(Báo Quảng Ngãi)- Tại Khoa Nhi nhiệt đới (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) đã xuất hiện một số ca bệnh viêm não Nhật Bản. Đây là bệnh hay gặp vào mùa hè, có thể để lại những di chứng nặng nề, thậm chí gây tử vong.
[links()]
Nguyên nhân của bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm do muỗi Culex đốt, đối tượng mắc chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi và những người chưa có miễn dịch. Ổ chứa các vi rút gây bệnh đó là chim, heo, bò, cừu... Khi muỗi cái Culex đốt các động vật này hút máu, trong đó có vi rút; sau đó truyền vi rút này sang người lành và làm cho người đó bị bệnh. Đây là con đường duy nhất khiến con người bị viêm não Nhật Bản và cho tới nay vẫn chưa ghi nhận bệnh này lây từ người sang người.
Bác sĩ Nguyễn Mậu Thạch - Phó trưởng khoa Nhi nhiệt đới (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) cho biết,hầu hết người bị nhiễm vi rút viêm não Nhật Bản ở thể ẩn, nghĩa là không có triệu chứng. Biểu hiện bệnh trên thực tế rất đa dạng, từ nhẹ như cảm cúm (sốt siêu vi thông thường) đến nặng có thể gây tử vong. Dù bất cứ nhiễm bệnh ở thể nào thì bệnh nhân vẫn tạo được kháng thể đặc hiệu - sau này sẽ không bị bệnh nữa. Ở thể nhẹ, bệnh nhân có sốt, nhức đầu, nôn, không có triệu chứng đặc hiệu. Ở thể màng não, bệnh nhân có hội chứng nhiễm khuẩn, dấu hiệu màng não, có thể bị rối loạn ý thức nhẹ. Còn thể tủy sống, bệnh nhân có sốt, sau đó liệt mềm, liệt không đồng đều, liệt ở chân nặng hơn tay, rối loạn tri giác và xuất hiện hội chứng viêm não sau đó. Riêng thể điển hình có các biểu hiện: Trẻ kêu đau đầu nhiều; nôn liên tục, không ăn cũng nôn; bị táo bón.
Trong trường hợp diễn biến tốt, các triệu chứng sẽ giảm dần, trẻ có thể khỏi hẳn. Những trường hợp nặng dễ bị tử vong (chiếm tỷ lệ đến 20%). Một số biến chứng như: Bội nhiễm phổi ở bệnh nhân hôn mê sâu do ứ đọng đờm, dãi, mất phản xạ ho, sặc hoặc liệt hầu họng dễ đưa đến viêm phổi; nhiễm trùng đường tiểu do rối loạn cơ vòng hoặc sau thông tiểu bị nhiễm khuẩn; phù não; cơn động kinh; xuất huyết tiêu hóa; suy dinh dưỡng và loét... Nhiều di chứng (sớm) xuất hiện như mất phối hợp vận động và các động tác; cử động dị thường, run rẩy, lắc lư; liệt các chi; liệt nửa người; liệt các dây thần kinh sọ não... Động kinh và Parkinson là những di chứng muộn có thể xuất hiện sau vài năm hay hàng chục năm và tồn tại suốt đời bởi các tổn thương mô não do vi rút gây ra là không thể hồi phục.
Bác sĩ Nguyễn Mậu Thạch khuyến cáo, để phòng bệnh viêm não Nhật Bản, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ. Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt. Với trẻ nhỏ cần tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch. Các vắc xin phòng viêm não Nhật Bản hiện được sử dụng tại Việt Nam đều đã được kiểm tra kỹ về an toàn và hiệu lực, được chỉ định tạo miễn dịch phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ 12 tháng tuổi trở lên.
Các bác sĩ cũng lưu ý, không tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ dưới 12 tháng tuổi; trẻ nhiễm HIV; đang sốt cao; đang mắc các bệnh tim, thận, ung thư máu; trẻ hay bị bệnh dị ứng, ví dụ như sau khi tiêm vắc xin mũi 1 bị dị ứng, thì cần được tư vấn thêm tại cơ sở tiêm chủng.
MINH HIỀN