Ngân kiều thang là phương thuốc được sử dụng từ lâu đời để trị bệnh thuộc phạm vi ôn dịch, một loại bệnh, khi khởi phát có biểu hiện sốt cao, thiên về nhiệt, cấp tính diễn tiến nhanh, bệnh cảnh thường nặng. Nguyên nhân do phong hàn xâm nhập qua tấu lý, miệng họng vào phế; đồng thời biểu hiện các triệu chứng ho, nhiều đờm, đau họng…Thời điểm ủ bệnh là mùa đông, khi gặp phong khí của mùa xuân, mưa phùn ẩm thấp, ấm áp, tạo điều kiện phát tác gây thành dịch, ôn dịch.
Phương thuốc này được chỉ định dùng ở thời kỳ đầu, thời kỳ khởi phát của bệnh ôn dịch. Với công thức: kim ngân hoa 12g, liên kiều 12g, bạc hà 12g, kinh giới tuệ 6g, đạm đậu xị 12g, ngưu bàng tử 12g, cát cánh 12g, đạm trúc diệp 12g, cam thảo 4g.
Cách chế biến:
Hoa kim ngân, được thu hái từ cây kim ngân (Lonicera japonica), cây mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi trong nước ta để lấy nguyên liệu làm thuốc. Thu hái lấy nụ hoa, chỉ được phép 5 % hoa đã nở. Trước khi dùng vi sao.
Kim ngân hoa (hoa khô của cây kim ngân) là vị thuốc trong bài "Ngân kiều thang" - phương thuốc từ lâu đời trị bệnh ôn dịch. |
Liên kiều là vị thuốc thu hái từ cây liên kiều (Forsythia suspensa), còn phải nhập từ Trung quốc. Khi dùng cần được loại bỏ hạt, lấy hai mảnh vỏ, sao vàng.
Bạc hà (Mentha arvensis) là cây trồng phổ biến ở đồng bằng Bắc bộ. Khi cây bắt đầu ra hoa, thì cắt lấy bộ phận trên mặt đất, phơi khô, hoặc sấy khô ở 50 - 60 độ C. Trước khi dùng, cắt đoạn 3-5 cm, vi sao.
Kinh giới tuệ: là phần ngọn mang hoa của cây Kinh giới (Elsholtzia ciliata). Kinh giới được trồng ở khắp nơi trong cả nước để làm rau thơm,và làm thuốc. Thu hái, cắt lấy phần ngọn mang hoa, phơi khô, hoặc sấy khô ở nhiệt độ 50 – 60 độ C. Trước khi dùng, cắt đoạn 3-5 cm, vi sao.
Đạm đậu xị:được chế từ đậu đen (Vigna cylindrica). Làm chín hạt đậu, ủ cho lên men, phơi khô, hoặc sấy ở nhiệt độ thấp 30 đô C.
Ngưu bàng tử: hạt của cây ngưu bàng (Arctii lappae). Cây mọc hoang hoặc được trồng ở một số vùng núi có khí hậu mát ở nước ta. Trước khi dùng lấy hạt sao vàng.
Cát cánh: rễ của cây cát cánh (Platicodon grandiflora), được trồng ở nhiều nơi trong nước ta. Đem rễ thái phiến mỏng, sao vàng.
Đạm trúc diệp (Lophatherum glacile): mọc hoang ở rừng núi phía bắc nước ta. Thường lấy cả thân, lá và rễ, rửa sạch, phơi khô, cắt đoạn, sao qua.
Cam thảo bắc (Glycyrrhiza glabra): còn phải nhập, trước khi dùng thái phiến, vi sao.
Bào chế: Trước đây, cổ phương này thường bào chế dưới dạng thuốc bột, nên có tên Ngân kiều tán. Vì trong phương thuốc có hai vị có tinh dầu là bạc hà và kinh giới. Để khỏi mất hương vị của 2 vị thuốc này, nên dùng cách tán bột. Tuy nhiên, dùng bột khá bất tiện về bảo quản, dễ mốc và khó uống. Do đó, được bào chế thành các dạng khác, dễ sử dụng cho người bệnh, bảo quản.
Thuốc hoàn: đem 2 vị bạc hà và kinh giới tuệ, cất lấy phần tinh dầu, để riêng tinh dầu này và phần nước bão hòa tinh dầu. Mặt khác đem phần bã của bạc hà, kinh giới cùng sắc với 6 vị thuốc còn lại: liên kiều, đạm đậu xị, ngưu bàng tử, cát cánh, đạm trúc diệp, cam thảo. Sắc trong 2 giờ, làm hai lần. Để lắng, lọc, trộn với dịch nước no bão hòa tinh dầu nói trên rồi cô thành cao đặc. Đem kim ngân hoa tán bột mịn trộn đều vào cao đặc, sấy khô, tán thành bột mịn. Lấy tinh dầu bạc hà và kinh giới, pha thêm chút ethanol, lắc cho tan đều, rồi phun đều vào khối bột mịn trên, trộn đều và thêm mật ong nhào kỹ, chế thành thuốc hoàn. Cũng có thể làm theo cách này để tiến hành bào chế thuốc cốm, viên nén hay viên nang cứng.
Siro: để tiện cho bệnh nhân có thể sử dụng dễ dàng, dễ hấp thu, nhất là với người già và trẻ em, hay bệnh nhân nặng.
Trước hết cũng bào chế ở một số công đoạn cất tinh dầu của bạc hà và kinh giới tuệ như trên, cũng dùng bã bạc hà và kinh giới tuệ nấu với 7 vị thuốc còn lại, nấu hai lần như trên, để lắng, lọc thành cao lỏng. Tinh dầu bạc hà và kinh giới pha với một lượng thích hợp ethanol 70 %, quấy tan đều rồi hòa với cao lỏng 7 vị nói trê, thêm đường và chất bảo quản, đóng chai.
Với cổ phương trên, cũng có thể gia thêm một số vị thuốc khác để tăng tác dụng. Ví dụ gia thêm hoàng cầm (Radix Scutelariae) là rễ của cây hoàng cầm (Scutellaria baicanlensis), vị thuốc này còn phải nhập; hoàng liên (Radix Coptidis) là rễ của cây hoàng liên (Coptis sinensis), cây mọc hoang và được trồng ở Việt Nam. Xuyên tâm liên (Herba Andrographii) còn gọi là cây Công cộng (Andrographii paniculata), cây được trồng ở hầu hết các địa phương trong nước. Lá của cây Bản lam căn (Folium Isatisis). Các vị thuốc này nếu gia thêm sẽ được đưa vào giai đoạn nấu cao.
Việc sử dụng hai dạng thuốc hoàn và siro của cổ phương Ngân kiều thang sẽ đưa lại nhiều tiện lợi cho người bệnh. Đây là một chế phẩm hỗ trợ rất tốt cho việc điều trị những bệnh nhân mắc bệnh ôn dịch ở giai đoạn đầu.
Theo GS.TS. Phạm Xuân Sinh/SKĐS