NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM 27.2:
Những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch

02:02, 27/02/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bằng tình yêu nghề, các y, bác sĩ ở Quảng Ngãi cùng đội ngũ "blouse trắng" cả nước trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 đã viết tiếp những trang sử đậm chất nhân văn của người thầy thuốc.
[links()]
Nhớ mãi Tết sân ga
 
Một giờ sáng. Tiếng còi tàu hụ dài trên sân ga, lực lượng ở điểm chốt chặn Ga Quảng Ngãi vội tỉnh giấc. Mỗi người vào một vị trí để phân luồng đón hành khách, đo thân nhiệt, lấy lời khai y tế. Phó Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh, bác sĩ Phạm Tăng Phương cho biết: Mấy ngày trước và trong Tết, cứ nửa tiếng là có tàu ra, vào ga. Anh em bảo nhau tranh thủ chợp mắt tí để lấy sức rồi làm nhiệm vụ, nhưng có ai chợp mắt được đâu. Bởi trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở các tỉnh thành, nhỡ có sơ suất là dịch bệnh lan ra trong cộng đồng, hậu quả khôn lường, nên tất cả động viên nhau cùng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”. 
Y, bác sĩ ở Khoa xét nghiệm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) lặng thầm xét nghiệm mẫu Covid-19. Ảnh: Ánh Nguyệt
Y, bác sĩ ở Khoa xét nghiệm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) lặng thầm xét nghiệm mẫu Covid-19. Ảnh: Ánh Nguyệt
Hơn 20 năm trong nghề y, nhưng chưa có năm nào bác sĩ Phương phải "gồng mình" như dịp tết Tân Sửu vừa qua. Từ ngày 28.1.2021, bác sĩ Phương đảm nhận công việc trưởng kíp trực sân ga, nên hầu như ngày nào cũng có mặt để làm nhiệm vụ. Không chỉ có bác sĩ Phương, mà gần 1 tháng qua, cả đội phải ngủ ở sân ga, bởi số lượng tàu, khách ra, vào ga rất đông.
 
Từ ngày 20 đến 30 tháng Chạp, bình quân mỗi ngày có 26 tàu, với 1.500 khách đến Ga Quảng Ngãi. Lực lượng phải chia làm nhiều nhóm, trong đó 6 cán bộ y tế phải căng mình kiểm soát đo thân nhiệt, ghi lại lịch trình di chuyển để có phương án cách ly hay theo dõi sức khỏe tại nhà. Lực lượng công an, quân đội hỗ trợ giữ trật tự. “Tết nên ai cũng nôn nóng về nhà, nhưng có quá nhiều hành khách có lịch trình di chuyển phức tạp, nếu không kiểm soát kỹ thì khó bề yên tâm”, bác sĩ Phương bộc bạch.
 
Dịp Tết hằng năm, khi dòng người về quê sum họp gia đình cũng là thời điểm bác sĩ Trần Tiến Cường (Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm KSBT tỉnh) lại sắp xếp việc cơ quan để về quê với gia đình ở Quảng Trị lo cúng ông bà, tổ tiên. Thế nhưng, năm nay dịch Covid-19 bùng phát ở một số tỉnh, thành, nên bác sĩ Cường trở thành "chiến sĩ" trên mặt trận chống dịch và hoàn thành tốt nhiệm vụ “gác cổng” Covid-19 tại Ga Quảng Ngãi.
 
Từ ngày 28.1.2021 đến nay, lực lượng chốt chặn ở Ga Quảng Ngãi đã kiểm soát 19.367 hành khách, trong đó có 2 trường hợp cách ly tập trung, 80 trường hợp cách ly tại nhà và hơn 1.000 người tự theo dõi sức khỏe tại nhà.
Khi số mẫu từ những người ở vùng có yếu tố dịch tễ Covid-19 trở về trong dịp Tết đã ít dần thì, giờ đây đội ngũ y, bác sĩ ở Trung tâm KSBT tỉnh lại bắt tay vào xét nghiệm mẫu cho những thanh niên trước khi slên đường làm nghĩa vụ quân sự. Công việc nối dài từ trước Tết đến nay, đội ngũ y, bác sĩ ở Trung tâm KSBT tỉnh đã xét nghiệm được khoảng 5.000 mẫu có yếu tố dịch tễ Covid-19.
Thâu đêm xét nghiệm Covid-19
 
Những y, bác sĩ làm nhiệm vụ xét nghiệm sàng lọc vi rút SARS-CoV-2 để kịp thời khoanh vùng đối tượng cũng đối diện với nguy hiểm, vất vả khôn lường. “Từ trước, trong và sau tết Nguyên đán Tân Sửu, có những ngày có quá nhiều mẫu xét nghiệm, anh em làm mãi trong ánh điện, trong phòng kín tưởng rằng trời còn sáng, nhưng bước ra khỏi phòng thì bóng tối, cái lạnh đã vây quanh. Nhưng buồn nhất là lúc về nhà không được gần gũi người thân, hàng xóm”, bác sĩ Huỳnh Thị Hồng Hạnh, phụ trách xét nghiệm (Trung tâm KSBT tỉnh) chia sẻ.
 
Bác sĩ Hạnh cho hay: Lấy mẫu có yếu tố dịch tễ Covid-19 không vất vả, nhưng đáng ngại nhất là lúc vào xét nghiệm. Trong đợt đầu chống dịch, anh em xét nghiệm ở trung tâm lấy mẫu rồi chuyển vào Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm, nhưng trong kỳ chống dịch lần này, tỉnh đã đầu tư máy xét nghiệm, y, bác sĩ trung tâm phải làm chủ công nghệ xét nghiệm để công bố kết quả xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 cuối cùng.
 
Mặc dù, đã được tập huấn kỹ về quy trình xét nghiệm, nhưng vào buồng kín, chỉ cần một sơ suất nhỏ, thì hậu quả không chỉ đến với bản thân mà cả với đồng nghiệp, cộng đồng. Hệ thống máy xét nghiệm chỉ chạy được 100 mẫu/lần, nhưng trong dịp Tết, có ngày mẫu dịch tễ Covid-19 từ các huyện, trung tâm y tế, bệnh viện gửi về đến 400 - 500 mẫu mà mỗi lần chạy phải mất 4 tiếng đồng hồ, qua các quy trình xử lý mẫu, tách chiết, phản ứng, chạy mẫu rồi đưa qua máy lọc mới cho ra kết quả cuối cùng.
 
“Theo quy định, cứ có mẫu dịch tễ Covid-19 gửi về đến trung tâm là sau 24 giờ phải công bố kết quả, nên anh em không một phút giây lơ là. Có những mẫu chưa có kết quả rõ ràng, phải chạy lại, hoặc nếu phát hiện là mẫu có kết quả dương tính với Covid-19 thì phải chuyển vào Nha Trang. Công việc khá cấp bách, lại nguy hiểm, mặc đồ bảo hộ suốt ngày đêm, mồ hồi ướt đẫm trong phòng xét nghiệm... nhưng anh em động viên nhau cùng cố gắng, thậm chí làm đến 2 - 3 giờ sáng. Bởi nếu để chậm trễ thì sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng", bác sĩ Hạnh bày tỏ.
 
Cùng với các lực lượng khác, những chiến sĩ "blouse trắng" trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 đã góp phần ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan trên địa bàn tỉnh càng làm sáng rõ tinh thần “Chống dịch như chống giặc” và làm sáng thêm tấm lòng “thầy thuốc như mẹ hiền”.
 
ÁNH NGUYỆT
 
 

.