Thầm lặng cứu người

03:08, 04/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong bất kỳ một cuộc phẫu thuật nào, ngoài bác sĩ còn có những người thầm lặng nhưng lại góp phần quyết định thành công cho các ca phẫu thuật, đó chính là những bác sĩ gây mê hồi sức.

Tận tụy, hết lòng vì người bệnh là phẩm chất tốt đẹp khi đồng nghiệp và bệnh nhân nói về họ.

TIN LIÊN QUAN

Đi sớm, về muộn

Trưởng khoa Gây mê hồi sức (Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi) Nguyễn Đình Tin ngoài việc tham gia chẩn đoán, thăm khám, đánh giá bệnh sử, tình trạng bệnh nhân, chuẩn bị phòng mổ và sau đó, anh cùng các bác sĩ tiến hành các công đoạn gây mê cho bệnh nhân và chuyển giao công việc tiếp theo cho bác sĩ phẫu thuật.

Sau ca mổ, các phẫu thuật viên có thể ra khỏi phòng mổ, còn êkíp gây mê hồi sức như bác sĩ Tin vẫn miệt mài làm việc, giúp bệnh nhân thoát mê, thở không phụ thuộc vào máy và chờ đến lúc bệnh nhân tỉnh.

 Bác sĩ gây mê hồi sức ,  Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh theo dõi bệnh nhi sau phẫu thuật.
Bác sĩ gây mê hồi sức , Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh theo dõi bệnh nhi sau phẫu thuật.

Hơn 16 năm làm nhiệm vụ gây mê hồi sức, mỗi ngày, bác sĩ Tin tham gia 10 - 15 ca phẫu thuật. Công việc nhiều, áp lực không nhỏ, nhưng với bác sĩ Tin, đã theo nghề y, đòi hỏi anh và đồng nghiệp không được phép lơ là bất cứ giây phút nào.

“Gây mê hồi sức là một công việc thầm lặng, nhưng đóng vai trò quan trọng trong thành công của một ca mổ. Các bác sĩ gây mê hồi sức luôn theo dõi và tham gia xuyên suốt quá trình phẫu thuật, làm việc quên thời gian, sát cánh cùng bác sĩ phẫu thuật cứu sống bệnh nhân”.

Phó Giám đốc Sở Y tế HUỲNH GIỚI

Còn đối với bác sĩ chuyên khoa I Trần Trọng Hiếu, đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm, thì đã có thâm niên gần 30 năm cống hiến cho ngành y và 16 năm làm bác sĩ gây mê hồi sức. Gặp bác sĩ Hiếu sau khi hoàn thành ca phẫu thuật cho người bệnh, mồ hôi còn thấm đẫm lưng áo, anh lại tất tả chuẩn bị cho ca mổ tiếp theo. Hàng chục năm công tác tại bệnh viện, hầu như bác sĩ Hiếu không có ngày nghỉ cuối tuần hay nghỉ lễ, Tết trọn vẹn.

Đặc biệt là anh "không dám" nghỉ phép ngày nào, bởi bệnh viện chỉ có bác sĩ Hiếu làm nhiệm vụ gây mê hồi sức, nên mọi công việc phẫu thuật đều cần có sự tham gia của anh. “Có khi xong phẫu thuật trở về nhà nghỉ ngơi lúc đêm khuya, tôi lại tiếp tục quay lại bệnh viện, vì có người bệnh cần phẫu thuật cấp cứu. Nếu không có sự cảm thông, ủng hộ của vợ, con thì tôi khó làm tròn trọng trách của mình”, bác sĩ Hiếu bộc bạch.

Toàn tỉnh có 20 bác sĩ gây mê hồi sức. Trong đó, 11 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề. Hiện số bác sĩ gây mê hồi sức tuyến huyện còn thiếu. Ngành y tế đang liên kết với các trường đại học y dược đào tạo, đáp ứng nhu cầu cấp cứu, phẫu thuật ở tuyến dưới, giảm quá tải cho tuyến tỉnh.

Thầm lặng cứu người

Bệnh nhân P.V.K (26 tuổi) bị tai nạn giao thông, vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi trong tháng 6 vừa qua với tình trạng tụ máu dưới màng cứng vùng thái dương trán phải, dập não vùng thái dương trán phải, nứt sọ chẩm thái dương trái.

Khoảng 1 giờ sáng, cả ê kíp bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê hồi sức bệnh viện phải căng mình cấp cứu cho bệnh nhân K. Đến nay, bệnh nhân K đã qua cơn nguy kịch, dần hồi phục.

Hay mới đây, bác sĩ Tin đã cùng tham gia cuộc phẫu thuật cho bệnh nhân V.T.V, bị tai nạn giao thông gây chấn thương ngực, vỡ gan chảy máu ổ bụng. Đây là trường hợp bị thương khá nặng, nhưng nhờ những nỗ lực của các thầy thuốc, đến nay bệnh nhân cũng đã hồi phục.

Mỗi tháng tham gia phẫu thuật hơn 100 trường hợp bệnh nhân là ngần ấy thời gian bác sĩ Hiếu thầm lặng cống hiến trong phòng mổ. Ngoài nhiệm vụ quản lý chuyên môn gây mê hồi sức, bác sĩ Hiếu còn quản lý Khoa Thận nhân tạo. “Công việc áp lực rất nhiều, không có thời gian thảnh thơi và cho gia đình. Nhưng đã bước vào nghề y, tôi xác định, tính mạng, sức khỏe người bệnh là trên hết”, bác sĩ Hiếu chia sẻ.

Bài, ảnh: KIM NGÂN
 

.