Bệnh đường hô hấp ở trẻ em gia tăng

08:11, 04/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ cuối tháng 9 đến nay, mỗi ngày, Khoa Hô hấp (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) tiếp nhận hàng trăm bệnh nhi đến khám, điều trị. Trong đó, có 30 - 40 trẻ phải nhập viện điều trị do các bệnh về đường hô hấp gây nên, nhiều nhất là viêm phổi và viêm phế quản.
[links()]
Tại Khoa Hô hấp, hiện có khoảng 200 bệnh nhi nội trú. Khi thời tiết lạnh, độ ẩm cao như hiện nay, số trẻ em bị bệnh đường hô hấp sẽ còn tăng cao hơn nữa. Chị Nguyễn Ngọc Anh, mẹ cháu Ngô Thùy Anh đang điều trị tại Khoa Hô hấp, cho biết: “Ở nhà cháu bị ho có đờm, sốt, mệt mỏi, khò khè, nhất là về đêm thì cháu ho và rất khó thở, nên tôi cho cháu nhập viện. Đến nay, cháu cũng đỡ nhiều rồi”. 
 
Bệnh nhi bị bệnh đường hô hấp được người thân chăm sóc tại Khoa Hô hấp (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh).
Bệnh nhi bị bệnh đường hô hấp được người thân chăm sóc tại Khoa Hô hấp (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh).
Những bệnh đường hô hấp thường gặp đó là viêm đường hô hấp trên. Bệnh có thể sốt, chảy mũi nước, nghẹt mũi, ho. Bệnh sẽ tự khỏi sau 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, nếu trẻ có sức đề kháng kém có thể chuyển nặng hơn, gây viêm phổi hoặc suy hô hấp. Một bệnh viêm đường hô hấp trên hay gặp ở trẻ nhỏ là viêm amidan, sau một thời gian sổ mũi chuyển sang chảy mũi xanh kéo dài, dẫn đến viêm xoang.
 
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là bệnh có tỷ lệ mắc và chết cao nhất trong tất cả các loại bệnh, đặc biệt ở trẻ em. Mỗi năm, trẻ thường mắc từ 3- 5 lần, có khi cả chục lần khi thời tiết thay đổi. Điều này gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cũng như sự phát triển của trẻ. Bệnh lại diễn biến nhanh, dễ chuyển thành nặng và có thể gây tử vong. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh có thể khỏi hoàn toàn cũng như hạn chế biến chứng.
 
Bác sĩ Trương Thị Thanh - Phó trưởng Khoa Hô hấp (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) cho biết: “Để phòng bệnh đường hô hấp nói chung, thì các bé sinh ra phải cho bú mẹ càng sớm càng tốt, nhất là trong vòng 1 giờ đầu, nếu sức khỏe người mẹ cho phép. Thời gian bú mẹ hoàn toàn là trong 6 tháng đầu và cho bú kéo dài đến 18 - 24 tháng. Ngoài vấn đề dinh dưỡng, cần cho ăn dặm đúng cách và phù hợp lứa tuổi. 
 
Môi trường vệ sinh cho trẻ giữ tốt, trong lành, ít khói bụi. Không cho trẻ uống đồ uống lạnh, nước đá. Nếu nằm điều hòa cần điều chỉnh nhiệt độ hợp lý, mức độ không chênh lệch quá cao so với nhiệt độ môi trường. Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ. Nếu trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như sổ mũi, hắt hơi, ho kéo dài cũng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám, không nên để kéo dài sẽ làm bệnh nặng thêm”.
 
Theo thống kê, có khoảng 7- 10% trẻ mắc các bệnh hô hấp phải nhập viện điều trị, còn lại có thể chăm sóc, điều trị tại nhà. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ có con bị sốt, ho, chảy nước mũi... cần chú ý nếu trẻ có các dấu hiệu nguy hiểm như: Ngủ li bì, không uống được, thở rít khi nằm yên, nhịp thở nhanh, sốt cao cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
 
Bài, ảnh: Kim Liên 
 
 

.