Quảng Ngãi: Đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp các biện pháp tránh thai

02:12, 31/12/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Lâu nay, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh vẫn có thói quen trông chờ vào sự tài trợ của Nhà nước để được sử dụng miễn phí các dịch vụ DS- KHHGĐ. Với việc triển khai Đề án 818, ngành Y mong muốn có một sự thay đổi rõ rệt ở nhận thức này để việc thực hiện chính sách dân số đạt hiệu quả cao hơn.
Đề án “Xã hội hóa cung cấp các phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/ sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị nông thôn phát triển giai đoạn 2015 – 2020 (Đề án 818) được triển khai từ năm 2015. Qua 3 năm, đã có 47 tỉnh, thành thực hiện Đề án với kết quả mang lại vượt hơn cả mong đợi.
 
Đề án được phê duyệt với mục đích cung cấp đủ và kịp thời hàng hóa tránh thai và các biện pháp tránh thai khi ngân sách nhà nước không đủ. Đề án thu hút, vận động càng nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia thì hiệu quả càng cao. Qua 3 năm, Đề án đã giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước số tiền 51 tỷ đồng, cùng với đó 7,6 triệu đơn vị hàng hóa và dịch vụ tránh thai đã đến tay người dân. Đây là số tiền không nhỏ được tiết kiệm từ khi thực hiện Đề án.

 

Qua tuyên truyền, nhiều người dân đã ý thức hơn trong việc chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp để bảo vệ sức khỏe và thực hiện tốt chính sách dân số
Qua tuyên truyền, nhiều người dân đã ý thức hơn trong việc chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp để bảo vệ sức khỏe và thực hiện tốt chính sách dân số
 
Nhận thấy kết quả từ Đề án, tháng 10.2019, UBND tỉnh cũng đã có Quyết định triển khai Đề án 818 trên địa bàn tỉnh. Mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về cung cấp các phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình có chất lượng, đảm bảo sự công bằng xã hội, tính bền vững của chương trình mục tiêu y tế - dân số trên địa bàn.
 
Để việc triển khai hiệu quả Đề án 818 tại Quảng Ngãi, ngành DS-KHHGĐ đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc sử dụng các biện pháp phòng tránh thai bằng hình thức trả tiền, mà không chờ đợi sự hỗ trợ của nhà nước như trước đây.
 
Chị Bùi Thị Nga ở xã Tịnh Ấn Đông (TP.Quảng Ngãi) khi hay có buổi tuyên truyền về các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Trạm Y tế, chị liền tham gia. Tại đây, cán bộ chuyên trách dân số cung cấp một số thông tin về các phương pháp phòng tránh thai và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Chị Nga đã vỡ lẽ được nhiều điều.
 
“Khi có tuyên truyền, tư vấn thì mình đến trạm để gặp bác sĩ và từ đó hiểu và biết cách phòng tránh thai nào là phù hợp để mình chủ động lựa chọn và bảo vệ sức khỏe của mình nhiều hơn”- chị Nga chia sẻ.
 
Không chỉ tuyên truyền tại trạm, các cán bộ chuyên trách dân số còn thường xuyên đến nhà những gia đình vì điều kiện công việc hay con nhỏ không thể tham gia các buổi tuyên truyền tập trung để tư vấn. Đồng thời, cung cấp các dịch vụ, biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản và phòng tránh thai hiệu quả. Đây là cách tuyên truyền trực tiếp để Đề án 818 sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

 

 
Bà Võ Thị Thu Hương- Cán bộ chuyên trách dân số xã Tịnh Ấn Đông chia sẻ: Qua những buổi tuyên truyền, thì nhận thấy nhận thức của chị em phụ nữ đã rất cao rồi. Họ biết lựa chọn các biện pháp phù hợp để bảo vệ sức khỏe của chính mình mà không còn thái độ trông chờ, ỷ lại.
 
Tuy nhiên, không phải hầu hết người dân đều có nhận thức về điều này. Khi triển khai Đề án tại các huyện miền núi, khó khăn gặp phải chính cần thay đổi nhận thức của người dân từ việc được nhận miễn phí các phương tiện, dịch vụ tránh thai sang hình thức trả tiền. Bởi theo đề án, đối tượng tiếp tục nhận sự hỗ trợ miễn phí chỉ thu lại trong phạm vi hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.  Còn lại đều phải trả tiền cho các dịch vụ theo nhu cầu của người sử dụng.
 
Ngoài ra, việc đảm bảo nguồn cung ứng nguồn thuốc, các phương tiện tránh thai cũng rất quan trọng. Riêng tại Quảng Ngãi, trong khoảng từ đầu năm 2019 đến nay, tại nhiều địa phương, nguồn cung cấp các phương tiện, dịch vụ phòng tránh thai còn hạn chế. Nhiều chị em có nhu cầu sử dụng các phương tiện khác, phù hợp với bản thân nhưng rất khó để có thể mua được.
 
Bác sĩ Đặng Thị Phượng- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ cho biết: Ở miền núi thì việc triển khai các biện pháp tránh thai bằng hình thức xã hội hóa, tức là vận động người dân tự trả tiền thì rất khó. Vì đời sống của hầu hết các hộ đồng bào đều khó khăn. Hơn nữa, hiện nhiều người cần nhưng nguồn thuốc hay hàng hóa tránh thai thì được cung cấp về địa phương còn hạn chế.
 
Ở miền núi, việc triển khai Đề án sẽ gặp khó khăn nhiều hơn và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để Đề án đạt hiệu quả cao
Ở miền núi, việc triển khai Đề án sẽ gặp khó khăn nhiều hơn và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để Đề án đạt hiệu quả cao
 
Thuận lợi cũng như khó khăn khi triển khai Đề án 818 trên địa bàn tỉnh đã thấy rõ. Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Quân- Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số, Giám đốc Ban quản lí đề án 818 Trung ương, kết quả thực hiện Đề án là phụ thuộc hoàn toàn vào cả hệ thống chính trị ở Quảng Ngãi.
 
Ông Phạm Hồng Quân cho rằng: UBND tỉnh cần bám sát các hướng dẫn, văn bản của Trung ương để chỉ đạo Sở Y tế huy động các cơ sở y tế trong và ngoài công lập tham gia thực hiện xã hội hóa theo mục tiêu của Đề án.
 
Mục tiêu của ngành dân số là đến năm 2020 sẽ đạt tỷ lệ 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được thăm khám sức khỏe định kỳ; 90% phụ nữ được sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn và 100% các chị em được tiêm chủng đầy đủ các vaccine phòng bệnh trong thời kỳ mang thai để đảm bảo sức khỏe sinh sản và chất lượng dân số. Để đạt được điều này, việc thực hiện Đề án 818 hiệu quả cũng sẽ góp phần đạt mục đích.
 
Bài, ảnh: Khả Nhiên
 
 
 
 
 
 
 

 


.