Rong biển là một nguyên liệu không thể thiếu trong sushi, kimbap, cơm chiên kim chi hay các món canh Hàn Quốc.
Rong biển đang dần được bán và sử dụng rộng rãi ở Việt Nam trong những năm gần đây. Nguồn dinh dưỡng quý từ đại dương này không chỉ tốt cho sức khỏe, mà còn giàu dược tính, giảm mỡ máu, hạ huyết áp, thanh lọc cơ thể, làm đẹp da, hỗ trợ phòng chống ung thư... Đặc biệt. rong biển có vai trò rất quan trọng trong việc bổ sung iod cho tuyến giáp và hỗ trợ điều trị các bệnh tuyến giáp.
Rong biển còn gọi hải đới, tảo biển... Tên khoa học: Sargassum henslowianum J.Agardh., họ Rong mơ (Sargassaceae). Có nhiều loài rong khác cũng được sử dụng làm thực phẩm hay làm thuốc. Bộ phận dùng là toàn cây khô của một số loài tảo biển. Dược liệu thu hái được rửa bằng nước ngọt để loại muối và tạp chất; phơi hay sấy khô ở nhiệt độ thấp.
Về thành phần hóa học, rong biển chứa nhiều iod, acid alginic, alginat, chất béo, chất đường, calci, phospho. Theo Đông y, rong biển vị đắng mặn, tính hàn; vào tỳ, can, thận. Tác dụng nhuyễn kiên tán kết, hoá đàm, lợi thuỷ tiết nhiệt. Dùng tốt cho người bị bướu cổ, viêm sưng hạch, lao hạch, nấc cụt, phù nề, viêm tràn dịch mào tinh hoàn. Ngày dùng 6 - 10g bằng cách nấu hầm, xào hoặc kết dược liệu khác.
Một số bài thuốc chữa bệnh có rong biển
Y học hiện đại dùng rong mơ chữa bệnh bướu cổ: viên iotamin có 50 - 70mcg iod; ngày 2 - 4 viên, uống trong 3 - 5 tháng.
Chữa lao hạch cổ:
Bài 1: rong biển 12g, tằm vôi 6g. Các vị sao chung, nghiền thành bột mịn. Dùng nước sắc bạch mai (mai trắng) để làm hoàn. Chia uống 2 lần.
Bài 2: rong biển 9g, thổ bối mẫu 9g, hương phụ 9g, hạ khô thảo 9g. Sắc uống trong ngày.
Chữa phì đại tuyến tiền liệt gây bí tiểu tiện ở người già: rong biển 10g, xuyên sơn giáp 10g, lệ chi hạch (hạt quả vải) 15g, quất hạch (hạt quả quýt) 15g, vương bất lưu hành 15g. Sắc uống 2 lần trong ngày.
Chữa lở ngứa ngoài da: rong biển 16g, liên kiều 12g, ngưu bàng 8g, hạ khô thảo 8g, nga truật 8g, tam lăng 4g, trần bì 2g, bán hạ 2g. Sắc uống 2 lần trong ngày.
Món ăn thuốc trị bệnh có rong biển
Canh rong biển ý dĩ: rong biển 30g, ý dĩ 30g, trứng gà 3 quả. Rong biển ngâm cho nở, luộc chín tới, thái đoạn, cùng ý dĩ nấu chín nhừ để sẵn. Cho dầu thực vật vào chảo, đun nóng, đập trứng gà vào, đánh khuấy cho chín, cho canh rong biển ý dĩ vào, thêm gia vị thích hợp. Món này rất tốt cho người bị tăng huyết áp, đau tức vùng ngực, các bệnh nhân u bướu.
Rong biển hầm đậu phụ tốt cho người bị viêm xương hạch và đau khớp ở thanh thiếu niên. |
Canh thịt lợn nấu rong biển: rong biển 300g, thịt lợn nạc 100g (hoặc đậu phụ 200g). Thịt lợn băm nhỏ; rong biển ngâm nước gạo một đêm để khử mặn, rửa sạch, nấu cho chín tái, thái đoạn, nấu tiếp cho chín nhừ, thêm thịt băm, dấm, gia vị để ăn, cho thêm hành tươi. Món này rất tốt cho nam giới bị viêm tinh hoàn, người bị sưng hạch, nấc cụt, bướu cổ lành tính.
Vịt hầm rong biển: rong biển 120g, vịt 1 con. Rong biển ngâm rửa, luộc qua, cắt đoạn. Vịt làm sạch, chặt miếng, cùng rong biển, thêm gia vị hầm nhừ. Một tuần ăn 2 lần. Món này thích hợp cho bệnh nhân bướu giáp trạng lành tính (bướu cổ do thiếu iod).
Rong biển hầm đậu phụ: rong biển 30g, đậu phụ 100g. Rong biển làm như trên; đậu phụ thái miếng; thêm gừng tươi đập giập và gia vị, dầu thực vật, hầm cách thủy cho chín nhừ. Ngày ăn 1 lần, liên tục 15 ngày. Món này dùng tốt cho người bị viêm xương hạch và đau khớp ở thanh thiếu niên (lưu đàm ứ tại quan tiết).
Rong biển hầm củ cải: rong biển 200g, củ cải trắng 150g, thanh quả (quả trám) 50g. Củ cải thái lát, rong biển cắt đoạn, thêm gia vị cùng với trám nấu nhừ. Ngày ăn 1 lần, liên tục 7 - 10 ngày. Món này rất tốt cho người bị viêm họng khô, viêm khí phế quản (thể viêm khô mạn tính, ho ít đờm, khi lạnh ẩm viêm họng, ho, đờm nhiều; ấm nóng thì đỡ).
Rượu hải đới: rong biển 500g thái vụn, ngâm trong 2.000ml rượu, để sau 1 tháng là được, lấy bỏ bã. Uống 2 lần sáng, chiều, mỗi lần 20 - 30ml trước bữa ăn. Dùng tốt cho người bị viêm sưng hạch bạch huyết.
Kiêng kỵ: Người có tỳ vị hư hàn nên thận trọng khi dùng.
Theo TS. Nguyễn Đức Quang/SKĐS