Cán bộ chuyên trách dân số cơ sở: Nỗ lực vì chất lượng dân số

09:03, 20/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chất lượng dân số (DS) ngày càng cải thiện có phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ chuyên trách DS cơ sở. Nhiều người vẫn gắn bó với công việc này suốt hàng chục năm qua, mặc dù khối lượng công việc nhiều, trong khi mức thù lao lại thấp.
Hàng chục năm làm công tác dân số
 
Bà Huỳnh Thị Thủy (1972) vẫn nhớ mốc thời gian tháng 4.1994 khi bà được giao phụ trách công tác DS-KHHGĐ tại xã Đức Nhuận (Mộ Đức). Cũng như những người cán bộ chuyên trách DS khác, bà Thủy đảm nhận nhiều công việc như rà soát số lượng trẻ em, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trẻ vị thành niên, người cao tuổi (NCT) ở địa phương.
 
Bà Thủy cho biết: Chúng tôi thường xuyên rà soát để nắm các trường hợp trẻ em bị bệnh tim, hở hàm ếch để cung cấp thông tin hỗ trợ phẫu thuật, hoặc số trẻ tàn tật, mồ côi, trẻ lang thang để trẻ kịp thời được hỗ trợ các chế độ. Cán bộ phụ trách DS địa phương phải thường xuyên kết hợp với cộng tác viên phụ trách địa bàn theo dõi biến động DS như người mất, trẻ sinh ra, người chuyển đến, chuyển đi hằng tháng... 
 
Bà Huỳnh Thị Thủy (thứ hai từ phải sang) thường xuyên kết hợp cùng với cộng tác viên theo dõi, cập nhật biến động dân số ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức).
Bà Huỳnh Thị Thủy (thứ hai từ phải sang) thường xuyên kết hợp cùng với cộng tác viên theo dõi, cập nhật biến động dân số ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức).
Để vận động phụ nữ áp dụng các biện pháp tránh thai, bà Thủy kết hợp cùng với công tác phụ nữ trong các buổi sinh hoạt để triển khai, nói chuyện về các biện pháp tránh thai, các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, đồng thời tuyên truyền về sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh.
 
Còn đối với bà Võ Thị Ngọc (1967) phụ trách công tác DS tại xã Đức Thạnh (Mộ Đức) từ những ngày đầu triển khai mạng lưới DS trên cả nước vào năm 1993. Với phương châm làm việc hết mình, bà Ngọc cùng với đội ngũ cộng tác viên DS tại địa phương duy trì họp định kỳ hằng tháng để nắm bắt tình hình DS biến động, kịp thời triển khai cho cộng tác viên khi có văn bản mới, hướng dẫn cộng tác viên cập nhật, kịp thời báo cáo thông tin. Những năm trước, bà Ngọc còn phối hợp với các hội, đoàn thể lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt, hướng dẫn người dân sử dụng các biện pháp tránh thai trong các chiến dịch đạt chỉ tiêu được giao.
 
Việc nhiều, thù lao thấp
 
Hai năm qua, thực hiện Đề án chăm sóc sức khỏe NCT, những người làm công tác DS địa phương phải thường xuyên nắm thông tin về NCT ở địa phương, nhất là với các trường hợp đau yếu, neo đơn để thăm hỏi, giúp đỡ đưa đến cơ sở khám bệnh, hỗ trợ về y tế. Bà Thủy cho hay: “Để triển khai đề án hiệu quả, tôi còn tham gia sinh hoạt cùng với 4 CLB NCT ở địa phương để tư vấn cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người già.
 
Tại địa phương còn có tổ tình nguyện viên chăm sóc NCT, thường xuyên kêu gọi, hỗ trợ NCT đến trạm y tế để khám bệnh”. Ngoài ra, với Đề án chăm sóc sức khỏe trẻ vị thành niên, những người làm công tác DS ở cơ sở còn tổ chức các chuyên đề về sức khỏe vị thành niên, nhất là tác hại của việc quan hệ tình dục trước hôn nhân, các biện pháp phòng tránh thai và những ảnh hưởng của việc phá thai.
 
Nhiệt tình, tận tâm với công tác DS là những nhận xét của người dân, chính quyền địa phương dành cho những cán bộ chuyên trách DS, nhất là với những người đã gắn bó hàng chục năm với công tác này. Để duy trì đều đặn công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, họ phải nỗ lực hết sức mình, gạt qua những trăn trở về mức thù lao thấp để làm tốt công tác DS. Cá biệt, một số  cán bộ chuyên trách DS chưa được nhận thù lao suốt ba tháng qua. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tinh thần, nhiệt huyết mà họ đã dành cho công việc đã đảm nhận hàng chục năm qua.
 
Bài, ảnh: HUỲNH THẢO
 
 
 

.