Thầm lặng những "chiến sĩ áo trắng"

08:07, 31/07/2019
.

(Baoquangngai.vn)- Trong kháng chiến, ông Trần Thanh Mai và ông Nguyễn Thái Hoà là những chiến sĩ quân y phục vụ các thương, bệnh binh. Còn ở thời bình, họ vẫn luôn sống vì mọi người, tận tâm với đời.

TIN LIÊN QUAN

Sự hy sinh thầm lặng

Năm 1962, chàng thanh niên Trần Thanh Mai, ở xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh), đi theo tiếng gọi của Tổ quốc khi vừa tròn 20 tuổi. Vừa nhập ngũ, Mai được học cứu thương để phục vụ bội đội, dân làng tại địa bàn lực lượng vũ trang Sơn Tịnh hoạt động. Ngày ấy, chàng chiến sĩ trẻ này đã cùng đồng đội xây dựng cơ sở phá ấp chiến lược, để giải phóng nông thôn từng phần.

Bác sĩ Nguyễn Thái Hoà tận tình khám, phát thuốc cho bệnh nhân tại “Tuệ Tĩnh Đường Từ Tâm”.

Bác sĩ Nguyễn Thái Hoà tận tình khám, phát thuốc cho bệnh nhân tại “Tuệ Tĩnh Đường Từ Tâm”.

Đến năm 1965, khi quân đội Mỹ tiến vào Quảng Ngãi, Mai được tỉnh điều động về thành lập Bệnh xá B23 ở xã Trà Tân (Trà Bồng) để phục vụ kháng chiến. Năm 1968, Mai được cử đi học y sĩ, 2 năm sau thì về làm trợ lý quân y Tỉnh đội Quảng Ngãi. Năm 1971, y sĩ Trần Thanh Mai nhận công tác tại Đội phẫu thuật cơ động A100 (Tỉnh đội Quảng Ngãi).

Khi giữ cương vị Đội trưởng Đội phẫu thuật, ông Mai được giao nhiệm vụ điều trị, cứu chữa thương bệnh binh để có thể chi viện cho chiến trường. “Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, thiếu thốn vật chất, lương thực, thuốc men, bàn mổ thô sơ, tôi chỉ tăng cường thêm các ca phẫu thuật dã chiến. Thế nhưng, với sự quyết tâm khắc phục gian khổ, chúng tôi đã sơ cứu, cứu chữa được nhiều đồng đội mà đến bây giờ gặp lại, cảm xúc vẫn còn”, ông Mai nhớ lại.

Sau năm 1975, ông Mai phụ trách quân y tại Trung đoàn 94. Sau đó, đơn vị hành quân đến chiến trường Tây Nam. Mặc dù hoàn cảnh hết sức khó khăn, vật chất thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt, bộ đội hành quân liên miên trong thời gian dài với tình trạng cơ thể suy kiệt, sốt rét ác tính triền miên, nước sinh hoạt khan hiếm... nhưng đơn vị do ông đảm nhiệm đã khắc phục mọi khó khăn, bằng kinh nghiệm và phương pháp y khoa, ông đã điều trị kịp thời cho đồng đội và giảm thiểu tối đa tử vong.

Khi hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi được tái lập vào năm 1989, ông Mai gắn bó công việc tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Trong thời gian làm việc tại đây, ông đảm nhiệm công tác tổ chức, quản lý, phục vụ nhân dân. Và đây cũng là những ngày tháng ông được sống trọn vẹn với gia đình, vợ con, phần nào bù đắp những thiếu thốn về tình cảm sau nhiều năm xa cách.

Những cuộc "trở về"       

Ngay từ thuở nhỏ, ông Nguyễn Thái Hoà (sinh năm 1948) ở xã Phổ Vinh (Đức Phổ) được nhiều người trong làng biết đến là thông minh, hiếu học. Cũng như bao chàng trai ngày ấy, ông tham gia kháng chiến, tình nguyện đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần.

Năm 1967, chàng thanh niên Nguyễn Thái Hoà cùng đồng đội hoạt động ở vùng giáp ranh giữa Phổ Cường (Đức Phổ) và Ba Trang (Ba Tơ). Địch cho máy bay ném bom oanh tạc và bắn pháo liên tục vùng Hòa đóng quân. Theo lệnh của quân khu, Hòa cùng đồng đội phải di chuyển đến một địa thế cao, xa hơn nơi cũ.

Vừa hành quân vừa làm nhiệm vụ cứu chữa bệnh binh, chiến sĩ Hoà cũng như đồng đội của mình gặp không ít tình huống bất ngờ, hiểm nguy. Như lần bị địch bao vây, nơi ẩn náu của Hòa và đồng đội chỉ cách địch chừng 3 - 5 phút đi bộ. Không nước uống, không thuốc men, Hòa cùng đồng đội phải nhai gạo sống để cầm cự.

Khi chạm phải địch, Hòa đưa thương binh sang hướng khác, rồi cùng đồng đội băng qua cánh rừng già xuống triền núi đến khi gặp suối nước... Đến ngày thứ tám thì địch rút quân. Vài ngày sau, đơn vị trở lại đón Hòa cùng đồng đội...

Nhắc lại quãng thời gian hào hùng ấy, ông Hoà gọi đó là "một cuộc trở về". Bởi những ai đã một lần trong đời từng đối mặt với cái chết, nằm trong vòng vây ác liệt của địch sẽ càng thấy sự sống là vô giá. Điều đó đối với ông càng thấm thía vô cùng.

Năm 1989, ông Hòa nhận công việc tại Bệnh viện Quân Y 175 (TP.Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, lúc ấy Bệnh xá B21 đang thiếu y, bác sĩ, nên ông một lần nữa trở về công tác với cương vị là Bệnh xá trưởng và gắn bó đến khi nghỉ hưu.

Giờ đây, khi được "trở về với gia đình", ông lại tiếp tục tham gia khám, chữa bệnh từ thiện cho nhân dân tại “Tuệ Tĩnh Đường Từ Tâm” của Tịnh xá Ngọc Quảng (TP.Quảng Ngãi). Ông Hòa luôn tâm niệm: "Còn sống là còn cống hiến, sống trọn với phẩm chất cao quý của người lính Cụ Hồ".

Những người như bác sĩ Trần Thanh Mai và Nguyễn Thái Hòa đã góp phần tô điểm thêm truyền thống tốt đẹp của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam.

Bài, ảnh: TRUNG ÂN



 


.