Phi công Anh, bệnh nhân 91 nhiễm Covid-19 hồi phục kỳ diệu, có thể tự ngồi dậy, viết vào bảng và bấm nút điều khiển giường.
Tiểu ban Điều trị cho biết, sau 6 ngày cai ECMO, phi công Anh, bệnh nhân 91, 43 tuổi tỉnh táo hoàn toàn, phổi thông khí tốt hơn, đã hết nhiễm khuẩn Burkholderia cenocepacia. Bệnh nhân đã giảm sốt và bước đầu đáp ứng rất tốt với kháng sinh để điều trị nhiễm nấm trong máu.
Điều kỳ diệu, đến hôm nay, sức cơ tay bệnh nhân đã tăng lên 4/5, cơ chân đạt 2/5 trong khi nhiều ngày trước dù có tiến triển nhưng cơ tay chỉ đạt 3/5 và cơ chân còn 1/5.
Cơ tay, chân hoạt động tốt hơn giúp bệnh nhân có thể tự ngồi dậy, tự viết vào bảng và tự bấm nút điều khiển độ cao của giường, thực hiện động tác di chuyển chân trong tư thế ngồi.
Từ suy thận, từng tính phương án phải thay thận, đến hôm nay thận bệnh nhân đã hồi phục, ngưng lọc máu 12 ngày.
Sự hồi phục quá nhanh của bệnh nhân khiến Hội đồng chuyên môn hết sức ngỡ ngàng. Đây là thành công bước đầu của những cuộc hội chẩn trực tuyến liên tục, chỉ định điều chỉnh kháng sinh hợp lý và nỗ lực không mệt mỏi của các bác sĩ tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM và BV Chợ Rẫy gần 3 tháng qua.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, với những bệnh nhân Covid-19 khác, những tiến triển nhỏ là bình thường nhưng với bệnh nhân 91 là một nỗ lực rất lớn của cả "team" điều trị, đã đưa ra những phương án điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân từng giai đoạn.
“Đây là một nỗ lực phi thường bởi chúng ta đã có những lúc bi quan. Đến hôm nay, những tiến triển kỳ diệu của bệnh nhân như một lời đông viên, khích lệ các thầy thuốc, các chuyên gia để tiếp tục cố gắng, cống hiến sức lực để điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất”, PGS Khuê nói.
Dù vậy, các chuyên gia cho biết, đờm bệnh nhân vẫn còn vi khuẩn Ralstonia pickettii, đây là loại vi khuẩn ít gặp. Do đó bệnh nhân tiên lượng vẫn còn nặng, cần nhiều tuần để cai máy thở. Trong giai đoạn này, bệnh nhân có thể gặp những đợt nhiễm trùng mới.
Thúy Hạnh/VietNamNet