(Báo Quảng Ngãi)- Bão số 9 đi qua, lũ rút để lại hàng nghìn giếng khơi, nhà vệ sinh ngập nước, xác súc vật chết, cây ngã đổ ngổn ngang, gây mất vệ sinh môi trường, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.
[links()]
Khử khuẩn nguồn nước
Nằm bên bờ sông Phước Giang, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành), nên hàng trăm giếng khơi của người dân bị ngập, nguồn nước đục ngầu, nhà cửa bị bùn, rác phủ kín. Mấy ngày qua, do không có điện, nên nhiều hộ dân ở thôn Kim Thành dùng máy nổ để bơm nước sinh hoạt. Trưởng Trạm Y tế xã Hành Dũng Lê Văn Vĩnh cho hay: Nhờ người dân giúp nhau giải quyết nguồn nước uống tại chỗ, nên đến thời điểm này, xã Hành Dũng có 250 giếng khơi bị ngập sâu, nhưng chưa có dịch bệnh xảy ra.
Nhân viên Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi phun hóa chất, diệt bọ gậy, lăng quăng, để phòng ngừa dịch bệnh. |
Theo ông Vĩnh, dịch bệnh sau lũ phát sinh thường xuất phát từ sử dụng nguồn nước nhiễm khuẩn. Vì vậy, sau khi lũ rút, trạm đã nhanh chóng phát 7kg Cloramin B, viên khử khuẩn Aquatad cho các nhân viên y tế thôn đến các vùng bị ngập nặng xử lý hóa chất ở giếng khơi, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hành Nguyễn Hữu Thanh chia sẻ: Xác định địa bàn huyện có nhiều vùng trũng, nên trước khi bão lũ đến, trung tâm đã cấp 100kg Cloramin B, 120kg Clorin và 18 nghìn viên Aquatab cho các trạm y tế xã để giúp người dân khử khuẩn nguồn nước và xử lý môi trường sau lũ. Đến thời điểm này, hơn 8.000 giếng khơi bị ngập trên địa bàn huyện đã được xử lý hóa chất, đảm bảo nguồn nước cho người dân sinh hoạt, chưa có địa phương nào xảy ra dịch bệnh.
Còn tại huyện Tư Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa Đặng Văn Điểm cho biết: Đến thời điểm này, Trung tâm Y tế huyện đã khử khuẩn 115 giếng nước bị ngập sâu ở các xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa Thương...
“Toàn tỉnh có khoảng 12 nghìn nhà ở, 10 nghìn giếng nước và hố xí bị ngập trong lũ. Ngoài việc chỉ đạo nhân viên y tế trực tiếp xử lý hóa chất giếng khơi bị ngập, phun thuốc xử lý môi trường vùng lũ, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường hướng dẫn người dân cách phòng bệnh, để tránh các loại dịch bệnh đau mắt đỏ, bệnh về da, đường ruột... Vệ sinh nhà cửa, khai thông cống rãnh quanh nhà, ăn chín uống sôi, nhằm phòng dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và dịch mùa xảy ra”.
Phó Giám đốc Sở Y tế
PHẠM MINH ĐỨC
|
Phòng chống dịch mùa
Sau bão lũ, cùng với việc phòng dịch bệnh đau mắt hột, đường ruột, ngoài da ở những vùng bị ngập sâu, ngành y tế cũng tập trung nhân lực phòng bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh mùa. Tại TP.Quảng Ngãi - nơi từng có ổ dịch sốt xuất huyết nhiều nhất tỉnh, nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau bão lũ là rất lớn.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi Huỳnh Hữu Lục, sau bão lũ, trên địa bàn thành phố, cây ngã đổ, rác thải rất nhiều. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm đến chu kỳ của dịch sốt xuất huyết, dịch mùa bùng phát, nên môi trường sau lũ là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát sinh. Vì vậy, trung tâm đã cử 1 - 2 nhân viên đứng cánh phối hợp với các trạm y tế xã, phường tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân xử lý nguồn nước nhiễm bẩn, vệ sinh môi trường, thu dọn cây ngã đổ, tạo môi trường thông thoáng để phòng dịch.
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN