Giấm táo là thực phẩm quen thuộc trong căn bếp của nhiều gia đình. Giấm táo được biết như một thực phẩm hỗ trợ giảm cân và là một cách giúp kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả.
Giấm táo là loại giấm được lên men tự nhiên từ táo và nước. Giai đoạn đầu lên men, đường trong táo sẽ tạo thành rượu. Tiếp tục lên men thì rượu được chuyển thành giấm. Vì vậy nó sẽ có màng giấm tự nhiên màu trắng đục nổi phía trên dày hay mỏng tùy thuộc vào vi khuẩn axetic và chất lượng táo.
Giấm táo có chứa axit axetic. Nó cũng chứa vi khuẩn và axit lactic, xitric và malic là những thành phần tạo cho giấm có vị chua. Giấm táo được cho là có thể tăng cường sức khỏe theo nhiều cách.
1.1 Kiểm soát đường huyết
Thực phẩm giàu tinh bột như bánh mì, mì ống và gạo có thể làm tăng lượng đường trong máu sau khi ăn. Vì vậy, khi uống giấm táo, axit axetic trong giấm có thể ngăn chặn các enzym giúp cơ thể tiêu hóa tinh bột, hỗ trợ làm giảm lượng đường trong máu tăng đột biến sau các bữa ăn giàu tinh bột.
Để thêm giấm táo vào bữa ăn, hãy thử một chút vào món salad hoặc trong nước sốt, dầu giấm.
Nhưng nếu mắc đái tháo đường và đang phải dùng thuốc, hãy tránh dùng giấm táo. Vì khi sử dụng những loại thuốc này sẽ làm giảm lượng đường trong máu. Khi kết hợp với giấm táo, lượng đường trong máu có thể xuống quá thấp gây hạ đường huyết, chóng mặt, lú lẫn và suy nhược, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến bất tỉnh, thậm chí co giật.
1.2 Hạn chế nguy cơ mắc các bệnh tim mạch
Axit chlorogenic trong giấm có thể hỗ trợ giảm mức cholesterol xấu LDL và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Khi kết hợp giấm táo và mật ong, các thành phần có trong mật ong cũng có khả năng ngăn ngừa, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
1.3 Hỗ trợ giảm cân
Một số nghiên cứu cho thấy axit axetic trong giấm táo thúc đẩy giảm cân bằng cách giảm lượng đường trong máu, giảm mức insulin, cải thiện trao đổi chất, giảm tích trữ chất béo, ngăn chặn sự thèm ăn.
Giấm táo cũng thúc đẩy cảm giác no, làm giảm lượng calo hấp thụ, chậm tốc độ thức ăn rời khỏi dạ dày.
Một nghiên cứu nhỏ được công bố vào năm 2018 đã theo dõi quá trình giảm cân ở hai nhóm người trong khoảng thời gian 12 tuần. Cả hai nhóm đều ăn ít calo hơn. Một nhóm cũng uống 30ml giấm táo mỗi ngày. Vào cuối nghiên cứu, nhóm ăn giấm giảm cân nhiều hơn và mất nhiều mỡ nội tạng hơn.
1.4 Tăng cường hệ miễn dịch
Giấm táo chứa hàm lượng axit malic cao, có thể tiêu diệt một số vi khuẩn xâm nhập cơ thể gây ra cảm cúm do có tính kháng virus mạnh. Sử dụng giấm táo nguyên chất còn có thể làm sạch hạch bạch huyết, phá vỡ chất nhầy trong cơ thể làm giảm tình trạng nghẹt mũi.
1.5 Giải độc
Không chỉ hỗ trợ giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, uống giấm táo và mật ong vào mỗi buổi sáng giúp thanh lọc cơ thể, giải độc gan. Hàm lượng cao fructose và glucose có trong mật ong giúp hỗ trợ cải thiện chức năng gan, làm mát gan và thanh lọc cơ thể giúp làn da được sáng bóng, căng mượt. Kết hợp giấm táo và mật ong là phương pháp loại bỏ các chất độc hại cho cơ thể một cách lành mạnh
2. Ai không nên dùng giấm táo?
Giấm táo chứa axit nên rất chua, khi sử dụng trong một số trường hợp cần được pha loãng để tránh gây tổn thương cho dạ dày và thực quản. Người bị viêm loét dạ dày không nên dùng.
Do tính axit mạnh nên giấm táo làm hao mòn men răng, xói mòn răng nhanh chóng. Vì thế nên dùng giấm táo pha loãng và súc miệng với nước sạch ngay sau đó. Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy giấm làm mất đến 20% các khoáng chất của răng sau 4 giờ.
Giấm táo làm giảm tốc độ của thức ăn rời khỏi dạ dày làm chậm sự hấp thu thức ăn vào máu. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra chứng liệt dạ dày (gastroparesis).
Việc kết hợp giấm táo với thuốc lợi tiểu làm giảm hàm lượng kali trong máu. Vì vậy, những người bị tăng huyết áp đang điều trị hoặc những người bệnh đang sử dụng thuốc tim mạch không nên dùng loại thực phẩm này.
3. Cách làm giấm táo đơn giản tại nhà
3.1 Nguyên liệu
- Táo (có thể sử dụng táo đỏ, táo xanh, hay táo mèo)
- 2 thìa đường
- Nước lọc
- Lọ đựng có nắp, bằng thủy tinh hoặc sứ
- Vài tấm vải mỏng (hình vuông) để đặt lên hũ đựng giấm, tùy theo số lượng hũ
3.2 Cách làm
Cho táo đã rửa sạch, cắt miếng vào chiếc âu lớn bằng sứ, thủy tinh (làm bằng chất không bị ăn mòn).
Cho vừa đủ nước ngập táo (thừa ra khoảng 5 cm), cho tiếp đường và khuấy đều.
Dùng đĩa lớn đậy lên, đặt thêm một vật nặng lên trên như bát tô có chứa nước hay viên đá sạch, túi nilon có nước (giống như nén dưa, cà khi muối); phủ lên trên toàn bộ các âu ngâm táo một khăn mỏng, sạch.
Để nguyên khoảng 1 tuần. Sau đó, trong lọ sẽ xuất hiện một ít nấm men nổi lên; chỉ cần dùng thìa gạt bỏ đi.
Dùng rây để lọc giấm và cho vào lọ bảo quản.
Đặt lên mỗi lọ một tấm vải mỏng và đậy nắp lại. Tấm vải sẽ ngăn cho kim loại của nắp lọ không bị ăn mòn. Để các hũ giấm trong bếp thêm khoảng 6 tuần trước khi dùng.
Bản thân giấm cũng tiết ra chất bảo quản, không cần để vào tủ lạnh. Khi thấy giấm đục và bị lắng, bạn bỏ ra lọc lại. Đó không phải là dấu hiệu cho thấy giấm bị hỏng.
Sử dụng giấm táo tốt nhất theo cách sau:
Bắt đầu với một lượng nhỏ và dần dần tăng đến tối đa là 2 muỗng canh (30ml) mỗi ngày, tùy thuộc vào khả năng của từng người. Không có liều chính xác cho tất cả. Giảm thiểu tiếp xúc với răng bằng cách pha loãng giấm với nước và nên dùng ống hút.
Theo
Vân Khanh/SKĐS