tác dụng giảm đau, trừ phong thấp.
Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, lá bọ mẩy có tác dụng hạ nhiệt, chống viêm, kháng vi khuẩn và kháng virus. Trên lâm sàng, bọ mẩy được sử dụng để giải độc, chữa sốt cao, các bệnh nhiễm khuẩn và virus như viêm màng não, viêm phổi, viêm họng, viêm amiđan, viêm gan, viêm ruột cấp, viêm khoang miệng, viêm da dị ứng, mụn nhọt lở loét. Kết quả thử nghiệm còn cho thấy nước sắc lá bọ mẩy có tác dụng ức chế một số loại trực khuẩn lỵ không chịu tác động hoặc bị nhờn đối với một số kháng sinh.
Liều dùng: 10-20g lá khô (30-60g lá tươi) sắc nước, hoặc giã lọc bỏ bã, lấy nước uống.
Kiêng kỵ : Người tỳ vị hư hàn không dùng độc vị bọ mẩy.
Vị thuốc đan sâm phối hợp với lá bọ mẩy trong bài thuốc trị bệnh gan |
3.1 Phòng cảm mạo: Lá bọ mẩy tươi 20g, sắc nước uống thay trà. Uống liền trong 5-7 ngày
3.2 Phòng bệnh viêm màng não: Lá bọ mẩy 15g, đậu tương 30g; sắc nước uống thay trà. Uống liền trong 7 ngày.
3.3 Chữa viêm phổi, sốt cao, ho suyễn: Lá bọ mẩy 60g, giã nát, lọc lấy nước, bỏ bã, hòa thêm mật ong, hâm nóng, uống ấm, ngày 2 lần.
3.4 Chữa ho có đờm, phiền khát sau sởi: Rễ bọ mẩy 30g, đạm trúc diệp 15g, tang diệp 6g, chi tử 15g. Nấu nước uống thay trà trong ngày.
3.5 Chữa viêm hạch bạch huyết, nhiễm trùng sau mổ ruột thừa: Lá bọ mẩy 150g, lá phù dung 150g, bồ công anh 60g. Sắc uống.
3.6 Trị bệnh gan không vàng da: Lá bọ mẩy 60g, đan sâm 30g, đại táo 10g. Sắc uống.
3.7 Phòng ngừa viêm đường hô hấp trên: Lá kèm cành non bọ mẩy 15-20g sắc uống thay trà, dùng liên tục trong 7 ngày.
3.8 Hỗ trợ trị viêm phế quản mạn tính, ho, khó thở: Lá bọ mẩy tươi 30g, lá nhót tươi 30g, hạt củ cải 15g; sắc nước uống.
3.9 Chữa phong thấp khớp xương đau nhức: Rễ cây bọ mẩy 30-60g, chân giò lợn 500g, hầm với nước và rượu cho chín nhừ, chia ăn trong ngày, ăn cái uống canh.
3.10 Dự phòng mụn nhọt: Lá bọ mẩy 15g, đun nước uống.
3.10 Chữa mụn nhọt: Lá bọ mẩy tươi, sắc lấy nước đặc, bôi vào nơi tổn thương, ngày 3 lần.
3.11 Chữa đau răng do vị nhiệt: Rễ bọ mẩy 60g. Nấu lấy nước bỏ bã. Cho 2 quả trứng vịt vào luộc ăn (Giang Tây dân gian thảo dược nghiệm phương).
3.12 Chữa mụn rộp: Rễ bọ mẩy tươi 30g, rửa sạch, thái lát, sắc uống thay trà.
3.13 Thuốc dùng ngoài: Lá bọ mẩy tươi 50g, rửa sạch bằng nước sôi để nguội, giã nát vắt lấy nước cốt, dùng bông thấm dịch thuốc bôi vào nơi tổn thương.
Theo
Lương y Vũ Quốc Trung/SKĐS