Các huyện miền núi: Phòng, chống dịch bệnh trước thời tiết mưa lạnh

10:01, 22/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời điểm cuối năm, không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ ở các huyện miền núi xuống thấp, làm cho người già, trẻ em mắc các loại bệnh tăng cao. Đây cũng là thời điểm các loại dịch mùa, bạch hầu và Covid-19 dễ bùng phát trở lại.
 
Vùng có dịch bạch hầu cẩn trọng
 
Theo thống kê của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Ba Tơ, hằng ngày, trung tâm có khoảng 80  -  100 bệnh nhân đến khám, 80 bệnh nhân chữa bệnh nội trú, tăng nhiều so với trước khi thời tiết chuyển mùa. Giám đốc TTYT huyện Ba Tơ Đinh Thị Mai Hương chia sẻ: Điều đáng mừng là không có ca mắc bệnh bạch hầu, đa số bệnh nhân là trẻ em, người già có sức đề kháng yếu, nên mắc các bệnh thời tiết, như: Ho, sốt, lạnh và tai biến nhẹ, huyết áp tăng, tim mạch, hen suyễn... 
Thời tiết mưa, lạnh, số lượng người già, trẻ em ở các huyện miền núi bị bệnh tăng cao.
Thời tiết mưa, lạnh, số lượng người già, trẻ em ở các huyện miền núi bị bệnh tăng cao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Lữ Đình Tích cho biết: Huyện xác định là địa bàn có nguy cơ tái diễn bệnh bạch hầu và bệnh Covid-19. Bởi là địa phương đã có 29 ca bệnh bạch hầu, lại là vùng giáp ranh với các tỉnh Tây Nguyên, cộng với thời tiết mưa phùn, giá rét, ẩm ướt hiện nay là điều kiện thuận lợi để bệnh bùng phát trở lại. Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh và ngành chuyên môn, huyện đã chỉ đạo quyết liệt cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống các loại dịch bệnh. Huyện đã triển khai tiêm ngừa bệnh bạch hầu cho tất cả người dân từ 49 tháng tuổi đến 40 tuổi trên địa bàn, đã cơ bản  hoàn thành việc tiêm mũi hai, mũi phòng dịch vĩnh viễn ở các xã có ca bệnh.
 
"Huyện đang xin tỉnh bổ sung kinh phí để tiêm mũi 2 cho các xã chưa có ca bệnh; đồng thời chỉ đạo ngành y tế phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường vệ sinh môi trường; phun thuốc tiêu độc khử khuẩn; thực hiện nghiêm biện pháp 5K nơi đông người, nhất là các xã khu tây của huyện Ba Tơ, nơi giáp với các tỉnh Tây Nguyên", ông Tích nói.
 
Không chủ quan
 
Tại TTYT huyện Minh Long, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị cũng tăng so với ngày thường. Bình quân mỗi ngày có từ 30 - 35 người đến khám bệnh; khoảng 80 bệnh nhân điều trị nội trú, chiếm 100% so với chỉ tiêu giường bệnh; chủ yếu là các bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ em; tim mạch, đau xương khớp, tăng huyết áp... ở người lớn tuổi. Theo Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật - Y tế công cộng-HIV/AIDS (TTYT huyện Minh Long) Nguyễn Đại Minh, trên địa bàn huyện chưa xảy ra bệnh bạch hầu và dịch Covid-19, nhưng có xã Thanh An giáp ranh với xã Ba Điền (Ba Tơ) - nơi từng xảy ra bệnh này. Hơn nữa, trong thời điểm mưa lạnh, khí hậu ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để dịch mùa và các loại dịch bệnh lây lan.
 
"Khoa đã phân công cho cán bộ, nhân viên y tế đứng cánh địa bàn, hằng ngày tăng cường xuống cơ sở phối hợp với trạm y tế xã, thôn kiểm soát bệnh tật, lấy lời khai y tế đối với người đi xa về. Những người có dấu hiệu ho, sốt, hay có yếu tố dịch tễ các loại bệnh thì đưa đến trung tâm khám và điều trị. Đối với vùng giáp ranh với huyện Ba Tơ, trung tâm đã tăng cường cán bộ, nhân viên y tế xuống địa bàn, khuyến cáo người dân đưa con em trong độ tuổi đến cơ sở y tế tiêm vắc xin, ăn chín uống sôi, giữ ấm và vệ sinh sạch sẽ quanh nhà", ông Minh nhấn mạnh.
 
Đến thời điểm này, Trung tâm Y tế huyện Minh Long đã triển khai tiêm chủng cho 335/339 trẻ em dưới 1 tuổi (98,8%); đồng thời, triển khai tiêm phòng bạch hầu, uốn ván và giảm liều (TD) cho 454/455 trẻ em trong độ 7 tuổi. Hiện dịch bệnh trên địa bàn huyện đã được kiểm soát tốt.
 
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 
 
 
 
 

.