(Baoquangngai.vn)-
Cơ sở vật chất xuống cấp, nguồn nhân lực mỏng, đó là thực trạng ngành Y ngày vừa tái lập tỉnh. Để rồi 30 năm sau, hệ thống y tế tỉnh Quảng Ngãi dần được cải thiện và kiện toàn. Ngành Y đã khẳng định được vai trò của mình trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đột phá từ cơ sở
Cách đây 30 năm, toàn tỉnh Quảng Ngãi chỉ có 1 bệnh viện tuyến tỉnh, 1 Viện Điều dưỡng, 11 Bệnh xá/Trung tâm Y tế và 100 Trạm xá xã với quy mô nhỏ bé. Cơ sở vật chất, nhân lực thiếu thốn khiến cho công tác khám, chữa bệnh gặp không ít khó khăn, thách thức. Song, từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực của toàn ngành, hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở đã được củng cố hoàn thiện.
Trạm Y tế xã Ba Vì (Ba Tơ) là một trong những Trạm được đầu tư xây dựng mới sau khi tách tỉnh. Đặc biệt, năm 2016, từ nguồn hỗ trợ của Bộ tư lệnh Châu Á, Thái Bình Dương Hoa Kì, trạm được hoàn thiện khá khang trang và đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Trạm Y tế xã Ba Vì là một trong những trạm được đầu tư xây mới trong 30 năm tái lập tỉnh |
Tại trạm, những thiết bị y tế cận lâm sàng như máy siêu âm, máy đo điện tim đã được trang bị, hỗ trợ rất tốt để chẩn đoán và chỉ định điều trị phù hợp cho người bệnh. “Ngày xưa thì mình còn tin hủ tục cúng bái, chứ giờ cứ bị đau ốm là mình phải tới trạm nhờ bác sĩ. Họ có thiết bị tốt, chuyên môn cao để giúp đồng bào mình”- ông Phạm Văn Dôn ở thôn Giá Vực cũng như nhiều người dân khác, từ lâu đã xem Trạm Y tế xã là địa chỉ tin cậy để khám, chữa bệnh. Từ một trạm, mỗi tháng chỉ 3-5 người tới khám cách đây 30 năm, đến nay, mỗi tháng, Trạm Y tế xã luôn có lượng bệnh nhân từ 500-600 lượt.
Từ 11 Bệnh xá/Trung tâm Y tế huyện và 100 Trạm xá xã, đến nay toàn tỉnh đã có 14 Trung tâm Y tế huyện và 183 Trạm Y tế xã. 100% các Trạm Y tế đều được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp, cải tạo, 100% Trạm Y tế xã đều có bác sĩ hoạt động và có trên 85% Trạm đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Việc củng cố y tế cơ sở đã góp phần làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Năm 1989, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện chỉ là bệnh viện hạng IV hoặc tương đương phòng khám đa khoa khu vực, nay đã nâng lên là hạng III. Nhiều kĩ thuật, phẫu thuật theo phân tuyến điều trị của tuyến huyện được các trung tâm, bệnh viện triển khai thành công. Trong đó, phải kể đến như: phẫu thuật nội soi dạ dày, phẫu thuật kết hợp xương, phẫu thuật lấy thai lần 2 và nhiều kỹ thuật xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng khác phục vụ điều trị bệnh nhân.
Nhiều kỹ thuật hiện đại được các trung tâm, bệnh viện tuyến huyện đầu tư trang thiết bị và triển khai có hiệu quả |
Bác sĩ Võ Thanh Tân- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức chia sẻ: Các dịch vụ cận lâm sàng ở bệnh viện tuyến huyện rất mạnh. Nhiều nơi đã tiến thêm một bước trong kỹ thuật hiện đại là nội soi, chẩn đoán dạ dày. Kỹ thuật này, tất cả bệnh viện tuyến huyện đều triển khai.
Tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Dấu ấn trong việc hoàn thiện mạng lưới y tế Quảng Ngãi là sự kiện toàn, phát triển của Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Năm 2009, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư xây dựng ở vị trí mới với quy mô 600 giường bệnh, đến nay đã nâng lên 900 giường bệnh.
Nhiều trang thiết bị y tế hiện đại được đầu tư như máy Citi 64 lát cắt, máy MRI và nhiều thiết bị y tế cận lâm sàng khác. Đội ngũ bác sĩ của Bệnh viện được kiện toàn với gần 200 người. Với sự kiện toàn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực, bệnh viện đã mạnh dạn triển khai thực hiện được nhiều kỹ thuật mới, hiện đại từ các Bệnh viện tuyến trên, đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng đa dạng của người bệnh. Khi mới tái lập tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh chỉ là bệnh viện đa khoa khu vực hạng III, đã nâng lên bệnh viện hạng II và hiện tại đang nỗ lực cán đích Bệnh viện hạng I vào năm 2020.
Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi đang phấn đấu thành bệnh viện hạng 1 trong năm 2020 |
Ông Phạm Ngọc Lân- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho hay: Đến nay, bệnh viện đã triển khai tất cả kỹ thuật tương đương với bệnh viện hạng 2 rất tốt và thực hiện 20% danh mục kỹ thuật của bệnh viện hạng 1 như: Thay khớp háng, phẫu thuật tim mạch, đặc biệt chụp mạch vành…
Sau 30 năm, hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở đã được củng cố hoàn thiện. Hầu hết các cơ sở y tế được đầu tư xây mới, trong đó xây dựng mới nhiều bệnh viện chuyên khoa như: Bệnh viện lao và bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, Bệnh viện Sản nhi tỉnh. Với việc phát triển của hệ thống bệnh viện chuyên khoa đã góp phần tích cực trong điều trị chuyên sâu cho người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Đình Tuyến- Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh cho hay: Bệnh viện đang nỗ lực áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại để phục vụ bệnh nhân như tập trung phát triển dịch vụ chăm sóc nhi, hồi sức nhi, điều trị hiếm muộn… Chúng tôi luôn cố gắng lấy sự hài lòng của người bệnh làm tiêu chí hoạt động.
Nhiều bệnh viện chuyên khoa đã được thành lập và đi vào hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân Quảng Ngãi |
So với năm 1989, tổng số giường bệnh ở Quảng Ngãi đạt 27,3 giường/ vạn dân tăng 3,06 lần; số bác sĩ/ vạn dân là 7,11 bác sĩ tăng gần 4 lần. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực được kiện toàn đã hỗ trợ tích cực để các cơ sở y tế triển khai tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Bác sĩ Phạm Minh Đức- Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi nói về định hướng sắp đến của ngành: Để đáp ứng công tác khám chữa bệnh, mạng lưới y tế về tuyến tỉnh, phấn đấu năm 2020 sẽ nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên hạng 1, đầu tư nâng cấp bệnh viện cổ truyền, Trung tâm Nội tiết, mắt…
30 năm, từ những khó khăn và thách thức, ngành Y tế Quảng Ngãi cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu đề ra trong công tác chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh cho người dân. Sự hoàn thiện mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở là nền tảng để Ngành Y tế tiếp tục nâng cao chất lượng điều trị, giúp người dân tiếp cận nhanh với các dịch vụ y tế hiện đại ngay tại cơ sở.
Bài, ảnh: Thanh Phương