Cây mào gà trắng còn có tên bông mồng gà trắng, đuôi lươn, dã kê quan, thanh tương tử. Tên khoa học Celosia argentea L. (C linearis Sw); thuộc họ dền amaranthaceae.
Người ta thường dùng vị thanh tương tử (Semen Celosiae) là hạt chín phơi hay sấy khô của cây mào gà trắng.
Mào gà trắng là một loại cỏ mọc quanh năm, thân mọc thẳng, nhẵn, mang nhiều cành, cao 0,3m - 1m, có thể tới 2m. Lá mọc so le hình mác, nguyên, đầu nhọn, dài 8cm - 10cm, rộng 2cm - 4cm. Vào mùa hạ và mùa thu ra hoa không có cuống. Mọc thành bông trắng hoặc hơi hồng, dài 3 - 10cm, đồng trưởng. Quả nang, mở theo hình hộp, trong mang nhiều hạt. Hạt dẹt màu đen, hoặc nâu đỏ, mặt bóng, đường kính khoảng 1mm. Khi nhìn qua kính lúp thấy mặt hạt có những vân và một điểm hõm là rễ, vỏ giòn, dễ vỡ, không mùi, vị nhạt.
Nguồn gốc cây từ phía đông Ấn Độ nhập sang Việt Nam từ lâu. Được trồng khắp nơi ở nước ta để làm cảnh vì cây hoa có dáng đẹp và để lấy hạt làm thuốc.Trồng bằng hạt vào mùa xuân.Đến tháng 9 - 10 hạt chín, hái hoa về phơi khô, đập lấy hạt sẩy loại hết tạp chất, phơi lần nữa cho thật khô.Có khi dùng cả hoa.
Theo tài liệu cổ: Thanh tương tử vị đắng hơi hàn, vào can kinh. Có tác dụng khử phong nhiệt, thanh can hỏa, làm sáng mắt. Dùng chữa phong nhiệt làm mắt đau.Những người đồng tử mở rộng cấm dùng. Thanh tương tử cũng được dùng làm thuốc thu liễm, cầm máu, tiêu lỏng, trong các bệnh xích bạch, lỵ, lòi dom, chảy máu ruột, thổ huyết, máu cam, tử cung xuất huyết, bệnh về gan và mắt (sưng đỏ, nhiều tia máu).
Liều dùng: 4g - 12g hay hơn trong 1 ngày, dưới hình thức sắc uống hoặc thuốc viên.
GTheo S. ĐỖ TẤT LỢI/SKĐS