7 công dụng hữu ích cho sức khoẻ khi ăn mãng cầu xiêm

02:12, 30/12/2019
.
Mãng cầu xiêm không chỉ nổi tiếng với món sinh tố mãng cầu thơm ngon, mà còn là vị thuốc nam quý, được sử dụng rộng rãi trong dân gian nhiều nước để phòng và trị bệnh.
 
Trong mãng cầu xiêm có chứa nhiều thành phần tốt cho sức khỏe như: các loại vitamin C, vitamin B1, vitamin B2… Không những thế mà còn có hàm lượng canxi, kali, sắt… giúp bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể. Lá, hạt và trái của chúng được sử dụng trong y học có tác dụng tích cực tới bệnh tiểu đường, thấp khớp. 
Dưới đây là một số lợi ích của mãng cầu xiêm để bạn tham khảo:
 
1. Tăng cường hệ thống miễn dịch
 
100 g mãng cầu đã có đến 20mg vitamin C, gấp đôi so với chuối, lê, táo, nho và dứa. Do đó, đây là loại trái cây rất hữu ích trong việc tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.
 
Từ xa xưa, người dân ở các nước châu Phi và Nam Mỹ đã sử dụng mãng cầu xiêm để điều trị những chứng bệnh do nhiễm virus hoặc ký sinh trùng, bệnh thấp khớp, viêm khớp, trầm cảm… Tại Brazil, lá mãng cầu xiêm còn được nấu thành trà trị bệnh gan; dầu ép từ lá và trái còn non, trộn với dầu ô liu được dùng làm thuốc thoa bên ngoài trị thấp khớp, đau sưng gân cốt.
 
2. Cung cấp năng lượng dồi dào
 
Nếu bạn là người thường xuyên mệt mỏi, khó tập trung thì chỉ cần ăn mãng cầu thường xuyên sẽ thấy ngay hiệu quả. Hàm lượng carbohydrate cao trong mãng cầu rất cần thiết cho việc duy trì sức mạnh tinh thần lẫn thể xác.
 
Ngoài ra, mãng cầu còn có một lượng lớn fructose. Đây là một loại đường tự nhiên giúp bổ sung năng lượng cho cơ thể hoạt động tốt hơn.
 
3. Cải thiện hệ tiêu hóa
 
Nếu thường bị đầy hơi, khó tiêu thì hãy thêm loại trái cây này vào thực đơn hàng ngày bạn sẽ thấy lợi ích tuyệt vời mà nó mang lại. Với hàm lượng chất xơ và các chất dinh dưỡng cao, mãng cầu cón giúp cơ thể bổ sung các vi khuẩn có lợi cho sức khỏe.
 
Đồng thời, nó giúp đẩy nhanh sự chuyển động ruột, thúc đẩy việc bỏ chất thải và tăng cường sự tiêu hóa chất béo và đạm nhanh chóng.
 
4. Bảo vệ hệ thống xương và răng
 
Mãng cầu có chứa phốt pho và canxi. Do đó, ăn mãng cầu sẽ giúp cơ thể bạn củng cố xương và răng chắc khỏe hơn. Đây là một trong những lý do mà mãng cầu được khuyên dùng nhiều cho phụ nữ, trẻ em, và người cao tuổi.
 
5. Hỗ trợ giảm cân
 
Mãng cầu xiêm chứa nhiều chất xơ, vitamin C tự nhiên và chứa nhiều nước, là những thành phần cần thiết giúp quá trình đốt cháy chất béo diễn ra nhanh. Do chứa nhiều chất xơ nên khi ăn bạn cần nhai kỹ, giúp bạn ăn nhanh có cảm giác no và no lâu hơn, hạn chế sự thèm ăn, từ đó lượng thức ăn nạp vào cơ thể bị hạ thấp giúp bạn giảm cân nhanh. Ngoài ra, chất xơ còn là thành phần giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt.
 
Để giảm cân, khi chế biến tốt nhất bạn không nên cho thêm đường hay sữa.
 
6. Ngăn ngừa thiếu máu
 
Điều này tưởng chừng vô lý nhưng trong mãng cầu xiêm rất giàu sắt, với sự hỗ trợ của các khoáng chất này, sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu.
 
Thay vì dùng thuốc, các tế bào hồng cầu trong cơ thể sẽ liên tục được bổ sung và thay mới thông qua chế độ dinh dưỡng giàu rau tươi và trái cây, trong đó có mãng cầu xiêm.
 
7. Hạ huyết áp
 
Mãng cầu gai thường được sử dụng như một phương thuốc dân gian để giảm huyết áp. Huyết áp cao không kiểm soát có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và đột quỵ… Theo các nhà nghiên cứu, khả năng hạ huyết áp của loại thực phẩm này là do “các cơ chế ngoại vi có liên quan đến Ca2⁺ (ion canxi)”.
 
Lưu ý: Không nên sử dụng mãng cầu xiêm trong những trường hợp sau đây
 
– Người đang dùng thuốc hạ huyết áp: Mãng cầu xiêm có tác dụng hạ huyết áp vì vậy người đang dùng thuốc này không nên uống trà lá mãng cầu.
 
– Người đang dùng thuốc tiểu đường: Mãng cầu xiêm có thể làm tăng tác dụng của thuốc.
 
– Người mắc bệnh gan hoặc thận: Mãng cầu xiêm có thể gây nhiễm độc gan hoặc thận nếu dùng quá nhiều.
 
– Người có lượng tiểu cầu thấp: Mãng cầu xiêm làm giảm số lượng tiểu cầu vì vậy nhóm đối tượng này cũng không nên sử dụng mãng cầu xiêm.
 
– Đối với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú được khuyến cáo không sử dụng. Đặc biệt, không nên dùng các chế phẩm làm từ lá, rễ và hạt mãng cầu xiêm trong các trường hợp phụ nữ có thai.
 
Theo SKĐS
 

.