Sinh con "thuận tự nhiên": Tiềm ẩn nhiều tai biến khó lường

03:08, 08/08/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Không đi khám thai định kỳ hay tự ý sinh con tại nhà, đó là sự chủ quan còn tồn tại ở nhiều gia đình thuộc các huyện miền núi Quảng Ngãi. Chính sự chủ quan này đã khiến nhiều sản phụ, trẻ sơ sinh rơi vào tình trạng nguy kịch, ảnh hưởng đến tính mạng.
Cuối tháng 7 vừa qua, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh tiếp nhận một ca bị băng huyết nặng, mất đến 2/3 lượng máu của cơ thể khi sinh con tại nhà. Sau khi được cấp cứu kịp thời và điều trị tích cực nhiều ngày, đến nay sức khỏe sản phụ Hồ Thị Gởi ở xã Trà Xinh (Tây Trà) đã dần hồi phục.
 
18 tuổi, lần đầu sinh con, sản phụ Gởi chưa một lần đi khám thai. Đến ngày sinh đẻ, sản phụ được người nhà là mẹ ruột đỡ đẻ. “Em đau bụng chuyển dạ thì được mẹ đỡ. Sinh em bé ra thì em không biết gì nữa, em bị xỉu vì mất máu nhiều quá”- Gởi kể lại sự việc. Lúc này, người nhà mới hoảng hốt chở đi cấp cứu tại Trạm Y tế xã, rồi chuyển lên Trung tâm Y tế huyện Tây Trà. Nhưng tình hình quá nguy cấp, Gởi được đưa xuống Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.
 
Sản phụ Gởi đang dần hồi phục sau khi được tích cực cấp cứu và điều trị
Sản phụ Gởi đang dần hồi phục sau khi được tích cực cấp cứu và điều trị
 
Khi được hỏi về nguyên nhân vì sao sinh tại nhà, sản phụ Gởi chia sẻ, đó là tập tục lâu nay ở nơi Gởi sống. Các chị em, họ hàng của Gởi, hễ ai sinh đẻ thì được các phụ nữ lớn tuổi trong nhà đỡ đẻ.
 
Chủ quan vì nghĩ sinh đẻ là chuyện quá bình thường, đã khiến nhiều ca sinh tại nhà của đồng bào vùng cao Quảng Ngãi gặp tai biến dẫn đến nguy hiểm tính mạng cả mẹ và bé. Trong đó, băng huyết chính là nguy cơ hàng đầu dẫn đến tử vong của sản phụ khi sinh tại nhà. Sản phụ Gởi là trường hợp cực kì hiếm được cứu sống thành công sau khi truyền gần 7 lít máu.
 
Cũng vì chủ quan, nhận thức còn hạn chế, rất nhiều thai phụ ở các huyện miền núi không đi khám thai định kỳ để phát hiện sớm những bất thường của thai kỳ. Cũng tại Bệnh viện Sản Nhi, tháng 6.2019, sản phụ Phạm Thị Bối ngụ ở xã Ba Xa (Ba Tơ) may mắn được cứu sống khi đẻ thường, ngôi thai ngược.
 
Sản phụ Bối nhập viện trong tình trạng phần mình và tay chân của thai nhi đã ra ngoài, nhưng phần đầu lại bị kẹt trong âm đạo của mẹ. Thời điểm sản phụ Bối vào bệnh viện thai nhi đã rất yếu. Chỉ cần chậm vài phút, em bé có thể tử vong. Nhóm y, bác sĩ khẩn cấp đỡ đầu thai nhi ra khỏi âm đạo.
 
Được biết, sản phụ Bối không đi khám thai nên không biết thai nhi ngôi ngược. Đến lúc đau bụng, khó đẻ, người nhà mới chuyển tới Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ. Với những ca như thế này, Trung tâm đành chuyển lên tuyến trên. 
 
“Tôi nghĩ là mẹ con tôi không qua khỏi. Qua tai nạn này mới thấy, nếu mình có sự chủ động từ trước, thì khi bắt đầu có cơn đau, mình lo nhập viện để được bác sĩ giúp đỡ thì chắc cuộc chuyển dạ sẽ an toàn hơn”- sản phụ Bối bày tỏ.
 
Mẹ con sản phụ Bối được may mắn cứu sống khi gặp tai biến sản khoa
Mẹ con sản phụ Bối được may mắn cứu sống khi gặp tai biến sản khoa
 
Trường hợp của sản phụ Gởi hay của sản phụ Bối là hai trường hợp may mắn, được cấp cứu kịp thời trong số hàng chục ca sinh đẻ tại nhà gặp tai biến trên địa bàn tỉnh mỗi năm. Thống kê tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận cấp cứu cho hơn 30 ca sản phụ từ các huyện miền núi. Trong số này, các tại biến thường gặp như đẻ khó, băng huyết… phần lớn nguyên nhân là do sản phụ không đến các cơ sở y tế kịp thời hay thậm chí tự ý sinh con tự nhiên tại nhà.
 
Không đi khám thai, tự ý sinh con tại nhà tiềm ẩn nhiều nguy cơ thai sản mà bà mẹ không lường trước được rủi ro cho cả mẹ và con. Bác sĩ Nguyễn Xuân Minh- Phó trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh chia sẻ: Chuyển dạ là thời điểm nguy hiểm cần phải có sự hỗ trợ y tế.
 
Nếu sản phụ chủ động đi khám thai định kỳ, nhất là những tháng cuối thai kỳ thì sản phụ biết được mình có khả năng mắc các tai biến như: tiền sản giật, nhau tiền đạo, ngôi thai ngược… Với những trường hợp này, thì khi có dấu hiệu bất thường, sản phụ phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được giúp đỡ.
 
Còn với những trường hợp không khám thai và sinh con tại nhà thì đến khi xảy ra sự cố trong quá trình sinh đẻ mới đến bệnh viện thì đã quá muộn. Người mẹ không được hỗ trợ trong quá trình vượt cạn, có thể sẽ bị vỡ tử cung, trẻ yếu không được hỗ trợ nguy cơ tử vong cao. Bên cạnh đó là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở cả mẹ và con, chưa kể những tai biến nguy hiểm khác.
 
“Do đó, các bác sĩ sản khoa luôn khuyến cáo, tất cả các bà mẹ mang thai cần đi khám thai định kỳ và cần chọn nơi sinh đẻ an toàn để tránh nguy hiểm tính mạng cả mẹ và con”- Bác sĩ Minh nhấn mạnh.
 
Việc phụ nữ vùng cao sinh con tại nhà cũng có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính vẫn là do nhận thức còn hạn chế. Nhiều chị em sinh con tại nhà một lần không thấy tai biến gì nên nghĩ việc sinh nở đơn giản nên các lần sinh sau vẫn cứ để tại nhà. Cũng chính vì vậy, rất nhiều vụ tai biến đau lòng đã xảy ra trong thời gian qua.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.