Đức Phổ: Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm

09:07, 16/07/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Qua việc tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh (SXKD) thực phẩm, các đơn vị chức năng ở huyện Đức Phổ đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều cơ sở vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường công tác truyền thông

Toàn huyện Đức Phổ hiện có hơn 1.400 cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm. Thời gian qua, để đảm bảo ATVSTP, bảo vệ sức khỏe cho người dân, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về các điều kiện ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; đồng thời siết chặt công tác quản lý, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATVSTP.

Trưởng phòng Y tế huyện Đức Phổ Trần Ngọc Giàu cho biết: Truyền thông nâng cao ý thức, hiểu biết của người dân là giải pháp quan trọng để đảm bảo ATVSTP. Qua công tác truyền thông đã tạo chuyển biến tích cực, nhiều cơ sở SXKD chấp hành tốt hơn quy định pháp luật về đảm bảo ATVSTP.
 
Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành huyện Đức Phổ kiểm tra một cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa.
Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành huyện Đức Phổ kiểm tra một cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa.

Những năm gần đây, trong Tháng hành động vì ATTP, huyện không tổ chức lễ phát động, diễu hành ngoài đường phố, mà tổ chức hội nghị trao đổi giữa nhà quản lý với các tổ chức, cá nhân SXKD, người tiêu dùng thực phẩm, qua đó tuyên truyền kiến thức, tổ chức ký cam kết đảm bảo ATVSTP. Năm nay, hội nghị triển khai, tuyên truyền nhân Tháng hành động vì ATTP được tổ chức ở cấp huyện và 15/15 xã, thị trấn trên địa bàn.

Lo ngại ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ

Theo ông Trần Ngọc Giàu, các cơ sở SXKD quy mô lớn đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATTP; đầu tư cơ sở vật chất, bảo quản các mặt hàng bao gói đúng quy định, an toàn; người tham gia làm việc có giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức về ATTP. Vi phạm phát hiện qua thanh, kiểm tra chủ yếu ở các cơ sở nhỏ lẻ sản xuất các loại thực phẩm truyền thống như: Bún, rượu, bánh tráng...

Nhận thức của một số chủ cơ sở sản xuất chưa cao, nên vi phạm pháp luật về ATTP vẫn còn diễn ra. Trong đó, có nhiều cơ sở hoạt động thường xuyên, nhưng không đăng ký ngành nghề hoạt động, không thực hiện các quy định về ATTP; bảo quản sản phẩm không đúng quy định; một số cơ sở kinh doanh hàng hóa hết hạn, không rõ nguồn gốc...

Quy trình sản xuất thực phẩm ở nhiều cơ sở không theo quy định, tự phát, chưa kiểm soát được mối nguy ảnh hưởng đến chất lượng và ATTP. Khu vực sản xuất không đảm bảo vệ sinh; chế biến thực phẩm, phụ gia thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm... không đảm bảo theo quy định.

Trong Tháng hành động vì ATTP vừa qua, đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ATVSTP các cấp ở huyện Đức Phổ đã tiến hành thanh, kiểm tra 570 cơ sở SXKD thực phẩm, qua đó phát hiện 194 cơ sở vi phạm. Đoàn thanh tra, kiểm tra đã trực tiếp nhắc nhở, hướng dẫn biện pháp khắc phục tình trạng vi phạm; yêu cầu chủ cơ sở tiêu hủy tại chỗ các thực phẩm hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, hàng hóa không đảm bảo chất lượng... Đồng thời, đoàn đã tham mưu Chủ tịch UBND huyện ra quyết định xử lý vi phạm hành chính 6 cơ sở, với số tiền 16 triệu đồng.

Quản lý dịch vụ nấu ăn "lưu động"

Trên địa bàn huyện Đức Phổ, các dịch vụ nấu ăn "lưu động" phát triển mạnh, với 107 cơ sở. Phòng Y tế huyện phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn kiến thức thực hành cho người lao động tại các cơ sở này, để đảm bảo ATVSTP. Nhờ đó, đến nay gần 90 cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ nấu ăn "lưu động".

 

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ




 


.