(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, các huyện miền núi đã có nhiều sáng tạo trong công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch Covid-19.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sáng tác bài hát để tuyên truyền
Chị Đinh Thị Yên ở thôn Nước Min, xã Sơn Mùa (Sơn Tây) có biệt danh là “chim sơn ca của núi rừng”. Nhờ giọng hát trời phú và sẵn niềm đam mê với dân ca của dân tộc mình, nên mỗi khi có hoạt động lễ hội, hát múa hay các cuộc thi văn nghệ trong và ngoài tỉnh, chị Yên đều đại diện cho địa phương tham gia và đoạt nhiều giải cao.
Chị Đinh Thị Yên tập bài hát tuyên truyền chống dịch Corona cho các em nhỏ trong làng. |
Hiểu được văn nghệ có vai trò rất lớn trong tuyên truyền, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, mới đây chị Yên đã sáng tác bài hát bằng tiếng Ca Dong mang tên “Làng mình phòng dịch Corona”.
Chỉ vận dụng làn điệu ca choi, với ca từ dung dị, dễ thuộc, dễ hát như một bài nói chuyện có vần, có điệu. Cứ thế, mỗi khi lên rẫy, hay lúc họp dân chị Yên đều hát để người dân nghe và nhắc nhau làm theo. “Bà con mình lên nương lên rẫy, không được tụ tập đông người. Phải thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay. Mình lên rẫy đi làm, mình hái cây thuốc quý về để nhà, sắc uống nâng cao sức khỏe. Mình không nghe tin đồn không đúng, không lo sợ corona…” (lời bài hát của chị Yên khi dịch qua tiếng Việt).
Không những tham gia tuyên truyền tại khu dân cư mà chị Yên còn tập hát cho các em nhỏ trong làng để các em biết hát dân ca và cùng nhau tuyên truyền phòng, chống dịch. Theo chị Yên, không chỉ riêng bài hát trên, mà chị sẽ tiếp tục vận dụng những làn điệu dân ca của dân tộc Ca Dong, tiếp tục có những bài hát để tuyên truyền đến người dân địa phương các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như động viên, khích lệ tinh thần lao động, sản xuất...
Tại huyện miền núi Minh Long, thời gian qua các tình nguyện viên chữ thập đỏ mang loa phát thanh chạy quanh làng cập nhật thông tin về dịch bệnh cho người dân và hướng dẫn cách phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Nhờ đó, đồng bào Hrê đã nắm được nhiều thông tin, góp phần phòng, chống dịch hiệu quả.
|
Phát huy các tổ tự quản
Nghệ nhân Đinh Ka La ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây) năm nay đã hơn 80 tuổi. Thời gian qua, ông lặn lội gõ cửa từng nhà để vận động dừng các lễ hội đông người, hoãn tiệc cưới hỏi, sinh nhật... để phòng dịch.
Theo già Đinh Ka La, lợi dụng tình hình dịch bệnh, một số người tung tin đồn thổi vô căn cứ, khiến dân làng hoang mang. Vì vậy, ông đã cùng cán bộ thôn họp dân, tuyên truyền các chủ trương chính sách, các quy định chống dịch của tỉnh, của huyện để người dân nắm rõ và thực hiện".
Chủ tịch UBND xã Sơn Mùa Hà Phải cho biết: “Xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch nên địa phương đã thành lập 4 - 5 tổ tự quản tại các thôn cùng già làng, người uy tín tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch. Nhờ đó, rất nhiều tiệc cưới hỏi tạm dừng và nhiều trường hợp đi làm ăn xa trở về được theo dõi, giám sát, khai báo y tế để sàng lọc và tổ chức cách ly kịp thời”.
Còn tại xã Sơn Nham (Sơn Hà), nhờ chính quyền, các đoàn thể ở địa phương tuyên truyền, vận động mà người dân đã tháo dỡ các hình nộm bằng rơm "chống dịch Covid-19" đặt nhiều nơi trong thôn.
"Hiện nay, người dân không tin việc có hình nộm sẽ chống dịch bệnh vào làng, mà đã chủ động tăng cường vệ sinh thôn xóm, mang khẩu trang và nhắc nhở nhau phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế. Qua sự vào cuộc tuyên truyền tại 12 tổ tự quản thuộc 6 thôn, có gần 10 hộ dừng các hoạt động đãi tiệc, cưới hỏi, hạn chế tụ tập đông người”, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Nham Dương Ngọc Thạch thông tin.
Bài, ảnh: TRÍ PHONG