Ngộ độc cá nóc- lời cảnh tỉnh cho người dân

09:12, 31/12/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên ăn cá nóc vì độc tố trong loài cá này nguy hiểm đến tính mạng nhưng không ít người vẫn chủ quan, lựa chọn cá nóc làm thực phẩm. Sự chủ quan này dẫn đến nhiều vụ ngộ độc cá nóc đã xảy ra, gây nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng. 
Từ lâu cá nóc đã được “chỉ mặt” là “thủ phạm” hàng đầu trong các loại hải sản chứa độc tố, gây ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, dẫn đến chết người. Thực tế, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương ven biển, cũng đã xảy ra những vụ ngộ độc do ăn cá nóc, nguy kịch đến tính mạng, thậm chí tử vong.
 
Gần nhất là vụ ngộ độc cá nóc xảy ra tại xã Bình Thuận (Bình Sơn) khiến 1 người tử vong. Tối ngày 25.12, sau phiên biển trở về, ông Đồng Trinh H. ở thôn Tuyết Diêm 2, tổ chức ăn uống tại gia đình. Trong bữa ăn có món cá nóc mú - là sản phẩm các ngư dân đi biển mang về. Sau khi, ăn 6 người có hiện tượng bị ngộ độc nên được người thân đưa đi cấp cứu tại BVĐKTƯ Quảng Nam.
 
Theo BVĐKTƯ Quảng Nam, ngay sau khi tiếp nhận, các bệnh nhân được y, bác sĩ Khoa Cấp cứu bệnh viện thực hiện các biện pháp điều trị tích cực như: Đặt nội khí quản, thở máy và các thuốc hỗ trợ khác. Sau đó, 6 bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực-Chống độc để tiếp tục điều trị.
 
Tuy nhiên, do bị ngộ độc quá nặng nên ông Đồng Trinh H. không qua khỏi, các nạn nhân còn lại may mắn thoát khỏi cơn nguy kịch. 
 
Các nạn nhân trong vụ ngộ độc cá nóc ở xã Bình Thuận đang được y, bác sỹ điều trị
Các nạn nhân trong vụ ngộ độc cá nóc ở xã Bình Thuận đang được y, bác sĩ điều trị
 
Cách đây không lâu, một vụ ngộ độc tập thể do ăn cá nóc cũng đã xảy ra tại huyện Lý Sơn phải nhập viện cấp cứu khẩn cấp. Sau khi ra biển bắt được cá nóc, nhóm 7 người dân ở xã An Hải, mang đến nhà của ông Trương Đình T. chế biến và cùng nhau uống rượu với cá nóc.
 
Hai giờ sau khi ăn cá nóc, 5 người có triệu chứng ngộ độc thần kinh, tê rần đầu chân tay, lơ mơ, buồn nôn phải chuyển đến Trung tâm Y tế Lý Sơn cấp cứu, trong đó, một người bị ngộ độc nặng phải thuê tàu cao tốc chuyển vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Nhờ cấp cứu kịp thời nên các nạn nhân may mắn không nguy hiểm đến tính mạng. 
 
Đây chỉ là hai trong  số nhiều vụ ngộ độc các nóc xảy ra địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Hầu như, năm nào đi đến các xã miền biển cũng nghe có trường hợp ngộ độc vì “bạo gan” ăn cá nóc. 
 
Khi được hỏi, ai cũng biết ăn cá nóc là rất nguy hiểm, những họ vẫn chủ quan, làm liều với chính mạng sống của mình. Họ lý giải rằng, thịt cá nóc rất ngon, đã ăn nhiều lần rồi mà chẳng sao! Những nạn nhân bị ngộ độc do ăn phải cá nóc có độc hoặc không biết cách chế biến. Song, thực tế ngon đâu không thấy, chỉ thấy ngộ độc, nhiều trường hợp đưa đi bệnh viện cấp cứu không kịp phải chết ‘oan uổng’. 
 
Nhiều vùng biển trên địa bàn tỉnh người dân vẫn vô tư thu mua cá nóc để chế biến
Nhiều vùng biển trên địa bàn tỉnh người dân vẫn vô tư thu mua cá nóc để chế biến
 
Theo các tài liệu nghiên cứu, hiện ở vùng biển nước ta có 66/400 loại cá nóc khác nhau và hầu hết là cá nóc độc. Độc tố có trong cá nóc là Tetrodotoxin, nằm chủ yếu ở các cơ quan nội tạng như mật, gan, ruột, các cơ quan sinh sản và da. Vào mùa sinh sản lượng độc tố trong cơ quan sinh sản tập trung rất cao.
 
Đây là loại độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm, lượng độc tố này trong cá nóc có thể cao gấp 275 lần chất Xyanua và gấp 50 lần so với hạt mã tiền. Chỉ từ 1 - 2 miligam độc tố Tetrodotoxin trong cá có thể gây chết người. Thậm chí, khi nấu chín, phơi khô, kể cả chế biến thành nước mắm, chất độc trong cá nóc vẫn không hề giảm. 
 
Các cơ quan chức năng đã khuyến cáo người dân không được mua bán, chế biến các loại cá nóc làm thực phẩm dưới mọi hình thức để tránh ngộ độc, tránh hiểm họa khôn lường đến sức khỏe. Bởi, với người bình thường chỉ cần ăn 10 gram thịt cá là đã bị ngộ độc, trường hợp nặng gây liệt toàn thân, da tím tái, trụy tim... với tỉ lệ tử vong lên đến 60% nếu cấp cứu chậm.
 
Qua tìm hiểu, hiện nay các nhà khoa học chưa tìm được thuốc đặc trị để giải độc tố cá nóc mà chỉ áp dụng cách điều trị. Các triệu chứng của bệnh nhân bị ngộ độc thường là tê lưỡi, miệng, môi, mặt, tê ngón và bàn tay, ngón chân và bàn chân, đau đầu, vã mồ hôi, đau bụng, buồn nôn và nôn, tăng tiết nước bọt.
 
Trong trường hợp không may gia đình có nạn nhân bị ngộ độc cá nóc, nếu miệng, môi người bệnh tê và người bệnh còn tỉnh táo thì gây nôn, cho uống than hoạt tính, sau đó phải chuyển đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời. 
 
Để không xảy ra những vụ ngộ độc đáng tiếc, cùng với sự tuyên truyền của các cơ quan chức năng, thiết nghĩ người dân không nên chủ quan mà cần có nhận thức đúng sự nguy hiểm khi ăn cá nóc cũng như sử dụng các sản phẩm từ cá nóc để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ cho chính bản thân mình.
 
PV

.