Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030: Nhấn mạnh trọng tâm dân số và phát triển

10:05, 23/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, lồng ghép các vấn đề dân số trong chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát huy lợi thế của cơ cấu dân số vàng, nâng cao chất lượng dân số... góp phần phát triển nhanh, bền vững đất nước. 
Hằng năm, có 100% tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về chương trình dân số và phát triển (DS&PT). Đó là mục tiêu chính của Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt tại Quyết định số 537/QĐ-TTg ngày 17.4.2020. 
Tuyên truyền công tác dân số ở huyện Sơn Tây. Ảnh: T.L
Tuyên truyền công tác dân số ở huyện Sơn Tây. Ảnh: T.L
Các mục tiêu cụ thể của chương trình này là, đến năm 2030, có 95% các cặp vợ chồng, nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin về cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con. Có 95% các cặp vợ chồng, nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ, ông bà, cha mẹ được cung cấp thông tin về tình hình, nguyên nhân, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh. Có 95% trẻ vị thành niên, thanh niên, nam, nữ sắp kết hôn được cung cấp đầy đủ kiến thức về các hành vi vi phạm pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi. Đặc biệt, 95% nam, nữ thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin về lợi ích của việc tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, lợi ích của tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh.
 
Bên cạnh đó, 100% cơ quan truyền thông đại chúng ở trung ương và địa phương thường xuyên tuyên truyền về giá trị của trẻ em gái, vị thế của phụ nữ và bình đẳng giới. Tất cả các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tiếp tục thực hiện tuyên truyền về DS, sức khỏe sinh sản, KHHGĐ thông qua việc lồng ghép các nội dung vào các môn học chính khóa và ngoài giờ lên lớp phù hợp với cấp học, trình độ đào tạo.
 
Để thực hiện những mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra những nhiệm vụ cần tăng cường cung cấp thông tin đến cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp và huy động các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tham gia truyền thông về DS&PT. Chương trình cần đa dạng các loại hình, sản phẩm truyền thông bảo đảm về chất lượng, đổi mới về hình thức, nội dung, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các loại hình truyền thông khác. Trong đó, cần chú trọng thực hiện có hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp trong hệ thống DS các cấp, phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác DS, y tế cơ sở, nhằm hình thành và duy trì bền vững hành vi tích cực về DS&PT của các tầng lớp nhân dân.
 
Trong những năm qua, thực hiện Chiến lược DS và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi về DS&PT giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh đã tác động mạnh mẽ, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về công tác DS. Qua các đợt chiến dịch đã nâng cao nhận thức của đa số cặp vợ chồng, thu hút trên 70% phụ nữ từ 15 - 49 tuổi tham gia thực hiện các dịch vụ sức khỏe sinh sản, KHHGĐ. Toàn tỉnh đã xây dựng được 2 xã và 139 thôn trên 3 năm không có người sinh con thứ ba trở lên, đến năm 2019 duy trì được 81 thôn không có người sinh con thứ ba trở lên.
 
Để kịp thời ban hành Chiến lược truyền thông DS tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, Sở Y tế đã giao Chi cục DS - KHHGĐ xây dựng Chương trình Truyền thông DS đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh và hiện Chi cục đã xây dựng hoàn thành dự thảo Kế hoạch thực hiện Chương trình nói trên trình Sở Y tế.    
 
       H.THẢO - TR.TUYẾT
 
 
 

.