Ong mật, tên khoa học là Apis cerana Fabricius, có nguồn gốc ở châu Á, có nhiều giống và được nuôi để lấy mật và các sản phẩm khác như sáp ong, tổ ong, nọc ong, keo ong, phấn hoa, sữa ong chúa... để làm thuốc.
Mật ong
Còn gọi là phong mật, vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ trung, nhuận phế trừ ho, nhuận tràng thông tiêu, chỉ thống giải độc, dùng để bổ dưỡng và chữa các chứng bệnh như ho, táo bón, viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm loét miệng, bỏng, ngộ độc ô đầu... Một số ứng dụng thường dùng như sau:
- Ho do phế táo: mật ong 15g hòa với một lượng dầu vừng thích hợp uống hằng ngày.
- Táo bón, ho khan không có đờm: mật ong lượng vừa đủ uống với nước sôi mỗi ngày 2 lần sáng, chiều. Hoặc mật ong 15ml trộn với một thìa vừng đen giã nát uống với nước ấm, mỗi ngày một lần.
- Tăng huyết áp: vừng đen 50g rang thơm, giã nhỏ, hòa với 50g mật ong và chừng 200ml nước, chia uống 2 lần trong ngày.
- Viêm loét dạ dày – tá tràng: mật ong 100ml chưng cách thủy uống trước khi ăn, mỗi ngày 3 lần, dùng liên tục 2-3 tuần. Hoặc mật ong 10g, cam thảo sống 10g, trần bì 6g, nước 400ml, sắc cam thảo và trần bì với nước lấy 200ml rồi hòa mật ong chia uống 2-3 lần trong ngày.
- Viêm loét lưỡi miệng: mật ong một thìa, đại thanh diệp 15g, sắc lấy nước ngậm.
- Thiếu máu: mật ong 80g, chia uống 3 lần trong ngày.
- Nhọt độc, ung thũng: dùng mật ong trộn với hành củ giã nát đắp lên tổn thương.
- Ngộ độc ô đầu: mật ong uống nhiều lần, mỗi lần 1-4 thìa với nước ấm.
- Viêm gan: mật ong và sữa ong chúa lượng bằng nhau, uống mỗi ngày 20g, 20 ngày là một liệu trình, dùng liên tục 3 liệu trình.
- Bỏng: dùng mật ong bôi sẽ mau khỏi, mau lên da non.
- Trẻ em bị tưa lưỡi: dùng gạc sạch thấm mật ong, quấn vào ngón tay, thoa đi thoa lại miệng lưỡi nhiều lần.
Sáp ong
Còn gọi là phong lạp, vị ngọt, hơi ấm, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, tăng sức và kích thích tiêu hóa. Sáp ong được dùng để chữa trĩ ra máu (kết hợp với nha đam tử), ung nhọt (làm viên phèn phi nấu với sáp ong để uống), chữa bỏng (làm thuốc dán), chữa viêm họng, bí tiểu tiện (dùng sáp ong đốt thành than, tán nhỏ cho trẻ uống với sữa hoặc nước cơm với liều 4g trong một ngày), chữa băng huyết (dùng sáp ong 20g tán nhỏ uống với rượu hâm nóng). Có khi phối hợp với các vị thuốc khác, ví như dùng sáp ong nướng lên, xác ve sầu bỏ miệng và chân đem sao, hai thứ lượng bằng nhau, tán riêng, rây bột mịn rồi trộn đều, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 4g với rượu để chữa da khô, nóng và ngứa ngáy; dùng sáp ong 10g, rễ câu đằng 20g sao vàng, bồ kết 2 quả cả hạt sao giòn, đốt xông khói qua đường tai để chữa viêm tai; dùng sáp ong và nhựa thông lượng bằng nhau nấu cho tan rồi bôi vào đầu ngón chân, ngón tay chữa chín mé...
Phấn hoa, phấn ong, hương ong
Do ong mang về, vị ngọt, tính bình, có công dụng tư bổ cường tráng, ích khí dưỡng huyết, bổ thận điền tinh, được dùng làm thuốc bổ, nâng cao sức đề kháng cho những người bị suy nhược cơ thể, tâm tỳ hư suy, thận tinh bất túc, liệt dương, suy giảm khả năng tình dục, muộn con, đáo tháo đường, ung thư tuyến tiền liệt...
Sữa ong chúa
Còn gọi là phong nhũ, được coi là thuốc bổ dưỡng cao cấp, dùng cho người mới ốm dậy, người già yếu, trẻ em suy dinh dưỡng, phụ nữ sau khi sinh bị thiếu máu, ít sữa, kém ăn, mất ngủ, chữa các bệnh lý như thấp khớp, hen suyễn, sởi, tăng huyết áp, viêm gan virut, suy nhược thần kinh, liệt dương, Parkinson, nhiễm phóng xạ, tàn nhang, trứng cá, viêm da mủ, mụn nhọt...
Keo ong
Còn gọi là phong giao, là thuốc diệt khuẩn tự nhiên, làm tăng tác dụng của các thuốc kháng sinh và kích thích hệ miễn dịch. Dùng keo ong 40% tán nhỏ, trộn với dầu thực vật 60%, đun nhỏ lửa cho tan keo, để nguội, được dùng chữa các thể chàm, mụn nhọt, eczema... Keo ong cắt nhỏ cho vào 10% nước sôi để nguội, chưng cách thủy, khuấy đều bằng đũa tre cho tan keo, ngày dùng 3-4 lần, mỗi lần 30-40 giọt để chữa đau dạ dày. Ngoài ra, keo ong còn dùng dưới dạng xông hơi, viêm ngậm để điều trị các bệnh đường hô hấp như cúm, viêm họng, viêm phế quản...
Tầng ong
Còn gọi là phong phòng, vị mặn, tính bình, có độc, có công dụng thanh nhiệt giải độc, khứ phong tiêu thũng, sát khuẩn, được dùng để trị kinh giản, co giật, bệnh phong, nhũ ung, đinh độc, lao hạch, phong tý, trĩ, lỵ, liệt dương, mụn nhọt... Một số ứng dụng thường dùng như sau:
- Eczema: phong phòng và minh phàn lượng bằng nhau, minh phàn vi sao cho thật khô, tán nhỏ cùng với phong phòng rồi trộn với dầu vừng để làm thuốc bôi.
- Viêm loét, sưng nề lâu ngày: phong phòng sấy khô tán bột, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2g với rượu.
- Ngứa, viêm da: (1) phong phòng sao cháy tán bột, trộn với mỡ lợn bôi. (2) phong phòng 10g, minh phàn 10g, xà sàng tử 30g, sắc kỹ lấy nước ngâm rửa chỗ tổn thương.
- Ho lâu ngày không dứt: phong phòng sao vàng, tán bột, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2-5g.
- Đau răng, viêm lợi: phong phòng 15g, tế tân 2g, nhũ hương 2g, tán bột, chấm vào tổn thương.
Theo ThS. Hoàng Khánh Toàn/SKĐS